(1) Sẵn sàng tuân thủ (tuân thủ tuyệt đối)
Mặc dù, Luật thuế TNCN có những quy định pháp lý cao nhất về nghĩa vụ của NNT và cơ quan thuế có quyền cưỡng chế NNT thi hành pháp luật về thuế, nhưng NNT không sẵn sàng nộp thuế và tìm mọi cách để trốn và tránh nghĩa vụ nộp thuế thì công tác quản lý thuế sẽ không đem lại hiệu quả mong muốn. Vì vậy, sự sẵn sàng tuân thủ của NNT có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện tốt pháp luật thuế TNCN, đảm bảo nguồn thu từ thuế được tập trung vào NSNN theo đúng các quy định của pháp luật. NNT luôn có biểu hiện sẵn sàng tuân thủ nghĩa vụ thuế cũng biểu hiện công tác quản lý thuế đã đạt hiệu quả cao nhất.
Hành vi sẵn sàng tuân thủ pháp luật về thuế của NNT được biểu hiện như sau:
– NNT có sự hiểu biết về pháp luật thuế TNCN; hiểu biết về nghĩa vụ và xác định rõ trách nhiệm nộp thuế của mình;
– NNT sẵn sàng kê khai thu nhập, kê khai thuế và các minh chứng khác liên quan đến việc hình thành thu nhập và thuế TNCN của mình;
– NNT tự giác tính thuế, nộp thuế và quyết toán số thuế TNCN phải nộp của mình;
– NNT sẵn sàng tuân thủ các pháp luật khác có liên quan đến thuế TNCN phải nộp;
– NNT sẵn sàng hợp tác với cơ quan thuế thực hiện tốt các nhiệm vụ mà cơ quan thuế yêu cầu.
Để đạt được mức độ sẵn sàng tuân thủ, đòi hỏi trình độ hiểu biết và ý thức của NNT dần được nâng cao và mức độ tác động ảnh hưởng của cơ quan thuế đối với NNT thông qua các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế.
(2) Cố gắng tuân thủ, nhưng không phải lúc nào cũng thành công
Hành vi cố gắng tuân thủ pháp luật về thuế của NNT được biểu hiện như sau:
– NNT ít có sự hiểu biết về pháp luật thuế TNCN nhưng có hiểu biết chút ít về nghĩa vụ thuế và xác định trách nhiệm nộp thuế;
– NNT có kê khai thu nhập, kê khai thuế nhưng không kê khai đầy đủ các minh chứng liên quan đến việc hình thành thu nhập và thuế TNCN của mình;
– NNT có nộp thuế nhưng không nộp thuế đầy đủ, đúng hạn;
(3) Không muốn tuân thủ nhưng sẽ tuân thủ nếu cơ quan thuế có tác động Hành vi không muốn tuân thủ pháp luật về thuế của NNT được biểu hiện như sau:
– NNT không hiểu biết về pháp luật thuế TNCN và không xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm nộp thuế;
– NNT không kê khai thu nhập và kê khai thuế TNCN của mình;
– NNT không muốn nộp thuế và chỉ nộp thuế khi cơ quan thuế kiểm tra, nhắc nhở.
(4) Cố tình không tuân thủ, bất luận thế nào cũng trốn thuế
NNT cố tình không tuân thủ, tìm mọi cách để trốn thuế và gian lận thuế TNCN thường có các biểu hiện về hành vi như sau:
– Không nộp hồ sơ đăng ký thuế TNCN; không nộp hồ sơ khai thuế TNCN hoặc nộp hồ sơ khai thuế TNCN không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;
– Không lưu trữ các chứng từ, hóa đơn liên quan đến các khoản thu nhập làm cơ sở xác định số tiền thuế TNCN phải nộp;
– Sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp để xác định nghĩa vụ thuế TNCN; làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
– Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế TNCN phải nộp, số tiền thuế TNCN được hoàn.
Như vậy, căn cứ vào nội dung biểu hiện của mức độ tuân thủ có thể xếp loại các mức độ tuân thủ từ cao nhất đến thấp nhất là: sẵn sàng tuân thủ, cố tình tuân thủ, không muốn tuân thủ, cố tình không tuân thủ. Sự xếp loại đó làm căn cứ để tìm các phương thức tác động làm tăng dần mức độ sẵn sàng tuân thủ trong công tác quản lý thuế TNCN
Để lại một bình luận