– Một là, hoàn thiện thể chế và tăng cường hiểu biết cộng đồng về vấn đề lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ (SHTT). Để giữ vững tăng trưởng sản xuất công nghiệp chế biến của Việt Nam sang thị trường EU, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ pháp luật để đáp ứng những cam kết về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ trong EVFTA ngày càng tốt hơn. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về các vấn đề môi trường, lao động và sở hữu trí tuệ; phổ biến cho doanh nghiệp biết về tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ sạch, triển khai đầu tư công nghệ xử lý môi trường. Nhà nước cũng cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thể chế theo hướng đơn giản hóa và minh bạch hóa để hoàn thiện bộ máy quản lý và môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
– Hai là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo cơ sở hành lang pháp lý thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động xuất khẩu hàng chế biến của Việt Nam sang EU. Theo ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI) cho biết “Yếu tố quyết định năng lực và sự thành bại trong hội nhập chính là năng lực cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh có được cải thiện hay không thì tùy thuộc vào môi trường kinh doanh. Vì vậy, đối với nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt hơn thì chúng ta phải nỗ lực vượt bậc”. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng cường xuất khẩu nhóm hàng chế biến bằng việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, huy động các nguồn lực phục vụ cho phát triển ngành này. EU là một trong những nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quan trọng đối với Việt Nam. Theo các chuyên gia nhận định, thu hút nguồn vốn đầu tư từ EU sẽ là ưu thế lớn đối với Việt Nam do các doanh nghiệp EU thường có trình độ công nghệ cao, lao động có kỹ năng, kỹ năng quản trị tiên tiến nên khi đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp cải thiện phần lớn tình trạng sử dụng lao động giản đơn, lắp ráp như hiện nay.
Hơn nữa, các dự án đầu tư của EU có tỷ lệ vốn vay thấp hơn tỷ lệ vốn vay trung bình của các dự án FDI ở Việt Nam, tiến độ giải ngân thực hiện nhanh hơn nhiều so với nước khác. Do vậy, một số hướng giải pháp tăng cường thu hút vốn từ EU được đề xuất như sau: Tăng cường các chính sách khuyến khích, thu hút vốn đầu tư từ EU; Tăng cường hợp tác đầu tư toàn diện với tất cả các nước thành viên EU song song với việc tiến hành tạo lập và lựa chọn đối tác đầu tư trọng điểm; Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp EU duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh tại Việt Nam; Cải cách thủ tục hành chính và đồng bộ hoá với phía châu Âu; Tiếp tục quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam đến những doanh nghiệp chế biến của EU tới đầu tư; Đơn giản hóa thủ tục giải quyết tranh chấp và thực thi hợp đồng để tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và tạo sự tự tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam; Cải cách tư pháp và nâng cao chất lượng của hệ thống tòa án dân sự và kinh tế cần được ưu tiên nếu Việt Nam muốn cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng.
– Ba là, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ để giảm thiểu khoảng cách về trình độ công nghệ với các nước EU. Đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ có thể được thông qua hoạt động đào tạo, thuê chuyên gia, mua công nghệ. Cụ thể, nhà nước tạo điều kiện mở rộng các hình thức vay với mức lãi suất và thời gian hoàn trả vốn phù hợp đối với từng sản phẩm cụ thể của ngành hàng chế biến; đồng thời giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hàng chế biến có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển. Nhà nước cần phát huy vai trò quan trọng của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới về công nghệ. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần thực hiện các chính sách động viên, khuyến khích các nhà khoa học đưa kết quả nghiên cứu hữu ích áp dụng vào thực tế, thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động sản xuất hàng chế biến. Khai thác tốt lợi thế từ các cam kết đầu tư trong hiệp định EVFTA để ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Thúc đẩy đầu tư công nghệ cho các công tác thanh kiểm tra, quản lý chất lượng an toàn của sản phẩm và các tiêu chuẩn khác.
– Bổn là, thúc đẩy việc xây dựng, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, yêu cầu về hàng chế biến của mỗi thị trường nhập khẩu tại EU mà có thể tạo ra các hàng rào thương mại đối với sản phẩm chế biến xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, phổ biến, tư vấn, đào tạo doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng chế biến xuất khẩu về việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa ngặt nghèo và yêu cầu về quy trình kỹ thuật chặt chẽ của EU.
Để lại một bình luận