Thương mại quốc tế đã ra đời cách đây hàng ngàn năm. Nhưng phải đến thế kỷ 15 thì mới xuất hiện những nỗ lực nhằm giải thích nguồn gốc và những lợi ích từ thương mại quốc tế. Trong phần này ta sẽ nghiên cứu lần lượt về quan điểm của chủ nghĩa trọng thương và tiếp đó là lý thuyết về lợi thế tuyệt đối của Adam Smith. Từ quan điểm của A.Smith, hai lý thuyết khác tiếp tục được xây dựng và phát triển, đó là lý thuyết về lợi thế so sánh của nhà kinh tế học người Anh David Ricardo trong thế kỷ 19 và lý thuyết Heckscher-Ohlin, một công trình nghiên cứu sâu hơn lý thuyết của D.Ricardo của hai nhà kinh tế học người Thụy Điển là Eli Heckscher và Bertil Ohlin trong thế kỷ XX.
Các lý thuyết của Smith, Ricardo và Heckscher-Ohlin giúp giải thích mô hình của thương mại quốc tế đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới. Một số khía cạnh của mô hình này có thể hiểu được một cách dễ dàng. Khí hậu thuận lợi và các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào giải thích tại sao Ghana lại xuất khẩu hạt ca-cao, Brazil xuất khẩu cà phê và Ả rập Xê-út xuất khẩu dầu thô. Tuy vậy, một phần rất lớn của mô hình thương mại quốc tế mà chúng ta quan sát được khó giải thích hơn nhiều. Ví dụ, tại sao Nhật Bản xuất khẩu các loại ô tô, hàng điện tử dân dụng và máy công cụ? Và tại sao Thụy Sĩ xuất khẩu các loại hóa chất, dược phẩm, đồng hồ đeo tay và đồ nữ trang? Lý thuyết của David Ricardo về lợi thế so sánh đưa ra một cách giải thích về sự khác biệt giữa các quốc gia về năng suất lao động. Lý thuyết Heckscher-Ohlin chi tiết hơn khi nhấn mạnh tới sự tương tác giữa các tỷ lệ yếu tố sản xuất (bao gồm đất đai, lao động và vốn) sẵn có tại các quốc gia khác nhau với tỷ lệ yếu tố sản xuất cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa cụ thể. Sự giải thích này dựa trên giả thuyết rằng các quốc gia có mức độ dồi dào các yếu tố sản xuất khác nhau. Tuy nhiên, những kiểm nghiệm về tính đúng đắn của lý thuyết này lại cho thấy rằng đó không phải là những giải thích luôn luôn đúng cho các mô hình thương mại diễn ra trên thực tế.
Một trong những câu trả lời cho sự thất bại của lý thuyết Heckscher-Ohlin để giải thích các mô hình thương mại trên thực tế chính là lý thuyết về vòng đời sản phẩm của tác giả Raymond Vernon (Mỹ). Lý thuyết này cho rằng trong giai đoạn ban đầu của vòng đời, hầu hết các sản phẩm mới đều được sản xuất và xuất khẩu từ những quốc gia mà tại đó chúng được phát minh. Tuy nhiên, khi một sản phẩm mới được chấp nhận rộng rãi trên thị trường quốc tế, quá trình sản xuất sẽ bắt đầu diễn ra ở các nước khác và cuối cùng sản phẩm đó có thể sẽ được xuất khẩu trở lại chính quốc gia phát minh đầu tiên.
Cũng theo mạch lập luận tương tự như vậy, trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, một số nhà kinh tế học mà điển hình là Paul Krugman, một giáo sư kinh tế, đã phát triển một lý thuyết mà sau đó được biết tới như là lý thuyết mới về thương mại. Lý thuyết này nhấn mạnh rằng trong một số trường hợp, các quốc gia chuyên môn hóa vào sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm đặc thù không phải bởi vì sự khác biệt về mức độ dồi dào các nhân tố sản xuất, mà bởi vì trong một số ngành nhất định thị trường thế giới chỉ có thể chấp nhận và cho phép một số lượng hạn chế các công ty có thể tham gia vào (ví dụ ngành công nghiệp chế tạo máy bay chở khách dân dụng). Trong những ngành như vậy, các công ty thâm nhập thị trường trước sẽ có khả năng thiết lập cho mình một lợi thế cạnh tranh mà các công ty gia nhập sau đó khó có thể đạt được. Do vậy, mô hình thương mại thực tế diễn ra giữa các quốc gia có thể một phần là do năng lực của các công ty thuộc một quốc gia giành được những lợi thế của người đi trước.
Không dừng lại ở đó, trong các công trình nghiên cứu liên quan tới lý thuyết thương mại mới, tác giả Michael Porter (người Mỹ) đã đưa ra lý thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia. Lý thuyết này cố gắng giải thích tại sao một nước cụ thể lại đạt được những thành công quốc tế trong một ngành nhất định. Bên cạnh lý do vì sự ưu đãi hay mức độ dồi dào của các nhân tố sản xuất, Porter đã chỉ ra tầm quan trọng của các nhân tố quốc gia ví dụ như nhu cầu trong nước, và các đối thủ cạnh tranh trong nước trong việc giải thích sự thống trị của một quốc gia trong sản xuất và xuất khẩu một sản phẩm cụ thể.
1. Chủ nghĩa trọng thương
Lý thuyết đầu tiên giải thích về thương mại quốc tế là nghiên cứu của chủ nghĩa trọng thương, khởi đầu tại nước Anh vào giữa thế kỷ 16. Nội dung cơ bản nhất của chủ nghĩa này khẳng định rằng vàng và bạc là phương tiện chính đánh giá sự giàu có của quốc gia và giữ vai trò trọng yếu giúp cho hoạt động buôn bán giữa các nước trở nên sôi động. Vào thời kỳ đó, vàng và bạc là tiền tệ trong trao đổi thương mại giữa các quốc gia; một quốc gia có thể thu được vàng và bạc về nhờ việc xuất khẩu hàng hóa. Ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác sẽ khiến cho các kim loại quý này rời khỏi quốc gia đó. Do vậy, tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa trọng thương cho rằng cần phải duy trì trạng thái thặng dư thương mại, tức là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu để mang lại lợi ích tốt nhất cho một nước. Khi một nước tích lũy được nhiều vàng bạc thì sự giàu có, uy tín, và quyền lực của nước đó cũng sẽ tăng lên. Thomas Mun, một tác giả theo tư tưởng trọng thương người Anh đã viết năm 1630: Phương tiện phổ dụng từ đó làm tăng sự giàu có và ngân khố của chúng ta chính là hoạt động ngoại thương, trong đó ta phải luôn tuân theo nguyên tắc: hàng năm bán cho những người bên ngoài một lượng giá trị nhiều hơn những gì chúng ta tiêu dùng của họ.
Nhất quán với tư tưởng này, chủ nghĩa trọng thương ủng hộ sự can thiệp của chính phủ nhằm đạt được thặng dư trong cán cân thương mại. Các nhà trọng thương không cho rằng kim ngạch thương mại lớn là một ưu điểm mà họ đề xuất các chính sách nhằm tối đa hóa xuất khẩu và tổi thiểu hóa nhập khẩu. Để đạt được điều này, nhập khẩu phải được hạn chế bởi các biện pháp như thuế quan và hạn ngạch, trong khi xuất khẩu sẽ được trợ cấp.
Nhà kinh tế học cổ điển David Hume (người Xcốt-len) đã chỉ ra một sự thiếu nhất quán cố hữu trong học thuyết trọng thương vào năm 1752. Ông đưa ra lập luận bằng ví dụ quan hệ buôn bán giữa hai nước Anh và Pháp. Giả sử Anh có cán cân thương mại thặng dự trong buôn bán với Pháp (do xuất khẩu sang Pháp nhiều hơn nhập khẩu từ Pháp), và theo đó là một lượng vàng bạc sẽ di chuyển vào nước Anh. Điều này khiến cho lượng cung tiền trong nước ở Anh sẽ tăng mạnh và gây ra lạm phát ở nước này. Tuy nhiên, tại Pháp, dòng vàng bạc chảy ra ngoài đất nước sẽ gây tác động ngược lại. Lượng cung tiền tại Pháp sẽ giảm xuống, và giá cả tại nước này cũng sẽ giảm theo. Sự thay đổi này trong mối tương quan giữa giá cả tại Anh và giá cả tại Pháp sẽ khuyến khích người dân Pháp mua ít hàng hóa của Anh hơn (bởi vì đã trở nên đắt đỏ hơn) còn người dân Anh sẽ mua nhiều hàng hóa của Pháp hơn (vì trở nên rẻ hơn). Kết quả dẫn đến cán cân thương mại của Anh sẽ bị xấu đi còn cán cân thương mại của Pháp sẽ được cải thiện. Hiện tượng này sẽ diễn ra cho đến khi nào thặng dư thương mại của Anh không còn nữa. Như vậy, theo Hume, trong dài hạn không quốc gia nào có thể duy trì được thặng dư trong cán cân thương mại và do vậy vàng bạc cũng không thể tích lũy mãi như các nhà trọng thương đã dự tính.
Nhược điểm của chủ nghĩa trọng thương là đã nhìn nhận thương mại như một trò chơi có tổng bằng không (zero-sum game – nghĩa là lợi ích mà một nước thu được chính bằng thiệt hại mà nước khác mất đi.) Hạn chế này đã được các lý thuyết của Adam Smith và David Ricardo ra đời sau đó chỉ rõ và khẳng định thương mại là một trò chơi có tổng lợi ích là số dương (positive-sum game –tất cả các nước đều thu được lợi ích.) Đáng tiếc là tư tưởng của thuyết trọng thương không hề bị mất đi. Các nhà trọng thương mới (neo-mercantilists) cân bằng sức mạnh chính trị với sức mạnh kinh tế và sức mạnh kinh tế với thặng dư trong cán cân thương mại. Những nhà phê bình lập luận rằng nhiều nước đã áp dụng chiến lược trọng thương mới được đưa ra để đồng thời nhằm thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Ví dụ, những người chỉ trích cho rằng Trung Quốc theo đuổi chính sách trọng thương mới bằng cách giữ giá trị đồng Nhân dân tệ của họ ở mức giá thấp so với đồng Đôla Hoa Kỳ một cách có chủ đích nhằm bán được nhiều hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ hơn, và do đó tích lũy được một lượng lớn thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối khổng lồ.
2. Lý thuyết về Lợi thế tuyệt đối
Trong cuốn sách nổi tiếng của mình xuất bản năm 1776 với nhan đề “Sự giàu có của các quốc gia“, Adam Smith đã đưa ra quan điểm phản bác lại nhìn nhận của chủ nghĩa trọng thương cho rằng thương mại là một trò chơi có tổng lợi ích bằng không. Smith lập luận rằng các quốc gia khác nhau chính là về khả năng sản xuất các hàng hóa một cách có hiệu quả và theo ông, một nước có lợi thế tuyệt đối trong sản xuất một sản phẩm khi mà nước đó sản xuất sản phẩm đó một cách hiệu quả hơn so với nước khác. Vào thời kỳ của Smith, người Anh là những nhà sản xuất hàng dệt hiệu quả nhất trên thế giới với sự ưu việt hơn hẳn về các quy trình chế tạo. Trong khi đó, nhờ sự kết hợp của khí hậu thuận lợi, đất đai phì nhiêu, và kinh nghiệm tích lũy qua nhiều thế hệ, người Pháp lại là những người sản xuất rượu vang hiệu quả nhất. Như vậy, có thể nói rằng người Anh có được lợi thế tuyệt đối trong việc sản xuất hàng dệt, trong khi người Pháp lại có lợi thế tuyệt đối về sản xuất rượu vang.
Theo Smith, các nước nên chuyên môn hóa vào sản xuất những sản phẩm mà nước đó có lợi thế so sánh và sau đó trao đổi những hàng hóa đó lấy những hàng hóa sản xuất bởi những nước khác.Lập luận cơ bản của Adam Smith là một quốc gia không bao giờ nên tự sản xuất những hàng hóa mà thực tế có thể mua được từ các nước khác với chi phí thấp hơn. Và bằng cách chuyên môn hóa sản xuất những hàng hóa mà một nước có lợi thế tuyệt đối, cả hai nước sẽ thu được lợi ích khi tham gia vào thương mại quốc tế.
Ví dụ phân tích tác động của thương mại diễn ra giữa hai nước là Ghana và Hàn Quốc với một số giả định sau:
– Ghana và Hàn Quốc cả hai đều có cùng một lượng các nguồn lực và những nguồn lực này có thể được sử dụng để sản xuất một trong hai sản phẩm là gạo hoặc cacao.
– Tại mỗi nước có sẵn 200 đơn vị nguồn lực và Ghana phải tốn 10 đơn vị nguồn lực để sản xuất ra một tấn cacao và tốn 20 đơn vị nguồn lực để sản xuất ra một tấn gạo. Như vậy, Ghana sẽ có thể sản xuất ra được 20 tấn cacao khi không sản xuất gạo hoặc 10 tấn gạo khi không sản xuất cacao hoặc là số lượng kết hợp của gạo và cacao ở giữa hai mức sản lượng trên. Những sự kết hợp về sản lượng gạo và cacao khác nhau mà Ghana có thể sản xuất được biểu diễn trên đường GG‟ trong Hình vẽ….. Đây được xem là đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF) của Ghana.
– Tương tự như vậy, giả sử rằng, tại Hàn Quốc phải tốn 40 đơn vị nguồn lực để sản xuất một tấn cacao và chỉ tốn 10 đơn vị nguồn lực để sản xuất một tấn gạo. Như vậy, Hàn Quốc sẽ có thể sản xuất tối đa 5 tấn cacao khi không sản xuất gạo, 20 tấn gạo khi không sản xuất cacao, hoặc là số lượng kết hợp của cả cacao và gạo nằm giữa hai mức sản lượng kia. Những sự kết hợp về sản lượng gạo và cacao khác nhau mà Hàn Quốc có thể sản xuất được biểu diễn trên đường KK‟ trong Hình 5.1. Đây được xem là đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF) của Hàn Quốc. Có thể thấy rõ là Ghana có lợi thế tuyệt đối về sản xuất cacao (vì tại Hàn Quốc phải tốn nhiều nguồn lực hơn để sản xuất cacao so với ở Ghana.)
Tương tự như vậy, Hàn Quốc có lợi thế tuyệt đối về sản xuất gạo. Trường hợp khi không có nước nào trao đổi buôn bán với nhau: Mỗi nước sử dụng một nửa nguồn lực của mình có được để sản xuất gạo và nửa còn lại dùng để sản xuất cacao. Và đồng thời mỗi nước sẽ phải tiêu dùng lượng hàng hóa mà nước đó sản xuất ra. Ghana có thể sản xuất 10 tấn cacao và 5 tấn gạo (biểu diễn bằng điểm A trên Hình 3.1), trong khi Hàn Quốc có thể sản xuất ra 10 tấn gạo và 2,5 tấn cacao. Khi không có thương mại, mức sản xuất kết hợp của cả hai nước sẽ là 12,5 tấn cacao (10 tấn của Ghana cộng 2,5 tấn của Hàn Quốc) và 15 tấn gạo (5 tấn của Ghana cộng 10 tấn của Hàn Quốc). Nếu mỗi nước chuyên môn hóa vào sản xuất mặt hàng mà mình có lợi thế tuyệt đối rồi sau đó trao đổi với nhau hàng hóa mà nước đó thiếu, Ghana sẽ sản xuất được 20 tấn cacao còn Hàn Quốc sẽ sản xuất được 20 tấn gạo. Như vậy, bằng cách thực hiện chuyên môn hóa, sản lượng của cả hai hàng hóa đã tăng lên. Sản lượng của cacao tăng từ 12,5 tấn lên 20 tấn, trong khi sản lượng gạo tăng từ 15 tấn lên 20 tấn. Mức tăng về sản lượng thu được từ việc thực hiện chuyên môn hóa là 7,5 tấn cacao và 5 tấn gạo. Bảng 3.1 sẽ tóm tắt những con số này.
Bằng cách tham gia vào hoạt động thương mại và trao đổi 1 tấn cacao lấy 1 tấn gạo, các nhà sản xuất ở cả hai quốc gia có thể tiêu dùng một lượng nhiều hơn cacao và gạo. Giả sử rằng Ghana và Hàn Quốc trao đổi cacao và gạo trên cơ sở 1:1; có nghĩa là giá của 1 tấn cacao ngang bằng với giá của 1 tấn gạo.
Nếu Ghana quyết định xuất khẩu 6 tấn cacao sang Hàn Quốc và nhập khẩu về 6 tấn gạo thì lượng tiêu dùng cuối cùng của nước này sẽ gồm 14 tấn cacao và 6 tấn gạo. So với trường hợp khi chưa chuyên môn hóa và tham gia vào thương mại thì lượng tiêu dùng tăng thêm 4 tấn cacao và 1 tấn gạo. Tương tự đối với Hàn Quốc, lượng tiêu dùng cuối cùng của nước này sẽ gồm 6 tấn cacao và 14 tấn gạo, tức là tăng thêm 3,5 tấn cacao và 4 tấn gạo. Như vậy, nhờ có chuyên môn hóa và thương mại, sản lượng của cả cacao và gạo đều được tăng lên và người tiêu dùng ở cả hai nước được tiêu dùng nhiều hơn. Do đó, chúng ta có thể thấy rõ rằng thương mại là một trò chơi có tổng lợi ích là một số dương; và thương mại mang lại lợi ích ròng cho tất cả các nước tham gia.
3. Lý thuyết về Lợi thế so sánh
David Ricardo đã đưa lý thuyết của Adam Smith tiến xa thêm một bước nữa bằng cách khám phá ra xem điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia có lợi thế tuyệt đối trong sản xuất tất cả các mặt hàng. Lý thuyết của Smith về lợi thế tuyệt đối gợi ý rằng một nước như vậy sẽ không thu được lợi ích gì từ thương mại quốc tế. Trong cuốn sách “Những nguyên lý của kinh tế chính trị“ viết năm 1817 của mình, Ricardo đã chứng minh rằng trường hợp đó sẽ không diễn ra. Theo lý thuyết của Ricardo về lợi thế so sánh, hoàn toàn hợp lý khi một nước chuyên môn hóa vào sản xuất những hàng hóa mà nước đó sản xuất một cách hiệu quả hơn và mua về những hàng hóa mà nước đó sản xuất kém hiệu quả hơn so với các nước khác, ngay cả khi điều đó có nghĩa là mua hàng hóa từ những nước khác mà mình có thể tự sản xuất hiệu quả hơn. Điều này dường như trái với tư duy thông thường của mọi người, tính logíc của lập luận này có thể được minh chứng bằng một ví dụ đơn giản như sau.
Giả sử rằng Ghana hiệu quả hơn trong việc sản xuất cả hai mặt hàng cacao và gạo; có nghĩa là Ghana có lợi thế tuyệt đối trong sản xuất cả hai mặt hàng. Tại Ghana, phải tốn 10 đơn vị nguồn lực để sản xuất 1 tấn cacao và 13 1/3 đơn vị nguồn lực để sản xuất ra 1 tấn gạo. Như vậy, với 200 đơn vị nguồn lực có sẵn, Ghana có thể sản xuất ra 20 tấn cacao khi không sản xuất gạo, 15 tấn gạo khi không sản xuất cacao, hoặc bất kỳ lượng kết hợp nào ở giữa và nằm trên đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF) của nước này (đường GG‟ trong Hình 3.2). Tại Hàn Quốc, giả sử để sản xuất ra 1 tấn cacao phải tốn 40 đơn vị nguồn lực, còn để sản xuất 1 tấn gạo phải tốn 20 đơn vị nguồn lực. Như thế Hàn Quốc có thể sản xuất ra 5 tấn cacao khi không sản xuất gạo,
10 tấn gạo khi không sản xuất cacao hoặc bất kỳ lượng kết hợp nào của hai sản phẩm ở giữa hai số lượng trên và nằm trên đường giới hạn khả năng sản xuất của nước này (đường KK‟ trong Hình 3.2). Chúng ta lại giả sử trong trường hợp không có thương mại giữa hai nước, mỗi nước sẽ sử dụng một nửa số đơn vị nguồn lực sẵn có để sản xuất từng sản phẩm. Như vậy, không có thương mại, Ghana sẽ sản xuất 10 tấn cacao và 7,5 tấn gạo (điểm A trong Hình 3.2), trong khi Hàn Quốc sẽ sản xuất được 2,5 tấn cacao và 5 tấn gạo (điểm B trong Hình 3.2).
Khi mà Ghana có lợi thế tuyệt đối về sản xuất cả hai sản phẩm, tại sao nước này vẫn nên tham gia trao đổi với Hàn Quốc? Câu trả lời là: mặc dù Ghana có lợi thế tuyệt đối về sản xuất cả hai sản phẩm, nước này lại chỉ có lợi thế so sánh trong sản xuất cacao: Ghana có thể sản xuất cacao 4 lần nhiều hơn so với Hàn Quốc, nhưng chỉ có thể 1,5 lần nhiều hơn trong sản xuất gạo. Như vậy, Ghana sản xuất cacao hiệu quả hơn một cách tương đối so với sản xuất gạo.
Không có thương mại, lượng cacao tổng cộng của hai nước là 12,5 tấn (10 tấn của Ghana và 2,5 tấn của Hàn Quốc) và lượng gạo tổng cộng cũng là 12,5 tấn (7,5 tấn của Ghana và 5 tấn của Hàn Quốc). Trong trường hợp này, mỗi nước phải tự tiêu dùng những gì hai nước sản xuất ra. Bằng cách tham gia vào thương mại, hai nước có thể gia tăng tổng lượng sản xuất của cả gạo và cacao, và người tiêu dùng ở hai nước cũng sẽ sử dụng một lượng nhiều hơn của cả hai sản phẩm.
Những lợi ích từ thương mại
Ta hình dung rằng Ghana khai thác lợi thế so sánh trong sản xuất cacao để tăng sản lượng sản phẩm này từ 10 tấn lên 15 tấn. Lượng cacao này sẽ tốn hết 150 đơn vị nguồn lực, như vậy còn 50 đơn vị nguồn lực sẽ dành để sản xuất được 3,75 tấn gạo (điểm C trong Hình 3.2). Trong khi đó, Hàn Quốc chuyên môn hóa vào sản xuất gạo và làm ra được 10 tấn gạo. Như vậy, sản lượng tổng cộng của cả hai sản phẩm đều đã tăng lên. Trước khi có chuyên môn hóa, sản lượng tổng cộng là 12,5 tấn cacao và 12,5 tấn gạo. Bây giờ là 15 tấn cacao và 13,75 tấn gạo (3,75 tấn của Ghana và 10 tấn của Hàn Quốc). Điều này được minh họa trong Bảng 3.2.
Không chỉ có sản lượng sản xuất ra cao hơn mà cả hai nước còn có thể thu lợi từ thương mại. Nếu Ghana và Hàn Quốc trao đổi cacao và gạo theo tỷ lệ 1:1, và mỗi nước lựa chọn trao đổi 4 tấn xuất khẩu đổi lấy 4 tấn nhập khẩu, cả hai nước sẽ có thể tiêu dùng nhiều cacao và gạo hơn so với khi chưa thực hiện chuyên môn hóa và trao đổi (xem Bảng 3.2).
Như vậy, nếu Ghana trao đổi 4 tấn cacao với Hàn Quốc đổi lấy 4 tấn gạo, nước này sẽ vẫn còn 11 tấn cacao, nhiều hơn 1 tấn so với trước khi có thương mại. Với 4 tấn gạo có được từ trao đổi với Hàn Quốc, Ghana sẽ có tổng cộng 7,75 tấn gạo, nhiều hơn 0,25 tấn so với khi chưa có chuyên môn hóa. Tương tự như vậy, sau khi trao đổi 4 tấn gạo với Ghana, Hàn Quốc sẽ còn 6 tấn gạo, nhiều hơn 1 tấn so với trước khi chuyên môn hóa. Thêm vào đó, với 4 tấn cacao có được từ trao đổi, Hàn Quốc sẽ có tổng cộng nhiều hơn 1,5 tấn so với trước khi có thương mại. Như vậy, lượng tiêu dùng về gạo và cacao đã tăng lên ở cả hai quốc gia và đó là kết quả của việc chuyên môn hóa và trao đổi.
Thông điệp cơ bản của lý thuyết về lợi thế so sánh là sản lượng tiềm năng của thế giới sẽ lớn hơn nhiều trong điều kiện thương mại tự do không bị hạn chế (so với trong điều kiện hạn chế về thương mại). Lý thuyết của Ricardo gợi ý rằng người tiêu dùng ở tất cả các quốc gia sẽ được tiêu dùng nhiều hơn nếu như không có hạn chế trong thương mại giữa các nước. Điều này diễn ra ngay cả khi các quốc gia không có lợi thế tuyệt đối trong sản xuất bất kỳ hàng hóa nào. Nói một cách khác, so với lý thuyết về lợi thế tuyệt đối lý thuyết về lợi thế so sánh khẳng định một cách chắc chắn hơn nhiều rằng thương mại là một trò chơi có tổng lợi ích là một số dương trong đó tất cả các nước tham gia đều thu được lợi ích kinh tế. Như vậy, lý thuyết này đã cung cấp một cơ sở hợp lý cho việc khuyến khích tự do hóa thương mại và cho đến nay, lý thuyết của Ricardo vẫn chứng tỏ sức thuyết phục khi thường được xem là vũ khí lập luận chủ yếu cho những ai ủng hộ cho thương mại tự do.
Những hạn chế và các giả thiết đi kèm hai lý thuyết của A.Smith và D.Ricardo
Kết luận về thương mại tự do mang lại lợi ích cho tất cả là một khẳng định còn nặng tính chủ quann khi được rút ra từ một mô hình đơn giản như ở phần trên. Mô hình đơn giản đó đi kèm với nhiều giả thiết phi thực tế:
1. Giả thiết về một thế giới giản đơn trong đó chỉ có 2 quốc gia và 2 loại hàng hóa trong khi đó trên thực tế, có rất nhiều quốc gia và vô số hàng hóa khác nhau.
2. Giả thiết về chi phí vận tải bằng không giữa các quốc gia là sự bất hợp lý rõ ràng.
3. Giả thiết về giá cả các nguồn lực sản xuất là ngang bằng nhau tại các quốc gia khác nhau cũng không có tính thực tiễn. Đồng thời mô hình cũng chưa đề cập tới tỷ giá hối đoái, chỉ đơn giản giả định rằng cacao và gạo có thể trao đổi với nhau theo tỷ lệ 1:1.
4. Giả thiết về các nguồn lực sản xuất có thể dễ dàng di chuyển giữa các ngành sản xuất trong phạm vi một quốc gia là không phù hợp vì trên thực tế, trường hợp đó không phải lúc nào cũng diễn ra.
5. Giả thiết về hiệu suất không đổi theo quy mô, có nghĩa là việc chuyên môn hóa tại Ghana và Hàn Quốc không ảnh hưởng tới số lượng nguồn lực cần thiết để sản xuất ra 1 tấn cacao hay 1 tấn gạo. Tuy nhiên, trên thực tế tồn tại cả hai trường hợp hiệu suất tăng dần và hiệu suất giảm dần theo mức độ chuyên môn hóa. Khối lượng nguồn lực đòi hỏi để sản xuất một mặt hàng có thể tăng hoặc giảm khi một nước chuyên môn hóa vào sản xuất mặt hàng đó.
6. Giả thiết rằng mỗi nước có một lượng nguồn lực sản xuất không đổi và thương mại tự do không thay đổi hiệu quả sử dụng các nguồn lực của từng nước cũng là một hạn chế. Bởi vì giả thiết mang tính tĩnh này không cho phép những thay đổi về số lượng nguồn lực sản xuất của một nước cũng như những thay đổi về tính hiệu quả một nước sử dụng các nguồn lực của mình khi thương mại tự do diễn ra.
7. Mô hình cũng đã đưa ra giả thiết cho rằng không có tác động của thương mại lên sự phân phối thu nhập trong phạm vi một nước.
Với những giả thiết ở trên, liệu kết luận rằng thương mại tự do có lợi cho tất cả có thể mở rộng ra cho thế giới thực tế với nhiều quốc gia, nhiều mặt hàng, chi phí vận tải hiện hữu, các tỷ giá hối đoái biến động, tính bất di bất dịch của các nguồn lực trong nước, hiệu suất thay đổi theo mức độ chuyên môn hóa sản xuất, và những biến động khác? Mặc dù mức độ mở rộng chi tiết của lý thuyết về lợi thế so sánh vượt ra khỏi phạm vi nghiên cứu của cuốn sách này, các nhà kinh tế học đã cho thấy rằng kết quả cơ bản rút ra từ mô hình giản đơn ở trên có thể được khái quát hóa cho một thế giới bao gồm nhiều quốc gia sản xuất nhiều mặt hàng khác nhau.7 Dù có nhiều thiếu sót trong mô hình của của Ricardo, nghiên cứu đã gợi ý là mệnh đề cơ bản rằng tất cả các nước sẽ xuất khẩu những hàng hóa mà họ sản xuất có hiệu quả nhất sẽ được xác minh thông qua số liệu thống kê.
Mở rộng lý thuyết của David Ricardo
Chúng ta cùng xem xét tình huống xảy ra khi nới lỏng ba giả thiết xác định ở phần trên trong mô hình lợi thế so sánh giản đơn. Dưới đây ta sẽ nới lỏng các giả thuyết rằng các nguồn lực có thể di chuyển một cách tự do từ một ngành sản xuất hàng hóa này sang ngành sản xuất hàng hóa khác trong phạm vi một quốc gia, giả thuyết hiệu suất không đổi theo quy mô, và giả thiết về thương mại không làm thay đổi khối lượng nguồn lực sản xuất của đất nước hoặc hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực đó.
Nguồn lực không linh động
Trong mô hình so sánh giản đơn về Ghana và Hàn Quốc, chúng ta giả thiết rằng những người sản xuất (nông dân) có thể dễ dàng chuyển đổi đất đai từ trồng cây cacao sang trồng lúa gạo, và ngược lại. Cho dù giả thiết này đúng với một số nông sản, nhưng các nguồn lực sản xuất không phải lúc nào cũng dễ dàng chuyển đổi từ sản xuất một hàng hóa này sang sản xuất hàng hóa khác. Ví dụ, áp dụng chế độ thương mại tự do đối với một nước phát triển cao như là Hoa Kỳ thường ngụ ý rằng nước này sẽ sản xuất ít những sản phẩm có hàm lượng lao động cao như là hàng dệt may, và sản xuất nhiều những sản phẩm có hàm lượng tri thức cao như là phần mềm máy tính hoặc các sản phẩm công nghệ sinh học. Mặc dù về tổng thể cả quốc gia sẽ được lợi nhờ việc chuyển đổi này nhưng những nhà sản xuất hàng dệt may sẽ chịu thiệt hại. Một công nhân ngành dệt may khó có thể có đủ trình độ để viết phần mềm cho một công ty máy tính. Do vậy, chuyển đổi sang chế độ thương mại tự do có nghĩa là người công nhân đó có thể sẽ bị thất nghiệp hoặc phải chấp nhận một công việc kém hấp dẫn khác như làm việc trong một cửa hàng bán đồ ăn nhanh. Và cũng từ đó, những người phải gánh chịu những chi phí thiệt hại hoặc công việc của họ bị đe dọa do thương mại tự do đem lại thường là những người phản đối việc áp dụng chế độ thương mại này mạnh mẽ nhất ngay tại các nước phát triển. Tại những nước đó, chính phủ thường giảm bớt tác động của giai đoạn chuyển đổi sang chế độ thương mại tự do bằng cách giúp đỡ việc đào tạo lại những người mất việc làm do hậu quả của quá trình này. Những thiệt hại gây ra bởi xu hướng vận động tới chế độ thương mại tự do chỉ là hiện tượng xảy ra trong ngắn hạn mà thôi, trong khi những lợi ích giành được từ thương mại một khi quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi vừa lớn lao lại vừa lâu bền.
Hiệu suất giảm dần
Mô hình lợi thế so sánh giản đơn được phát triển dựa trên quy luật hiệu suất không đổi theo mức độ chuyên môn hóa. Theo quy luật này thì số đơn vị nguồn lực cần thiết để sản xuất một đơn vị sản phẩm (gạo hay cacao) ở mỗi nước được giả thiết là không thay đổi tại bất kỳ điểm nào trên đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF) của nước đó. Như ta đã giả thiết là để sản xuất 1 tấn cacao ở Ghana luôn phải tốn 10 đơn vị nguồn lực đầu vào. Tuy nhiên, sẽ là gần với thực tế hơn nếu giả thiết rằng hiệu suất sẽ giảm dần theo mức độ chuyên môn hóa. Hiệu suất giảm dần theo mức độ chuyên môn hóa diễn ra khi cần nhiều đơn vị nguồn lực hơn để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm tăng thêm. Nếu như chỉ cần 10 đơn vị nguồn lực là đủ để tăng thêm sản lượng cacao của Ghana từ 12 lên 13 tấn, thì có thể sẽ phải cần tới 11 đơn vị nguồn lực để tăng sản lượng cacao từ 13 lên 14 tấn, cần 12 đơn vị nguồn lực để tăng sản lượng từ 14 lên 15 tấn, và cứ như vậy tăng dần lên. Hiệu suất giảm dần thể hiện bằng một đường PPF lồi cho Ghana (như Hình 3.3), hơn là một đường thẳng như trong Hình 3.2.
Giả thiết hiệu suất giảm dần có tính thực tiễn cao vì hai lý do sau. Thứ nhất, không phải tất cả các nguồn lực đều có chất lượng như nhau. Khi một nước cố gắng tăng sản lượng của một loại sản phẩm, nước đó phải dựa trên các nguồn lực biên mà năng suất của chúng không lớn như những đơn vị nguồn lực được sử dụng đầu tiên. Kết quả là nhiều nguồn lực phải huy động hơn để sản xuất ra cùng một lượng tăng thêm của sản lượng. Ví dụ ta biết rằng trên thực tế một số diện tích đất năng suất hơn một số diện tích đất khác. Khi Ghana cố gắng gia tăng sản lượng cacao của mình, nước này sẽ phải tận dụng ngày càng nhiều hơn các diện tích đất vốn kém phì nhiêu hơn những diện tích đất được sử dụng từ ban đầu. Khi mức sản lượng trên một đơn vị diện tích đất đai giảm xuống, Ghana sẽ phải sử dụng nhiều diện tích đất hơn để sản xuất ra thêm 1 tấn cacao.
Lý do thứ hai dẫn tới hiệu suất giảm dần là các hàng hóa khác nhau có tỷ lệ sử dụng các nguồn lực cũng khác nhau. Cùng hình dung một ví dụ như sau: giả sử ngành trồng cây cacao sẽ sử dụng nhiều đất đai và ít lao động hơn trồng lúa, và Ghana đang cố gắng chuyển các nguồn lực từ sản xuất gạo sang sản xuất cacao. Khi chuyển đổi, ngành lúa gạo sẽ giải phóng theo tỷ lệ lượng lao động nhiều tương đối và lượng diện tích đất đai ít tương đối cho việc sản xuất cacao một cách hiệu quả. Để hấp thu các nguồn lao động và đất đai tăng thêm đó, ngành trồng cacao sẽ phải chuyển đổi sang các phương thức sản xuất thâm dụng lao động. Tác động của việc chuyển đổi này là hiệu quả sử dụng lao động của ngành sản xuất cacao sẽ giảm xuống, và như vậy hiệu suất sẽ lại giảm dần.
Hiệu suất giảm dần cho thấy rằng các quốc gia khó có khả năng thực hiện chuyên môn hóa tới mức độ như trong mô hình giản đơn của Ricardo đưa ra ở phần trước. Hiệu suất giảm dần theo mức độ chuyên môn hóa gợi ý rằng lợi ích thu được từ việc chuyên môn hóa thường sẽ về số không (cạn hết) trước khi quá trình chuyên môn hóa kết thúc. Trên thực tế, hầu hết các quốc gia không chuyên môn hóa mà thay vào đó là sản xuất một loạt các sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, lý thuyết lợi thế so sánh cho rằng các nước nên chuyên môn hóa cho tới điểm tại đó lợi nhuận giảm dần vượt quá những lợi ích thu được từ thương mại. Như vậy, kết luận cơ bản ở đây là thương mại tự do không hạn chế sẽ mang lại lợi ích vẫn đúng, mặc dù vì lý do hiệu suất giảm dần, lợi ích thu được sẽ không lớn như trong trường hợp hiệu suất không đổi.
Các hiệu ứng động và Tăng trưởng kinh tế
Mô hình lợi thế so sánh giản đơn giả định rằng thương mại không làm thay đổi số lượng nguồn lực có sẵn tại mỗi quốc gia hay hiệu quả sử dụng nguồn lực của quốc gia đó. Giả thiết mang tính tĩnh này không tính đến những thay đổi mang tính động mà thương mại có thể mang lại. Nếu ta nới lỏng giả định này thì rõ ràng một nền kinh tế thực hiện thương mại tự do sẽ có khả năng thu được các lợi ích động dưới hai hình thức. Thứ nhất, thương mại tự do có thể làm gia tăng số lượng nguồn lực của một nước thông qua lượng tăng lên về lao động, vốn từ nước ngoài đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Thứ hai, thương mại tự do có thể cũng làm tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực của một nước. Lợi ích này có thể bắt nguồn từ một số nhân tố, ví dụ hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, công nghệ, sức ép cạnh tranh từ mở rộng thương mại.
Những lợi ích động về cả khối lượng các nguồn lực của một nước cũng như mức hiệu quả mà các nguồn lực được sử dụng sẽ khiến cho đường giới hạn khả năng sản xuất của một nước dịch chuyển ra ngoài. Điều này được minh họa trong Hình 3.4, đường PPF1 dịch chuyển ra ngoài thành PPF2 là kết quả của những lợi ích động thu được từ thương mại tự do. Và do sự dịch chuyển ra ngoài đó, quốc gia trong Hình 3.4 có thể sản xuất nhiều hơn hai hàng hóa so với trước khi có thương mại tự do. Lý thuyết về lợi thế so sánh gợi ý rằng việc mở cửa một nền kinh tế thực hiện tự do thương mại không chỉ thu về những hình thức lợi ích tĩnh như đã đề cập ở phần trên mà còn thu về cả những lợi ích động có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế. Nếu như vậy, thì ta có thể nghĩ rằng tự do hóa thương mại sẽ mang lại nhiều lợi ích như trên thực tế vẫn diễn ra.
4. Lý thuyết Heckscher – Ohlin
Lý thuyết của Ricardo nhấn mạnh rằng lợi thế so sánh xuất phát từ những sự khác biệt về năng suất lao động. Do vậy, liệu Ghana có hiệu quả hơn Hàn Quốc trong sản xuất cacao phụ thuộc vào mức độ hiệu quả sử dụng các nguồn lực của nước này. Ricardo nhấn mạnh tới năng suất lao động và lập luận rằng những sự khác biệt về năng suất lao động giữa các nước ngụ ý về lợi thế so sánh. Hai nhà kinh tế học người Thụy Điển là Eli Heckscher (vào năm 1919) và Bertil Ohlin (vào năm 1933) đã đưa ra cách giải thích khác về lợi thế so sánh. Họ chứng tỏ rằng lợi thế so sánh xuất phát từ những sự khác biệt trong độ sẵn có các yếu tố sản xuất.
Bằng cách sử dụng khái niệm độ sẵn có các yếu tố hai tác giả muốn đề cập đến mức độ mà một nước có sẵn các nguồn lực như đất đai, lao động và vốn. Các nước có độ sẵn có các yếu tố khác nhau, và sự sẵn có các yếu tố khác nhau đó giải thích những sự khác biệt về giá cả các nhân tố; cụ thể, độ dồi dào của nhân tố càng lớn thì giá cả của nhân tố đó càng rẻ.
Lý thuyết Heckscher-Ohlin dự báo rằng các nước sẽ xuất khẩu những hàng hóa mà sử dụng nhiều hàm lượng những nhân tố dồi dào tại nước đó và nhập khẩu những hàng hóa mà sử dụng nhiều hàm lượng những nhân tố khan hiếm tại nước đó. Như vậy, lý thuyết H-O cố gắng giải thích mô hình của thương mại quốc tế mà ta chứng kiến trên thị trường thế giới. Giống như lý thuyết của Ricardo, lý thuyết H-O cho rằng thương mại tự do sẽ mang lại lợi ích. Tuy nhiên, khác với lý thuyết của Ricardo, lý thuyết H-O lại lập luận rằng mô hình thương mại quốc tế được xác định bởi sự khác biệt về mức độ sẵn có của các nhân tố sản xuất hơn là bởi sự khác biệt về năng suất lao động.
Lý thuyết H-O dễ dàng được minh chứng trên thực tế. Ví dụ như nước Hoa Kỳ trong một thời gian dài là một nước xuất khẩu lớn trên thế giới về hàng nông sản, và điều này phản ánh một phần về sự dồi dào khác thường của Hoa Kỳ về diện tích đất có thể canh tác. Hay ngược lại, Trung Quốc nổi trội về xuất khẩu những hàng hóa được sản xuất trong những ngành thâm dụng lao động như là dệt may và giày dép. Điều này phản ánh mức độ dồi dào tương đối của Trung Quốc về lao động giá rẻ. Nước Hoa Kỳ, vốn không có nhiều lao động giá rẻ, từ lâu đã là nước nhập khẩu chủ yếu những mặt hàng này. Lưu ý rằng, mức độ sẵn có ở đây là tương đối, không phải con số tuyệt đối; một nước có thể có số lượng tuyệt đối các nhân tố đất đai và lao động nhiều hơn hẳn so với nước khác, nhưng lại chỉ có mức độ dồi dào tương đối một trong hai yếu tố đó mà thôi.
Nghịch lý Leontief
Lý thuyết H-O được xem là một trong các lý thuyết có mức độ ảnh hưởng rộng lớn trong kinh tế học quốc tế. Hầu hết các nhà kinh tế học đều thích áp dụng lý thuyết này hơn so với lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo bởi vì nó sử dụng ít giả thiết đơn giản hóa hơn. Và cũng vì lý do có tầm ảnh hưởng lớn, lý thuyết này được kiểm chứng bởi nhiều kiểm tra thực nghiệm khác nhau. Bắt đầu bằng nghiên cứu được công bố vào năm 1953 bởi Wassily Leontief (người đạt giải Nobel về kinh tế học vào năm 1973), nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã đặt vấn đề về tính đúng đắn của lý thuyết H-O.
Vận dụng lý thuyết H-O, Leontief dự đoán rằng, bởi vì nước Hoa Kỳ dồi dào tương đối về vốn so với các nước khác nên nước Hoa Kỳ sẽ là nước xuất khẩu những mặt hàng thâm dụng vốn và nhập khẩu những mặt hàng thâm dụng lao động. Nhưng nghiên cứu thực nghiệm của công cho thấy một kết quả bất ngờ là ông phát hiện rằng hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ lại là hàng hóa kém thâm dụng vốn so với hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ. Vì kết quả này trái với những gì mà lý thuyết H-O đã dự báo, nó đã được biết đến với tên gọi Nghịch lý Leontief.
Không ai khẳng định chắc chắn tại sao ta lại quan sát được nghịch lý Leontief. Một giải thích được đưa ra là nước Hoa Kỳ có lợi thế đặc biệt trong sản xuất những sản phẩm mới hoặc những hàng hóa chế tạo với những công nghệ có tính đổi mới. Những sản phẩm đó có thể được xem là có mức thâm dụng vốn thấp hơn so với những sản phẩm sử dụng công nghệ đã có thời gian chín muồi và trở thành thông dụng cho sản xuất hàng loạt. Do vậy, nước Hoa Kỳ có thể xuất khẩu những hàng hóa sử dụng nhiều lao động có kỹ năng và tinh thần doanh nghiệp sáng tạo, ví dụ như các phần mềm máy tính, trong khi đó lại nhập khẩu các sản phẩm chế tạo công nghiệp nặng vốn dĩ sử dụng một lượng lớn vốn đầu tư. Một vài nghiên cứu thực nghiệm cũng có xu hướng ủng hộ nhận định này. Tuy nhiên, những kiểm nghiệm lý thuyết H-O sử dụng dữ liệu cho một số lượng lớn các nước lại có xu hướng khẳng định sự tồn tại của nghịch lý Leontief.
Điều này đẩy các nhà kinh tế vào thế tiến thoái lưỡng nan. Họ thích sử dụng lý thuyết H-O về các nền tảng lý thuyết, nhưng đó lại là một cách dự đoán không chắc chắn về các mô hình thương mại đang diễn ra trên thế giới. Mặt khác, lý thuyết H-O có nhiều hạn chế, lý thuyết về lợi thế so sánh của Ricardo, trên thực tế còn dự báo các mô hình thương mại với độ chính xác cao hơn. Giải pháp tốt nhất cho tình thế khó xử này có lẽ là quay trở lại với ý tưởng của Ricardo là các mô hình thương mại chủ yếu được xác định bởi những sự khác biệt giữa các nước về năng suất lao động. Do đó, một người có thể lập luận rằng nước Hoa Kỳ xuất khẩu máy bay chở khách và nhập khẩu hàng dệt may không phải vì sự sẵn có các yếu tố sản xuất của nước này đặc biệt thích hợp vớingành sản xuất máy bay và không thích hợp với ngành dệt may, mà bởi vì nước Hoa Kỳ tương đối hiệu quả hơn trong việc chế tạo máy bay so với sản xuất hàng dệt may.
Một giả thiết quan trọng trong lý thuyết H-O là công nghệ tại các quốc gia là tương tự nhau. Điều này có lẽ không sát với thực tế. Những sự khác biệt về công nghệ có thể sẽ dẫn tới sự khác biệt về năng suất lao động, yếu tố sẽ định hướng các mô hình trao đổi trong thương mại quốc tế.27 Và cũng như vậy, sự thành công của Nhật Bản trong xuất khẩu ô tô trong các thập niên 1970 và 1980 không chỉ dựa trên mức độ sẵn có tương đối của vốn mà còn cả trên sự phát triển của công nghệ chế tạo hiện đại của nước này, yếu tố giúp cho Nhật Bản đạt được mức năng suất cao hơn trong chế tạo ô tô so với các nước khác cũng có sự dồi dào về vốn. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm gần đây đã gợi ý rằng cách giải thích mang tính lý thuyết này có thể đúng.28 Nghiên cứu mới chứng minh rằng một khi những sự khác biệt trong công nghệ giữa các nước được kiểm soát, các nước sẽ thực sự xuất khẩu những hàng hóa thâm dụng các yếu tố sản xuất dồi dào trong nước và nhập khẩu những hàng hóa thâm dụng các yếu tố sản xuất khan hiếm trong nước. Nói cách khác, một khi tác động của sự khác biệt về công nghệ lên năng suất lao động được kiểm soát thì lý thuyết H-O dường như sẽ đạt được sức mạnh dự báo.
5. Lý thuyết về vòng đời sản phẩm
Raymond Vernon là người đầu tiên đưa ra lý thuyết về vòng đời sản phẩm vào giữa thập kỷ 1960 của thế kỷ trước.29 Lý thuyết của ông dựa trên những quan sát thực tế là trong suốt thế kỷ XX một tỷ lệ rất lớn các sản phẩm mới của thế giới đã được phát triển bởi các công ty Hoa Kỳ và được tiêu thụ ban đầu tại thị trường Hoa Kỳ (ví dụ như sản xuất ô tô ở quy mô công nghiệp, máy thu hình, máy ảnh chụp lấy ngay, máy photocopy, máy tính cá nhân, và các chíp bán dẫn). Để giải thích thực tế này, Vernon lập luận rằng sự thịnh vượng và quy mô của thị trường Hoa Kỳ đã mang lại cho các công ty Hoa Kỳ một động lực rất lớn đề phát triển các sản phẩm tiêu dùng mới. Thêm vào đó, chi phí nhân công cao ở Hoa Kỳ cũng khiến cho các công ty Hoa Kỳ có lý do để sáng chế ra các quy trình công nghệ tiết kiệm chi phí sản xuất.
Nếu chỉ vì lý do các sản phẩm được phát triển bởi một công ty của Hoa Kỳ và được bán lần đầu tiên ở thị trường Hoa Kỳ mà suy ra rằng sản phẩm đó bắt buộc phải được sản xuất tại nước Hoa Kỳ thì là chưa thuyết phục. Sản phẩm đó hoàn toàn có thể được sản xuất ở nước ngoài, những nơi có chi phí sản xuất thấp hơn và sau đó xuất khẩu trở lại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Vernon đã lập luận rằng hầu hết các sản phẩm mới ban đầu đều được phát triển tại nước Hoa Kỳ. Một điều rõ ràng là các công ty tiên phong ở đây, trên cơ sở cân nhắc những biến động và rủi ro đi liền với việc giới thiệu một sản phẩm mới, luôn tin rằng sẽ tốt hơn nếu nơi sản xuất ở gần với nơi tiêu thụ cũng như gần với trụ sở chính, nơi đưa ra các quyết định của các công ty. Hơn nữa, nhu cầu đối với hầu hết các sản phẩm mới thường không phụ thuộc vào yếu tố giá cả như thế nào mà phụ thuộc vào các yếu tố phi giá cả như kiểu dáng, mẫu mã, tính năng, sự tiện dụng, v.v…. Do vậy, các công ty phát minh có thể tính giá thành bán ra khá cao đối với các sản phẩm mới, và yếu tố này khiến cho nhu cầu đòi hỏi đi tìm kiếm một nơi sản xuất với chi phí thấp tại một nước khác không còn cần thiết.
Vernon đã đi theo hướng lập luận rằng ở giai đoạn đầu trong vòng đời của một sản phẩm mới điển hình, khi nhu cầu đang bắt đầu tăng cao một cách nhanh chóng ở Hoa Kỳ thì nhu cầu tại các nước tiên tiến khác chỉ giới hạn ở một số nhóm khách hàng có thu nhập cao mà thôi. Do nhu cầu ban đầu tại các nước tiên tiến khác còn hữu hạn như vậy nên các công ty chưa thấy cần thiết phải đầu tư vào sản xuất tại các nước này, nhưng vẫn thấy cần thiết phải xuất khẩu một số sản phẩm từ Hoa Kỳ sang các thị trường đó.
Theo thời gian, nhu cầu đối với sản phẩm mới sẽ tăng dần tại các nước phát triển khác ngoài Hoa Kỳ (ví dụ như Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản) cho đến khi các nhà sản xuất tại đó thấy đã đến lúc phải tiến hành sản xuất để phục vụ cho thị trường nước mình. Thêm nữa, các công ty Hoa Kỳ cũng có thể sẽ thiết lập các dây chuyền sản xuất tại các nước phát triển có nhu cầu đang tăng nhanh và như vậy, quá trình sản xuất tại các nước này bắt đầu hạn chế bớt tiềm năng xuất khẩu từ nước Hoa Kỳ.
Khi thị trường ở Hoa Kỳ và một số nước phát triển khác trở nên bão hoà thì sản phẩm mới cũng đạt tới mức độ tiêu chuẩn hoá, và giá cả bắt đầu trở thành vũ khí cạnh tranh chủ yếu trên thị trường. Khi điều này xảy ra, những cân nhắc về chi phí bắt đầu đóng một vai trò lớn hơn trong quá trình cạnh tranh. Các nhà chế tạo tại các nước phát triển nơi mà chi phí lao động thấp hơn so với chi phí lao động tại Hoa Kỳ (ví dụ như tại các nước Ý, Tây Ban Nha) bây giờ có thể sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Nếu các sức ép về chi phí trở nên mạnh hơn nữa thì quá trình cũng sẽ không dừng ở đó. Chu kỳ theo đó nước Hoa Kỳ đánh mất lợi thế của mình cho các nước phát triển khác có thể được tiếp tục lặp lại một lần nữa, khi các nước đang phát triển (ví dụ như Thái Lan) bắt đầu có được những lợi thế sản xuất so với các nước phát triển. Do vậy, chu kỳ của sản xuất toàn cầu sẽ theo trật tự: bắt đầu từ Hoa Kỳ chuyển sang các nước phát triển khác và tiếp đó là từ những nước này chuyển sang các nước đang phát triển.
Theo thời gian, kết quả của những xu hướng này đối với các mô hình trao đổi của thương mại thế giới là một nước xuất khẩu sản phẩm sẽ trở thành một nước nhập khẩu khi quá trình sản xuất được tập trung tới những địa điểm ở nước ngoài có chi phí sản xuất thấp hơn. Hình 4 mô tả quá trình tăng trưởng của sản xuất và tiêu dùng theo thời gian tại nước Hoa Kỳ rồi sang các nước phát triển khác và sau đó là sang các nước đang phát triển.
6. Lý thuyết thương mại mới
Lý thuyết thương mại mới bắt đầu nổi lên từ thập kỷ 1970 của thế kỷ XX khi mà một số nhà kinh tế đặt vấn đề về giả thuyết hiệu suất giảm dần theo chuyên môn hoá trong lý thuyết về thương mại quốc tế. Theo họ, tồn tại trường hợp hiệu suất tăng dần trong một số ngành kinh tế và lợi ích kinh tế nhờ quy mô chính là một trong các trường hợp đặc biệt của hiệu suất tăng dần. Đây là một trong các yếu tố ảnh hưởng tới mô hình thương mại quốc tế.
Lợi ích kinh tế nhờ quy mô là hiện tượng giảm chi phí đơn vị kết hợp với sản lượng đầu ra tăng cao. Nếu như thương mại quốc tế mang lại kết quả là một nước chuyên môn hoá vào sản xuất một sản phẩm nhất định, và nếu có được lợi ích kinh tế nhờ quy mô trong việc sản xuất sản phẩm này thì khi đó sản lượng đầu ra sẽ tăng lên, và chi phí đơn vị sẽ giảm xuống. Trong trường hợp đó, sẽ xuất hiện lợi ích tăng dần đối với việc chuyên môn hoá chứ không phải là lợi ích giảm dần. Nói cách khác, khi một nước sản xuất nhiều hơn, do đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô, năng suất lao động sẽ tăng lên và các chi phí đơn vị sẽ giảm xuống.
Lợi ích kinh tế nhờ quy mô có thể xuất phát từ một số nguồn sau: khả năng dàn trải chi phí cố định cho một sản lượng đầu ra lớn, hoặc khả năng một số lượng lớn các nhà sản xuất tận dụng những nhân công và thiết bị chuyên biệt có năng suất lao động cao hơn các nguồn lực thông thường. Lợi ích kinh tế nhờ quy mô là nguồn quan trọng để giảm chi phí sản xuất trong nhiều ngành khác nhau, từ sản xuất phần mềm máy tính, tới sản xuất ô tô, từ dược phẩm tới ngành công nghiệp vụ trụ. Lấy ví dụ, hãng Microsoft thu được lợi ích kinh tế nhờ quy mô bằng cách dàn trải các chi phí cố định trong phát triển hệ điều hành Windows mới, con số đó vào khoảng 5 tỷ đôla Hoa Kỳ, lên khoảng 250 triệu hoặc nhiều hơn số lượng các máy tính cá nhân cuối cùng sẽ được cài đặt hệ điều hành mới này. Tương tự như vậy, các công ty sản xuất ô tô cũng thu được lợi ích kinh tế nhờ quy mô bằng cách sản xuất với số lượng lớn các loại ô tô từ một dây chuyền chế tạo trong đó mỗi công nhân có một nhiệm vụ chuyên môn hóa cao.
Lý thuyết mới về thương mại cũng lập luận rằng nếu mức sản lượng đầu ra cần thiết để đạt được tính lợi ích kinh tế nhờ quy mô đủ lớn đại diện cho một phần đáng kể của tổng nhu cầu thế giới đối với sản phẩm đó thì thị trường thế giới có thể chỉ hỗ trợ được cho một số hữu hạn các công ty đóng tại một số ít các nước tham gia vào sản xuất mặt hàng này. Những công ty tham gia vào thị trường thế giới đầu tiên sẽ là những công ty giành được lợi thế mà các công ty khác khó lòng có được. Do vậy, một công ty chỉ có thể thống trị trong xuất khẩu một sản phẩm đặc thù mà tính lợi ích kinh tế theo quy mô đóng vai trò quan trọng, và mức sản lượng cần thiết để đạt được tính lợi ích theo quy mô này đại diện cho một phần chủ yếu của tổng sản lượng thế giới, bởi vì đó sẽ là nền tảng cho công ty đầu tiên bước vào ngành công nghiệp.
Về cơ bản, lý thuyết thương mại mới đã nêu ra hai điểm quan trọng: Thứ nhất, thông qua tác động lên lợi ích kinh tế nhờ quy mô, thương mại có thể làm gia tăng mức độ đa dạng của các hàng hóa cung cấp tới người tiêu dùng và giảm bớt chi phí trung bình trên một sản phẩm. Thứ hai, trong những ngành sản xuất khi mà sản lượng làm ra đòi hỏi đạt được tính lợi ích kinh tế nhờ quy mô đại diện cho một tỷ trọng đáng kể tổng nhu cầu của thế giới, thì thị trường toàn cầu chỉ có thể hỗ trợ và tạo điều kiện cho một số ít các công ty tham gia vào mà thôi. Do vậy, thương mại thế giới trong một số sản phẩm nhất định sẽ được thống trị bởi các quốc gia có các công ty là những người đi đầu trong lĩnh vực sản xuất đó.
Tăng độ đa dạng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất
Khi các nước trao đổi thương mại với nhau, các thị trường quốc gia đơn lẻ được kết hợp thành một thị trường thế giới rộng lớn hơn. Các công ty có thể đạt được lợi ích kinh tế nhờ quy mô trên cơ sở thị trường được mở rộng đó. Theo lý thuyết thương mại mới, mỗi nước sẽ có điều kiện để chuyên môn hóa vào sản xuất một nhóm các sản phẩm nhất định mà trong trường hợp không có thương mại khó có thể xảy ra. Đồng thời bằng cách nhập khẩu những sản phẩm nước đó không sản xuất từ những nước khác, một nước có thể đồng thời vừa tăng mức độ đa dạng của sản phẩm cho người tiêu dùng, vừa giảm chi phí của những hàng hóa đó. Như vậy là thương mại đã tạo cơ hội cho các bên cùng có lợi ngay cả khi các nước không hề có sự khác biệt về mức độ sẵn có các nguồn lực hay công nghệ.
Lợi ích kinh tế nhờ quy mô, Lợi thế của người đi trước và Mô hình của thương mại quốc tế
Lý thuyết thương mại mới cũng cho rằng mô hình thương mại mà chúng ta quan sát trên thực tế nền kinh tế thế giới có thể là kết quả của việc đạt được lợi ích kinh tế nhờ quy mô và lợi thế của người đi trước. Những lợi thế của người đi trước là những lợi thế về mặt chiến lược và kinh tế mà những người thâm nhập đầu tiên của một ngành có được. Khả năng giành được lợi thế kinh tế nhờ quy mô lớn hơn so với những người gia nhập sau đó, và như vậy lợi ích thu về từ một cấu trúc chi phí thấp, là một lợi thế của người đi trước hết sức quan trọng. Lý thuyết thương mại mới lập luận rằng đối với những sản phẩm mà lợi thế kinh tế nhờ quy mô là hết sức quan trọng và đại diện một tỷ trọng đáng kể cho nhu cầu của thế giới, thì người gia nhập trước vào ngành đó có thể giành được lợi thế chi phí theo cấp độ mà những người gia nhập sau gần như không có khả năng đuổi kịp. Do vậy, mô hình thương mại mà ta quan sát được đối với những sản phẩm đó phản ánh những lợi thế của người đi trước. Các nước có thể chiếm ưu thế trong xuất khẩu những hàng hóa nhất định bởi vì lợi ích kinh tế nhờ quy mô là rất quan trọng đối với quá trình sản xuất của họ, mang lại cho họ lợi thế của người đi trước.
Nghiên cứu về ngành sản xuất máy bay chở khách thương mại cho thấy rằng lợi ích kinh tế nhờ quy mô trong ngành này đối với bắt nguồn từ khả năng dàn trải chi phí cố định trong tổng chi phí phát triển một sản phẩm mới trên một sản lượng đầu ra lớn. Trên thực tế, để phát triển chiếc siêu máy bay A380 với 550 chỗ ngồi, hãng Airbus đã tiêu tốn khoảng 14 tỷ đôla Hoa Kỳ. Để bù đắp lại chi phí khổng lồ đó và hòa vốn trong kinh doanh loại máy bay này, Airbus sẽ phải bán được ít nhất 250 chiếc A380. Nếu như hãng có thể bán được 350 chiếc thì đây sẽ là một khoản đầu tư có lời. Tuy nhiên, tổng nhu cầu dự báo trong vòng 20 năm tới đối với dòng siêu máy bay này ước tính vào khoảng từ 400 đến 600 chiếc. Nghĩa là, thị trường toàn cầu chỉ có thể tạo điều kiện thu được lợi nhuận cho một nhà sản xuất dòng sản phẩm này và Airbus sẽ là hãng đầu tiên sản xuất siêu máy bay 550 chỗ đạt được lợi ích kinh tế nhờ quy mô. Những nhà sản xuất tiềm năng khác, ví dụ như hãng Boeing, sẽ không có cơ hội tham gia vào thị trường này bởi họ không có được lợi thế kinh tế nhờ quy mô mà hãng Airbus sẽ đạt được. Bằng cách đi tiên phong trong lĩnh vực thị trường siêu máy bay trở khách, Airbus sẽ giành được lợi thế của người đi trước dựa trên việc đạt được lợi ích kinh tế nhờ quy mô, những yếu tố mà đối thủ cạnh tranh của hãng khó có thể theo kịp và kết quả là EU sẽ trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu về siêu máy bay chở khách.
Những ý nghĩa của Lý thuyết thương mại mới
Lý thuyết thương mại mới có những ý nghĩa quan trọng. Lý thuyết này gợi ý rằng các nước có thể thu được lợi ích từ hoạt động thương mại ngay cả khi không có sự khác biệt về sự sẵn có các nguồn lực sản xuất hay công nghệ. Thương mại cho phép một nước chuyên môn hóa vào sản xuất những sản phẩm nhất định, đạt được lợi ích kinh tế nhờ quy mô và giảm chi phí sản xuất, đồng thời mua những sản phẩm mà trong nước không sản xuất từ nước vốn cũng chuyên môn hóa vào sản xuất những sản phẩm khác. Bằng cơ chế này, mức độ đa dạng của các sản phẩm dành cho người tiêu dùng sẽ tăng lên trong khi chi phí sản xuất trung bình cho những sản phẩm đó giảm xuống, kéo theo mức giá bán cũng giảm theo, từ đó giải phóng các nguồn lực để sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ khác.
Lý thuyết cũng gợi ý rằng một nước có thể thống trị trong xuất khẩu một loại hàng hóa chỉ đơn giản là vì nước đó đủ may mắn để có được một hoặc một vài công ty trong số những công ty đầu tiên tham gia vào sản xuất hàng hóa đó. Do có khả năng đạt được lợi ích kinh tế nhờ quy mô, những công ty đi đầu trong một ngành sẽ ngăn cản sự gia nhập của những công ty khác sau đó. Khả năng của những người đi đầu trong việc thu lợi từ hiệu suất tăng dần đã tạo ra rào cản cho việc gia nhập ngành.
Lý thuyết thương mại mới có mâu thuẫn với lý thuyết H-O, vốn cho rằng một nước sẽ thống trị trong xuất khẩu một sản phẩm khi nước đó đặc biệt được ưu đãi về những yếu tố sản xuất cần thiết được sử dụng nhiều trong chế tạo sản phẩm đó. Những người ủng hộ lý thuyết thương mại mới lại lập luận rằng nước Hoa Kỳ là nhà xuất khẩu chính về máy bay chở khách thương mại không phải bởi vì nước này có được những ưu đãi về các nguồn lực sản xuất đòi hỏi trong chế tạo máy bay mà bởi vì một trong những công ty đầu tiên gia nhập ngành công nghiệp này, hãng Boeing, là một công ty của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lý thuyết thương mại mới không hề mâu thuẫn với lý thuyết về lợi thế so sánh. Lợi ích kinh tế nhờ quy mô giúp gia tăng năng suất lao động. Vì thế lý thuyết này xác định được một nguồn gốc quan trọng của lợi thế so sánh.
7. Lý thuyết về Lợi thế cạnh tranh quốc gia: Mô hình kim cương của Porter
Vào năm 1990, giáo sư Michael Porter của Trường Kinh doanh Harvard đã cho xuất bản những kết quả của một nỗ lực nghiên cứu chuyên sâu nhằm tìm hiểu tại sao một số nước lại thành công còn một số khác lại thất bại trong cạnh tranh quốc tế. Porter và các cộng sự đã nghiên cứu tổng cộng 100 ngành tại 10 quốc gia khác nhau. Giống như những người ủng hộ thuyết thương mại mới, công trình của Porter được định hướng bởi niềm tin rằng các lý thuyết hiện tại về thương mại quốc tế chỉ chỉ ra được một phần của câu chuyện. Đối với Porter, nhiệm vụ cốt yếu là giải thích được tại sao một quốc gia đạt được sự thành công quốc tế trong một ngành cụ thể. Tại sao Nhật Bản rất giỏi trong ngành chế tạo ô tô? Tại sao Thụy sĩ xuất sắc trong sản xuất và xuất khẩu các thiết bị chính xác và các loại dược phẩm? Tại sao Đức và Hoa Kỳ làm rất tốt trong ngành công nghiệp hóa chất? Những câu hỏi này khó thể trả lời được một cách dễ dàng bằng lý thuyết H-O, và lý thuyết về lợi thế so sánh sẽ nói rằng Thụy Sĩ xuất sắc về sản xuất và xuất khẩu các thiết bị chính xác bởi vì nước này sử dụng các nguồn lực của mình rất hiệu quả trong những ngành đó. Mặc dù điều này có thể là chính xác, nhưng lại không giải thích được tại sao Thụy Sĩ năng suất hơn về ngành đó so với các nước khác như Anh, Đức, hoặc Tây Ban Nha. Porter đã cố gắng giải vấn đề nan giải này.
Porter đã xây dựng lý thuyết về bốn thuộc tính lớn của một quốc gia hình thành nên môi trường cạnh tranh cho các công ty tại nước đó, và những thuộc tính này thúc đẩy hoặc ngăn cản sự tạo ra lợi thế cạnh tranh của quốc gia đó (xem Hình 3.4). Những thuộc tính đó là:
– Điều kiện về các yếu tố sản xuất – vị thế của một nước về các yếu tố sản xuất ví dụ như nguồn lao động có kỹ năng hoặc cơ sở hạ tầng cần thiết để cạnh tranh trong một ngành cụ thể.
– Các điều kiện về cầu – nhu cầu trong nước đối với hàng hóa hoặc dịch vụ của một ngành.
– Các ngành hỗ trợ và liên quan – sự hiện diện hoặc không sẵn có của các ngành hỗ trợ và liên quan có năng lực cạnh tranh quốc tế.
– Chiến lược, cơ cấu và mức độ cạnh tranh nội bộ ngành – các điều kiện quản lý các công ty được tạo ra, tổ chức, và quản trị như thế nào và bản chất của đối thủ cạnh tranh trong nước.
Porter đề cập về bốn thuộc tính này như là bốn yếu tố cấu tạo nên mô hình kim cương. Ông lập luận rằng các công ty có khả năng thành công cao nhất trong những ngành hoặc các phân ngành trong đó mô hình kim cương được thuận lợi nhất. Ông cũng cho rằng mô hình kim cương là một hệ thống tương tác và củng cố lẫn nhau. Tác động của một thuộc tính sẽ phụ thuộc vào tình trạng của các thuộc tính khác. Ví dụ, theo Porter thì các điều kiện về cầu thuận lợi sẽ không mang lại lợi thế cạnh tranh trừ khi tình hình cạnh tranh nội bộ ngành đủ để khiến công ty phải phản ứng lại các điều kiện đó.
Porter cho rằng có hai yếu tố nữa có thể chi phối tới mô hình kim cương của quốc gia theo những cách thức quan trọng khác nhau: đó là cơ hội và chính phủ. Những cơ hội xảy đến, ví dụ những phát minh sáng tạo lớn, có thể tái cấu trúc lại ngành và mang lại cơ hội cho các công ty của một nước vượt lên những công ty khác. Chính phủ, bằng cách lựa chọn các chính sách của mình, có thể làm giảm đi hoặc cải thiện lợi thế quốc gia. Ví dụ, các quy định có thể điều chỉnh các điều kiện về cầu của quốc gia, các chính sách chống độc quyền có thể tác động tới mức độ cạnh tranh nội bộ ngành, và các khoản đầu tư của chính phủ vào giáo dục đào tạo có thể thay đổi điều kiện về các yếu tố sản xuất.
Điều kiện các yếu tố sản xuất
Điều kiện về các yếu tố sản xuất chính là trọng tâm của lý thuyết H-O. Khi mà Porter không đề xuất bất cứ nội dung gì hoàn toàn mới, nhưng ông đã thực sự phân tích kỹ các đặc tính của các yếu tố sản xuất. Ông thừa nhận sự phân cấp của các yếu tố sản xuất, phân biệt giữa các yếu tố cơ bản (ví dụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, vị trí địa lý và nhân khẩu học) và các yếu tố tiên tiến (ví dụ, hạ tầng truyền thông, lao động có kỹ năng và trình độ cao, các thiết bị nghiên cứu, và bí quyết công nghệ). Ông lập luận rằng các yếu tố tiên tiến đóng vai trò hết sức quan trọng trong lợi thế cạnh tranh. Không giống như các yếu tố cơ bản được ưu đãi một cách tự nhiên, các yếu tố tiên tiến lại là sản phẩm của sự đầu tư của các cá nhân, các công ty và của chính phủ. Do vậy, các khoản đầu tư của chính phủ vào đào tạo cơ bản và nâng cao, bằng cách cải thiện trình độ kiến thức và kỹ năng chung của dân chúng cũng như kích thích nghiên cứu tiên tến tại các cơ sở giáo dụng cấp cao, có thể giúp nâng cấp các yếu tố tiên tiến của một nước.
Mối quan hệ giữa các yếu tố tiên tiến và cơ bản là mối quan hệ phức hợp. Các nhân tố cơ bản có thể cung cấp lợi thế ban đầu mà sau đó sẽ được củng cố và mở rộng thông qua đầu tư vào các yếu tố tiên tiến. Ngược lại, bất lợi về các yếu tố cơ bản có thể tạo ra những áp lực phải đầu tư vào các yếu tố tiên tiến. Một ví dụ rõ ràng nhất về hiện tượng này là về Nhật Bản, một nước không có nhiều đất trồng trọt và các nguồn khoáng sản, tuy nhiên thông qua đầu tư đã tạo lập được một sự dồi dào rất lớn các yếu tố tiên tiến. Porter lưu ý rằng đội ngũ kỹ sư lành nghề đông đảo ở Nhật Bản (phản ánh thông qua tỷ lệ số lượng người tốt nghiệp có bằng kỹ sư trên bình quân đầu người hơn hẳn bất kỳ nước nào) là nhân tố chủ chốt dẫn tới sự thành công của Nhật Bản trong nhiều ngành công nghiệp chế tạo.
Các điều kiện về Cầu
Porter nhấn mạnh tới vai trò của cầu trong nước trong việc giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Thông thường, các công ty thường tỏ ra nhạy cảm nhất với những nhu cầu của những khách hàng ở gần với họ nhất. Do đó, những đặc điểm của nhu cầu thị trường trong nước đặc biệt quan trọng trong việc định hình các thuộc tính của các sản phẩm được chế tạo trong nước và trong việc tạo ra sức ép cho sự sáng tạo đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm. Porter lập luận rằng các công ty của một nước giành được lợi thế cạnh tranh nếu những người tiêu dùng trong nước của họ có được sự sành sỏi và đòi hỏi cao. Những người tiêu dùng như vậy sẽ tạo ra một sức ép lên các công ty trong nước phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm cũng như phải sản xuất ra những mẫu mã sản phẩm mới. Một ví dụ về khía cạnh này đó là sự phát triển trong ngành thiết bị liên lạc không dây. Theo nghiên cứu của Porter, chính sự sành sỏi và yêu cầu cao của những người tiêu dùng tại khu vực bán đảo Scandinavia đã giúp thúc đẩy hãng Nokia của Phần Lan và Erricson của Thụy Điển phải đầu tư vào công nghệ điện thoại di động từ rất lâu trước khi nhu cầu về điện thoại này xuất hiện tại các nước phát triển khác. Trường hợp của Nokia sẽ được nghiên cứu sâu hơn trong phần Tiêu điểm quản trị.
Các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan
Thuộc tính lớn thứ ba trong lợi thế cạnh tranh quốc gia về một ngành là sự hiện diện của các ngành hỗ trợ và liên quan có sức cạnh tranh quốc tế. Những lợi ích của việc đầu tư vào các yếu tố sản xuất tiên tiến bởi các ngành hỗ trợ và liên quan có thể sẽ lan tỏa sang một ngành, từ đó giúp ngành này đạt được một vị trí cạnh tranh vững mạnh trên thế giới. Sức mạnh của Thụy Điển trong các sản phẩm thép chế biến (ví dụ vòng bi và dụng cụ cắt gọt) đã dựa trên sức mạnh của nước này trong ngành công nghiệp thép đặc biệt. Năng lực dẫn đầu về công nghệ trong ngành công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ đã cung cấp nền tảng cho sự thành công của nước Hoa Kỳ trong chế tạo máy vi tính cá nhân và một số sản phẩm điện tử công nghệ cao khác. Tương tự như vậy, sự thành công của Thụy Sĩ trong ngành dược phẩm có liên quan chặt chẽ đến những thành công trên thị trường quốc tế của nước này về ngành công nghiệp nhuộm công nghệ cao.
Một kết quả của quá trình này là các ngành thành công trong phạm vi một quốc gia có xu hướng tập hợp với nhau thành các cụm gồm các ngành có liên quan. Đây là một trong những kết quả có tính lan tỏa đáng chú ý nhất trong nghiên cứu của M.Porter. Một trong những cụm như vậy mà Porter đã xác định được đó là ngành dệt may của Đức. Ngành này bao gồm các ngành chế biến bông, len, sợi tổng hợp chất lượng cao, máy khâu, và một loạt các máy móc liên quan tới ngành dệt. Những cụm ngành như vậy là rất quan trọng bởi vì những kiến thức giá trị có thể lưu chuyển giữa các công ty trong cùng một cụm về mặt địa lý, mang lại lợi ích cho tất cả các công ty khác cùng nằm trong cụm đó. Các luồng kiến thức sẽ lưu chuyển khi nhân viên di chuyển giữa các công ty trong phạm vi một khu vực địa lý và khi các hiệp hội ngành quốc gia tập hợp nhân công từ các công ty khác nhau tại các cuộc hội thảo chuyên đề.
Chiến lược, cấu trúc công ty và đối thủ cạnh tranh
Thuộc tính thứ tư của lợi thế cạnh tranh quốc gia trong mô hình của M.Porter đề cập về nội dung chiến lược, cấu trúc và đối thủ cạnh tranh trong phạm vi một quốc gia. Ở đây, Porter chỉ ra hai điểm quan trọng. Thứ nhất, các quốc gia khác nhau được đặc trưng bởi các triết lý quản lý khác nhau giúp hoặc không giúp được gì cho họ trong việc tạo dựng lợi thế cạnh tranh quốc gia. Porter đã nêu ví dụ về sự phổ biến của các kỹ sư trong giới quản lý cấp cao tại các công ty của Đức và Nhật Bản. Ông cho rằng lý do của hiện tượng này là do các công ty tại hai nước này chú trọng nhấn mạnh vào cải tiến các quy trình sản xuất và thiết kế sản phẩm. Ngược lại, Porter cũng chỉ ra sự phổ biến của những người có hiểu biết về lĩnh vực tài chính trong giới lãnh đạo của nhiều công ty Hoa Kỳ. Ông liên hệ điều này với sự thiếu quan tâm của các công ty Hoa Kỳ tới việc cải tiến các quy trình sản xuất và thiết kế sản phẩm. Theo ông sự thống trị của tài chính dẫn tới sự quá chú trọng vào việc tối đa hóa lợi nhuận tài chính trong ngắn hạn. Và một hậu quả của của những triết lý quản trị này là sự thua cuộc về năng lực cạnh tranh của Hoa Kỳ trong các ngành công nghiệp dựa trên nền tảng cơ khí, những ngành mà trong đó các vấn đề về quy trình chế tạo và thiết kế sản phẩm hết sức quan trọng (ví dụ như ngành công nghiệp chế tạo ô tô).
Điểm thứ hai mà Porter chỉ ra trong nội dung này là sự liên hệ chặt chẽ giữa mức độ cạnh tranh mãnh liệt trong nước và sự sáng tạo và trường tồn của lợi thế cạnh tranh trong một ngành. Mức độ cạnh tranh mạnh mẽ trong nước khiến các công ty phải tìm kiếm các cách cải tiến hiệu quả sản xuất, từ đó làm cho họ trở nên có sức mạnh cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đối thủ cạnh tranh trong nước tạo ra sức ép cho sự cải tiến, sáng tạo, nâng cao chất lượng, giảm chi phí và đầu tư vào việc nâng cấp các yếu tố tiên tiến. Tất cả những điều này giúp việc tạo ra các công ty có sức mạnh cạnh tranh ở tầm thế giới. Porter trích dẫn trường hợp của Nhật Bản: Không ở đâu vai trò của các đối thủ cạnh tranh trong nước lại rõ rệt như tại Nhật Bản, nơi mà đó là một cuộc chiến tổng lực với nhiều công ty thất bại trong việc tìm kiếm lợi nhuận. Với mục tiêu nhấn mạnh vào khía cạnh thị phần, các công ty Nhật Bản liên tục nỗ lực không ngừng vượt hẳn lẫn nhau. Tỷ trọng thị phần biến động rất lớn. Quá trình này được đề cập đến rất nhiều trên mạng lưới báo chí kinh doanh. Thứ tự xếp hạng chi tiết đo lường xem những công ty nào quen thuộc nhất với các sinh viên tốt nghiệp đại học. Tỷ lệ ra đời của các sản phẩm và sự phát triển quy trình mới diễn ra không ngừng nghỉ
Một điểm tương đồng về tác hiệu quả kích thích của mức độ cạnh tranh trong nước có thể được minh họa bằng sự nổi lên của hãng Nokia của Phần Lan trên thị trường thế giới về các thiết bị điện thoại không dây. Để biết chi tiết, xem phần Tiêu điểm quản trị.
Đánh giá lý thuyết của M.Porter
Porter khẳng định rằng mức độ thành công mà một nước có khả năng đạt được trên thị trường thế giới về một ngành nhất định là một hàm số của sự kết hợp các thuộc tính: điều kiện các yếu tố sản xuất, các điều kiện về cầu trong nước, các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan, và các đối thủ cạnh tranh trong nước. Theo ông, sự hiện diện của tất cả bốn thuộc tính là yêu cầu để hình thành lên mô hình kim cương nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh (mặc dù vẫn tồn tại những ngoại lệ) và ông cũng khẳng định rằng chính phủ có thể can thiệp tới từng thuộc tính trong số bốn thuộc tính thành phần của mô hình kim cương – một cách tích cực hoặc tiêu cực. Điều kiện về yếu tố sản xuất có thể bị ảnh hưởng bởi các khoản trợ cấp, các chính sách đối với thị trường vốn, các chính sách đối với giáo dục, v.v…. Chính phủ có thể xác lập nhu cầu nội địa thông qua các tiêu chuẩn sản phẩm nội địa hoặc bằng các quy định bắt buộc hoặc ảnh hưởng tới nhu cầu của người mua hàng. Chính sách của chính phủ có thể tác động tới các ngành hỗ trợ và liên quan thông qua các quy định và ảnh hưởng tới đối thủ cạnh tranh thông qua các công cụ như quy định trên thị trường vốn, chính sách thuế, và luật chống độc quyền.
Như vậy, theo lý thuyết của M.Porter, các nước nên xuất khẩu những sản phẩm của những ngành mà tại đó cả bốn thành phần của mô hình kim cương có điều kiện thuận lợi, và nhập khẩu trong những lĩnh vực tại đó các thành phần không có điều kiện thuận lợi. Liệu điều này có đúng hay không? Lý thuyết của M.Porter vẫn cần được kiểm chứng bằng nhiều nghiên cứu thực nghiệm khác nhau. Nội dung phân tích của của lý thuyết chủ yếu dựa trên những tổng kết thực tiễn, nhưng điều này cũng hoàn toàn có thể phát biểu cho các lý thuyết thương mại mới, lý thuyết về lợi thế so sánh, và lý thuyết H-O. Có lẽ chính xác nhất là từng lý thuyết này, vốn lẽ là các nghiên cứu bổ sung lẫn nhau, chỉ giải thích một phần về mô hình của thương mại quốc tế mà thôi.
Để lại một bình luận