Di chuyển lao động kỹ năng của Việt Nam trong ASEAN diễn ra trong bối cảnh đáng chú ý:
Cộng đồng ASEAN đã chính thức thành lập vào cuối năm 2015 và các Hiệp định được ký kết như Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN – ACIA, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – ATIGA và Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ – AFAS đã làm tăng sức hấp dẫn của khu vực trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2008, vốn FDI từ ASEAN vào Việt Nam đạt hơn 2,7 tỷ USD. Giai đoạn 2009 – 2016 dòng vốn này đã tăng gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 1997 – 2006 [107]. Hội nhập ASEAN cũng tạo niềm tin về cơ hội đầu tư vào thị trường khu vực ổn định, hoà bình cho các nhà đầu tư ngoài ASEAN. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, các nhà đầu tư ngoại đã đổ vào 23,5 tỷ USD năm 2017, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2016 [109]. Đây là những tín hiệu đáng mừng chứng tỏ những tác động to lớn của việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năng động đối với nền kinh tế các nước thành viên, trong đó có Việt Nam với những lợi ích từ việc thực thi các biện pháp xây dựng một cơ sở sản xuất ASEAN thống nhất, khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế bình đẳng và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Thị trường lao động của các nước thành viên cũng sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, việc tự do di chuyển của lao động kỹ năng cao giữa các nước thành viên sẽ mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng gây ra cạnh tranh gay gắt về lao động kỹ năng giữa các nước thành viên ASEAN.
Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 và tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực vào ngày 30/12/2018 và khả năng chính thức được FTA với Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai gần đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Lao động, việc làm và thị trường lao động Việt Nam sẽ đứng trước các cơ hội và thách thức hội nhập, đồng thời cũng thể hiện những điểm mạnh và điểm yếu trong cạnh tranh khu vực và quốc tế. Theo đó, theo Bộ LĐTB&XH [107], về khía cạnh lao động, việc làm và các vấn đề xã hội, khi tham gia CPTPP, từ năm 2020 trở đi, mỗi năm sẽ tạo ra từ 17.000- 27.000 chỗ làm mới. Đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ ở mức khoảng 18.000- 19.0000 việc làm. Về chất lượng việc làm, thời gian đầu tham gia, số lao động có tay nghề thấp tăng nhanh hơn, nhưng những năm sau, tỷ lệ lao động có kỹ năng sẽ tăng lên, thể hiện ở số việc làm với lao động có trình độ kỹ thuật nhiều hơn.
Ngoài việc mang lại những cơ hội năng suất, giá trị gia tăng và việc làm mới, CMCN 4.0 còn thay đổi bản chất, hình thức thể hiện của việc làm so với truyền thống với nhiều việc làm cũ mất đi, nhiều việc làm mới xuất hiện. CMCN 4.0 là quá trình tái tổ chức lại nền sản xuất trên cơ sở tích hợp sử dụng các công nghệ mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin (hệ thống thực-ảo, kết nối internet vạn vật-IoT, điện toán đám mây, dữ liệu lớn…) vào sản xuất, cung ứng dịch vụ và kinh doanh, có sức mạnh xử lý, dung lượng lưu trữ và sự tiếp cận tri thức không giới hạn, chưa từng có tiền lệ. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, CMCN 4.0 đang phát triển với tốc độ ở cấp số nhân, đang làm biến đổi mọi nền công nghiệp ở mọi quốc gia, tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Theo đó, CMCN 4.0 có những ảnh hưởng to lớn lên vấn đề việc làm:
+ Về chất lượng việc làm: công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi bản chất của công việc trong tương lai, làm thay đổi kỹ năng, thay đổi công nghệ dẫn đến phân cực thị trường. Tri thức, chứ không phải là vốn, sẽ là yếu tố quyết định của sản xuất trong tương lai, thị trường việc làm sẽ ngày càng tách biệt thành các mảng “kỹ năng thấp/lương thấp” và “kỹ năng cao/lương cao”. Việc làm cũng thay đổi theo nhiều hình thái mới, CN4.0 đã làm thay đổi bản chất của công việc, tạo việc làm linh hoạt của khoảng 44% dân số trong độ tuổi lao động trên toàn thế giới, tức khoảng 2 tỷ người
+ Về số lượng việc làm: CMCN 4.0 làm mất việc làm đối với một số người song cũng làm tăng cơ hội việc làm cho một số người khác.
Trong ASEAN, những tính toán về những nghề cần lao động kỹ năng trong tương lai (đã phân tích tại 3.3.1) cũng cho thấy nhu cầu của hàng triệu lao động liên quan đến ICT, đến ứng dụng công nghệ 4.0 trong rất nhiều ngành nghề trong thời gian tới mà nhân lực trong nước chưa đáp ứng được.
+ Về kỹ năng: CMCN 4.0 đòi hỏi kỹ năng cần thiết để có thể làm việc và không mất việc làm do tự động hoá. Chỉ có ít hơn 5% người lao động tốt nghiệp đại học so với 40% người lao động có bằng thấp hơn trung học cơ sở bị mất việc. Nếu nhìn vào những việc làm mất đi và có thêm trong vòng 15 năm qua tại Mỹ, Nhật Bản và EU, thì hầu hết tăng trưởng việc làm là trong những nghề có kỹ năng cao.
Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp trong giáo dục và dạy nghề, trong đào tạo người lao động chuẩn bị sẵn sàng cho thời đại mới.
Theo số liệu thống kê của IOM, trên toàn cầu có 3,4% dân số là người di cư quốc tế bởi họ sống ở một quốc gia không phải nơi họ sinh ra. Đảm bảo di cư quốc tế an toàn và bảo vệ quyền lợi của người lao động di cư ngày càng được pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia quan tâm, bảo vệ. Trong Mục tiêu Phát triển Bền vững được các thành viên Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015 có đề cập tới bảo vệ quyền lợi của người di cư, thúc đẩy chính sách di cư an toàn và đảm bảo quản lý tốt quá trình di cư. Các lực hút, lực đẩy di cư quốc tế vẫn rất mạnh mẽ trong thời gian tới, cụ thể: chênh lệch tiền lương giữa các nước giàu và nghèo; các xu hướng nhân khẩu học ở các khu vực và trên thế giới; toàn cầu hóa; sự gia tăng nhu cầu cho các dịch vụ phi ngoại thương; phát triển kinh tế tạo ra sự thay đổi về nhu cầu nhân lực ở các nước giàu. ASEAN, vốn là khu vực có dòng di cư lao động sôi động nhất trên thế giới, với sự hội nhập sâu rộng, luồng đầu tư và thương mại tăng lên nhanh chóng sẽ có triển vọng tăng trưởng di cư lao động mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Để lại một bình luận