Quy mô DN: được phản ánh qua chỉ tiêu quy mô tổng tài sản bình quân hoặc quy mô doanh thu thuần. Lý thuyết đánh đổi cho rằng các DN quy mô lớn thường có quy mô và tỷ trọng nợ vay ở mức cao. Điều này được giải thích do các DN quy mô lớn có khả năng cao đối với hoạt động đa dạng hoá đầu tư, dòng tiền hoạt động kinh doanh có tính ổn định cao và có lượng tài sản quy mô lớn sử dụng làm tài sản thế chấp đối với các khoản nợ vay nên xác suất vỡ nợ thấp và DN bởi vậy dễ dàng tiếp cận với thị trường vốn. Lý thuyết trật tự phân hạng lại cho rằng các DN quy mô lớn thường có quy mô và tỷ trọng nợ vay ở mức thấp. Lý thuyết này cho rằng DN quy mô lớn thường được giám sát chặt chẽ bởi các tổ chức tài chính, vấn đề thông tin bất đối xứng thấp nên gặp thuận lợi trong việc phát hành cổ phần với mức giá hợp lý và hạn chế sử dụng nợ Những nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ thuận chiều giữa quy mô DN và xu hướng sử dụng nợ vay bao gồm các nghiên cứu của các tác giả: Agrawal và Nagarajan (1990) [24], Bevan và Danbolt (2002) [26], Marsh (1982) [35], Fama và Jensen (1983)[30]. Tuy nhiên, nghiên cứu của Kester (1986) [32], Titman và Wessels (1988) [49] lại chỉ ra mối quan hệ ngược chiều giữa quy mô DN và xu hướng sử dụng nợ vay.
Hiệu quả hoạt động kinh doanh: được phản ánh chủ yếu qua các chỉ tiêu: tỷ suất sinh lời vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA), tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản (BEP). Lý thuyết trật tự phân hạng đã đề cập tới sự ưu tiên của nhà quản trị trong quyết định lựa chọn nguồn vốn. DN có hiệu quả hoạt động kinh doanh cao có xu hướng sử dụng nợ vay ở mức thấp. Nguyên nhân ở đây không phải do cơ cấu nguồn vốn mục tiêu thấp mà tính “trật tự phân hạng” đã làm cho nhà quản trị đưa ra quyết định khi chưa cần đến nguồn vốn nợ vay. Tuy nhiên, trong trường hợp hiệu quả hoạt động kinh doanh ở mức thấp, nợ vay lại lại một sự lựa chọn hàng đầu do nguồn vốn bên trong không đủ để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Nghiên cứu của Kester (1986) [32], Friend và Lang (1988) [31] cũng chỉ ra hiệu quả hoạt động kinh doanh có mối quan hệ ngược chiều với hệ số nợ của DN. Lý thuyết đánh đổi lại có quan điểm ngược lại khi cho rằng hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN ở mức cao tạo ra sự an tâm đối với chủ nợ khi đưa ra quyết định cung cấp tín dụng cho DN. Không những vậy, tính hữu ích của “tấm lá chắn thuế” luôn đem lại cho các nhà quản trị DN hướng tới xu hướng sử dụng nợ vay khi hiệu quả hoạt động kinh doanh ở mức cao.
Triển vọng tăng trưởng: được phản ánh thông qua tốc độ tăng trưởng tổng tài sản hoặc tốc độ tăng trưởng doanh thu của DN. Thông thường, triển vọng tăng trưởng có mối quan hệ thuận chiều với mức độ sử dụng nợ vay do DN có triển vọng tăng trưởng cao sẽ truyền tải tín hiệu tích cực đối với các nhà đầu tư bên ngoài. Tuy nhiên, lý thuyết chi phí đại diện lại chỉ ra mối quan hệ ngược chiều giữa triển vọng tăng trưởng và xu hướng sử dụng nợ vay như sau: triển vọng tăng trưởng cao của DN sẽ khuyến khích DN thực hiện chính sách mở rộng thị phần, cải tiến công nghệ để nâng cao khả năng cạnh tranh; để đảm bảo tốc độ tăng trưởng, DN cần lựa chọn nguồn vốn thích hợp để bảo vệ lợi ích cổ đông hiện hành nên thường dựa vào sự tài trợ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Bởi vì, nếu nợ vay của DN gia tăng thì khi mức độ tăng trưởng cao phần lợi nhuận của dự án sẽ chuyển sang phía chủ nợ nên cổ đông sẽ hạn chế đầu tư vào DN. Một số nghiên cứu cùng quan điểm với lý thuyết chi phí đại diện về mối quan hệ giữa triển vọng tăng trưởng và cơ cấu nguồn vốn bao gồm các nghiên cứu của các tác giả: Rajan và Zingales (1995)[44], Wald (1999), Kim và Stulz (1996), Chen (2004)[21], Syed Tahir Hijazi và Yasir Bin Tariq (2006), Deesomsak, R. and Paudyal, K. and Pescetto, (2009), và Anifowse Mutalib (2011).
Cơ cấu tài sản: được phản ánh qua cac chỉ tiêu đo lường cơ cấu tài sản như: tỷ lệ tài sản ngắn hạn trên tổng tài sản; tỷ lệ tài sản dài hạn trên tổng tài sản hay tỷ lệ tài sản cố định hữu hình trên tổng tài sản. Theo lý thuyết đánh đổi, tính hữu hình của tài sản là nhân tố đại diện cho khả năng năng thế chấp của tài sản đối với các khoản nợ vay. DN có tài sản cố định hữu hình càng cao thì sẽ giảm thiểu được nguy cơ đối với chủ nợ trong hợp DN mất khả năng thanh toán và làm giảm chi phí đại diện của nợ vay và làm giảm lãi suất đi vay. Như vậy, lý thuyết đánh đổi cho rằng có mối quan hệ thuận chiều giữa hệ số đòn bẩy tài chính và tỷ trọng tài sản cố định hữu hình. Tuy nhiên, lý thuyết trật tự phân hạng những DN với quy mô tài sản hữu hình cao sẽ giảm thiểu được vấn đề thông tin bất đối xứng. Bởi vậy, những DN này có xu hướng sử dụng vốn cổ phần nhiều hơn so với nợ vay. Như vậy, lý thuyết trật tự phân hạng lại cho thấy mối quan hệ ngược chiều giữa tỷ lệ tài sản cố định hữu hình và xu hướng sử dụng nợ vay của DN.
Khả năng thanh toán: được phản ánh qua các chỉ tiêu về khả năng thanh toán bao gồm: hệ số thanh toán hiện hành; hệ số thanh toán nhanh; hệ số thanh toán hiện thời. Khả năng thanh toán có thể có ảnh hưởng khác nhau đến quyết định cơ cấu nguồn vốn. Theo lý thuyết đánh đổi, những DN có khả năng thanh toán cao có khả năng đáp ứng cao đối với nghĩa vụ nợ đến hạn nên được chủ nợ xếp hạng tín nhiệm cao hơn và do đó sẽ gặp thuận lợi trong việc sử dụng nợ vay. Tuy nhiên, theo lý thuyết trật tự phân hạng, những DN có tính thanh khoản cao sẽ có xu hướng dùng chính những tài sản có tính thanh khoản cao để tài trợ cho các dự án đầu tư nên sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vốn từ nội sinh hơn so với nguồn vốn bên ngoài từ nợ vay. Prowse (1990) [46] lập luận rằng tính thanh khoản của tài sản có thể được sử dụng để chỉ ra phạm vi mà những tài sản này có thể bị thao túng bởi cổ đông, gây thiệt hại cho trái chủ. Ozkan (2001) chỉ ra rằng khả năng thanh toán có mối quan hệ ngược chiều với đòn bẩy tài chính.
– Rủi ro kinh doanh: phản ánh bằng tỷ lệ phần trăm thay đổi của lợi nhuận kinh doanh so với phần trăm thay đổi của doanh thu hoặc sản lượng. Rủi ro kinh doanh của DN cao sẽ gây lên mối lo ngại về khả năng thua lỗ hoặc phá sản của DN. DN có rủi ro kinh doanh cao thường có xu hướng giảm tỷ trọng nợ vay để giảm rủi ro tài chính qua đó giảm rủi ro tổng thể của DN. Bởi vậy, những DN có rủi ro kinh doanh cao thường có xu hướng chủ yếu trong ưu tiên sử dụng nguồn vốn. Frank và Goyal (2003) chỉ ra rằng rủi ro kinh doanh và cơ cấu nguồn vốn có mối quan hệ ngược chiều.
– Đặc điểm riêng của DN: phản ánh những đặc trưng riêng của DN về hàng hoá – dịch vụ, ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Những DN có chu kỳ sản xuất – kinh doanh dài, vòng quay vốn chậm như những DN kinh doanh trong các lĩnh vực khai thác, chế biến, hầm mỏ.. thông thường có cơ cấu nguồn vốn nghiên về vốn chủ sở hữu. Ngược lại, những DN hoạt động trong những ngành có mức nhu cầu về sản phẩm ổn định, vòng quay vốn nhanh như những ngành thương mại, dịch thì cơ cấu nguồn vốn thường nghiên về nợ vay.
– Thuế thu nhập DN: phản ánh số thuế mà DN phải nộp trên tổng lợi nhuận trước thuế của DN. Lý thuyết M&M trong trường hợp có thuế cho rằng lợi ích từ “tấm lá chắn thuế” sẽ thúc đẩy DN vay nợ để được hưởng lợi do chi phí lãi vay được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập DN. Theo đó, những DN sử dụng nợ vay sẽ phải nộp thuế ít hơn so với những DN không sử dụng nợ vay. Điều này khiến cho dòng tiền sau thuế của DN có vay nợ sẽ cao hơn dòng tiền sau thuế của DN không vay nợ, do yếu tố lãi vay đã đem lại cho các cổ đông khoản tiết kiệm thuế. Như vậy, các công ty với thuế suất cao hơn sẽ sử dụng nhiều nợ, mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính cao hơn để đạt lợi ích từ tấm chắn thuế.
Để lại một bình luận