Các chính sách điều tiết lạm phát trong từng thời kỳ có tác động lớn đến việc hình thành giá cả hàng hóa trên thị trường chứng khoán và tiếp đó sẽ tác động lên hành vi quyết định của nhà đầu tư.
Giai đoạn 2007- 2011: Lạm phát tăng nhanh (từ 6,6% -19,9%), mạnh nhất vào năm 2008. Nhờ việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô như là Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011, tiếp sau đó các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2013, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 và cùng với nữa Chính phủ còn đưa ra nhiều biện pháp đồng bộ và mạnh mẽ nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó chủ chốt là chính sách tiền tệ thắt chặt và tài khóa chặt chẽ. Nhờ đó, chỉ số CPI đã giảm mạnh từ 18,1% năm 2011 xuống 6,8% năm 2012; 6% năm 2013; 1,8% năm 2014 và 0,6% năm 2015.
Với việc ban hành các chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ và việc thực hiện các chính sách quyết liệt nên lạm phát được kiểm soát và điều đó sẽ tác động tới sự tăng trưởng nền kinh tế. Lạm phát, tăng trưởng kinh tế có tác động tới thị trường chứng khoán về quyết định đầu tư của nhà đầu tư, giá chứng khoán. Đánh giá chung trong các giai đoạn, Chính phủ luôn đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ vững tăng trưởng để thúc đẩy đầu tư trên TTCK.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sự phục hồi. Tăng trưởng trong giai đoạn 2012-2015 đạt mức trung bình 5,78%/năm, tỷ lệ lạm phát có xu hướng giảm, lạm phát trung bình ở mức 4,75%. Giai đoạn năm 2015-2017, tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng nhẹ nhưng ở mức lạm phát hợp lý, số lượng các công ty phát hành chứng khoán tăng, giá trị giao dịch tăng, tỷ lệ tăng trưởng có sự tăng nhẹ.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Minh Kiều, Nguyễn Văn Điệp (2013) kiểm định thực tế từ thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam, đã khẳng định mối quan hệ giữa lạm phát và biến động thị trường chứng khoán. Nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố tỷ lệ lạm phát có tác động tiêu cực tới giá chứng khoán, nếu lạm phát tăng 1% làm cho chỉ số giá chứng khoán giảm khoảng 6,95% [8]. Điều này phù hợp với thực tế của thị trường chứng khoán ở Việt Nam trong thời gian vừa qua, khi tỷ lệ lạm phát tăng làm cho các nhà đâu tư chuyển hướng vào bất động sản, vàng và chỉ đầu tư vào chứng khoán khi giá chứng khoán giảm, tỷ suất lợi nhuận tăng cao.
Như vậy, tỷ lệ lạm phát có tác động tới thị trường chứng khoán và tăng trưởng kinh tế. Khi lạm phát tăng với tỷ lệ cao trong bối cảnh cung tiền tăng mạnh và mở rộng chi tiêu Chính phủ, thị trường chứng khoán bắt đầu tăng trưởng nóng dẫn đến tăng trưởng kinh tế bắt đầu giảm, làm cho thị trường chứng khoán đi xuống; khi lạm phát giảm trong bối cảnh thực thi chính sách tiền tệ và tài khoá nới lỏng thì thị trường chứng khoán tăng trưởng trở lại và tăng trưởng kinh tế mạnh.
Để lại một bình luận