Thị trường tài chính
Mishkin (1992) định nghĩa thị trường tài chính là thị trường trong đó vốn được chuyển từ những người hiện có vốn dư thừa sang người thiếu vốn.
IMF (2001) định nghĩa thị trường tài chính là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán quyền sử dụng các nguồn tài chính thông qua những phương thức giao dịch và công cụ tài chính nhất định; là tổng hòa các quan hệ cung, cầu về vốn trong nền kinh tế; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia.
Ở Việt Nam, thị trường tài chính được biết đến là thị trường mà ở đó các hoạt động trao đổi, mua bán quyền sử dụng các nguồn lực tài chính thông qua những phương thức giao dịch và công cụ tài chính. Nói cách khác, đây là nơi diễn giao dịch, mua bán quyền sử dụng các khoản vốn ngắn hạn hoặc dài hạn thông qua các công cụ tài chính.
Theo các khái niệm này, có nhiều cách phân chia cấu trúc của thị trường tài chính (Mishkin, 1992):
– Phân chia theo cách thức vay vốn trên thị trường (bản chất của các công cụ tài chính): thị trường tài chính được phân thành thị trường nợ và thị trường vốn cổ phần.
– Phân chia theo thời điểm phát hành công cụ tài chính (phát hành lần đầu hoặc qua mua bán lại): thị trường tài chính được phân thành thị trường cấp một (sơ cấp) và thị trường cấp hai (thứ cấp).
– Phân chia theo kỳ hạn thanh toán của các công cụ tài chính: thị trường tài chính được phân thành thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Đây cũng là cách hiểu thông dụng về thị trường tài chính; trong đó, TTTT là thị trường tài chính chỉ có các công cụ ngắn hạn (kỳ hạn thanh toán chủ yếu là dưới 1 năm) được mua bán; còn thị trường vốn là thị trường trong đó những công cụ vay nợ dài hạn hơn (kỳ hạn thanh toán lớn hơn 1 năm) như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… được mua bán.
Trong phạm vi nghiên cứu, nghiên cứu sinh lựa chọn việc phân loại thị trường tài chính theo kỳ hạn thanh toán của các công cụ tài chính, theo đó phân chia thành (i) thị trường tiền tệ (ngắn hạn); (ii) thị trường vốn (dài hạn).
Khái niệm thị trường tiền tệ
Căn cứ theo lý thuyết về tiền tệ của các nhà khoa học kể trên, có nhiều khái niệm khác nhau về TTTT, cụ thể:
– Dựa trên kỳ hạn thanh toán của những chứng khoán được mua bán trên thị trường, TTTT là một thị trường tài chính trong đó chỉ có những công cụ nợ ngắn hạn (kỳ hạn thanh toán dưới 1 năm) được mua bán, trong khi đó thị trường vốn là thị trường trong đó những công cụ vay dài hạn hơn (kỳ hạn thanh toán lớn hơn 1 năm) và cổ phiếu được mua bán(Mishkin, 1992).
– TTTT thường được định nghĩa như là thị trường công cụ nợ ngắn hạn cung cấp vốn cho các tổ chức tài chính và phi tài chính, thực hiện một số các chức năng kinh tế thiết yếu (Loretan & Wooldridge, 2008).
– TTTT là nơi cung cấp công cụ cho người vay và người đi vay để thỏa mãn nhu cầu tài chính ngắn hạn của họ (short-term financial needs) (Dodd, 2012).
– Ngoài ra, TTTT còn được định nghĩa là hệ thống giao dịch các nguồn vốn vay và cho vay ngắn hạn, chủ yếu của Chính phủ, các tổ chức và các công ty lớn (Từ điển Webster‟s New World College Dictionary); hoặc là một cấu phần của thị trường tài chính tại đó các công cụ tài chính6 với tính thanh khoản cao và kỳ hạn ngắn được giao dịch. Các chủ thể tham gia thị trường tài chính với mục tiêu chính là vay mượn ngắn hạn từ một vài ngày đến dưới một năm. TTTT bao gồm chứng chỉ tiền gửi có thể thương lượng (negotiable certificates of deposit – CDs), chấp phiếu ngân hàng (bankers acceptances), trái phiếu kho bạc (treasury bills), thương phiếu (commercial paper), trái phiếu đô thị (municipal notes), trái phiếu liên bang (federal funds) và thỏa thuận mua lại (repurchase agreements – repos) (Từ điển Investopedia).
Ở Việt Nam, theo điều 9, Luật sửa đổi một số điều của Luật NHNN (năm 2003): “TTTT là thị trường vốn ngắn hạn nơi mua, bán ngắn hạn các giấy tờ có giá, bao gồm tín phiếu kho bạc, tín phiếu ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác”. Theo điều 6, Luật NHNN (năm 2010): “TTTT được hiểu là nơi giao dịch ngắn hạn về vốn”.
Từ các khái niệm trên, trong phạm vi nghiên cứu của Luận án, nghiên cứu sinh tập trung vào các khía cạnh sau của TTTT:
(i) Là một bộ phận của thị trường tài chính – có mối quan hệ qua lại với các thị trường bộ phận khác (mà cụ thể là thị trường vốn).
(ii) Là cơ sở hạ tầng cho lưu chuyển tiền tệ, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải các tác động của CSTT đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều hành CSTT của NHTW.
(iii) Đáp ứng những yêu nhu cầu vay vốn ngắn hạn; cung cấp thanh khoản/tiền mặt cho người đi vay (bao gồm các tổ chức, các cá nhân và cả Chính phủ) và cho nền kinh tế.
Đề cập đến khái niệm TTTT, cần phải nói đến vị trí và mối quan hệ của nó trong thị trường tài chính. Theo đó, hoạt động của TTTT và thị trường vốn được thực hiện đồng bộ, đan xen lẫn nhau, tác động và chịu ảnh hưởng qua lại, tạo thành cơ cấu hoàn chỉnh của một thị trường tài chính.
Để lại một bình luận