Việc bố trí đúng đắn sản xuất lương thực theo các vùng trong cả nước và việc biến đối cơ cấu sản xuất lương thực phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế của từng vùng từng địa phương là điều kiện quan trọng để tăng cường và nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất lương thực.
Sản xuất lương thực ở nước ta được bố trí rộng khắp ở các vùng trong nước. Tuy nhiên do điều kiện tự nhiên, kinh tế và quá trình lịch sử đã hình thành những vùng sản xuất lương thực lớn như đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.
Tổng diện tích của hai vùng châu thổ lớn nhất cả nước chiếm tới 58% diện tích cây lương thực cả nước năm 1998. Trong đó vùng đồng bằng sông Hồng chiếm 13,7%; vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 44,4%. Đây là hai vùng lương thực cung cấp nhiều lương thực hàng hoá cho nền kinh tế quốc dân. Ngoài ra các vùng khác có diện tích lương thực không lớ so với hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, nhưng cũng là nơi sản xuất và đóng góp phần lương thực quan trọng cho nền kinh tế quốc dân.
a- Bố trí sản xuất lúa.
Lúa là cây lương thực chủ yếu của nước ta, hàng năm từ 1990 đến 1998 chiếm tới trên 85% tổng diện tích cây lương thực và trên dưới 90% giá trị sản lượng lương thực và lúa được bố trí tập trung chủ yếu ở hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Với tổng diện tích lúa của hai vùng này bình quân mỗi năm từ 1995 đến 1998 chiếm 63,33% tổng diện tích lúa cả nước; trong đó đồng bằng sông Hồng bình quân chiếm 14,72%, đồng bằng sông Cửu Long chiếm 49,1%. Đó là hai vùng lúa lớn nhất và có nhiều sản phẩm hàng hoá nhất của cả nước. Ngoài ra lúa còn được bố trí rộng rãi trên khắp các vùng, các địa phương trong cả nước phù hợp với điều kiện đất đai, điều kiện tưới nước, tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lúa gạo hàng ngày của nhân dân.
b- Bố trí sản xuất ngô.
Ngô là loại cây lương thực thứ hai sau cây lúa năm 1988 diện tích ngô chiếm 41,1% diện tích màu và 31,5% sản lượng màu qui thóc. Từ năm 1994 đến năm 1998 sản xuất ngô phát triển mạnh cả về diện tích và sản lượng.
Diện tích ngô năm 1985 cả nước có 397,3 ngàn ha tăng lên 556,8 ngàn ha năm 1995 và 714,0 ngàn ha năm 2000. Sản lượng ngô cả nước năm 1985 đạt 587,6 ngàn tấn, lên 1,2 triệu tấn năm 1995 và lên 1,9 triệu tấn năm 2000. Sản xuất ngô được bố trí rộng khắp trên tất cả các vùng và các địa phương trong cả nước. Song diện tích được bố trí tập trung nhiều ở hai vùng Đông Bắc và Đông Nam Bộ. Bình quân diện tích hàng năm thời kỳ 1995-1998, vùng Đông Bắc đạt 183,9 ngàn ha chiếm 29,6% diện tích cả nước vùng Đông Nam Bộ đạt 120 ngàn ha chiếm 19,3% diện tích cả nước. Các địa phương có diện tích ngô nhiều nhất từ 30 ngàn ha trở lên là: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Đaklak và Đồng Nai.
c- Bố trí sản xuất đậu đỗ các loại (không kể đậu tương).
Đậu đỗ là cây lương thực có hạt và có chứa nhiều chất dinh dưỡng cao. Đều là cây ngắn ngày có thể bố trí trồng chính hay trồng xen kẽ với các loại cây trồng khác, gần đây hàng năm diện tích đậu đỗ ở nước ta khoảng 20 vạn ha với sản lượng khoảng trên 10 vạn tấn. Đậu đỗ được trồng rộng rãi ở hầu hết các tỉnh, song trồng tập trung nhiều vẫn là các tỉnh: Đồng Nai, An Giang, Đaklak, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Ninh…
Việc bố trí hợp lý những cây lương thực quí có năng suất cao phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế ở từng vùng cho phép cải thiện cơ cấu cây lương thực và tăng nhanh sản lượng lương thực.
Tập đoàn cây lương thực có hạt ở nước ta có các cây chính: lúa, ngô, đậu các loại, trong đó lúa là chủ yếu. Ngô là cây lương thực đứng thứ 2 sau lúa là nguồn thức ăn chủ yếu và giàu chất dinh dưỡng cho vật nuôi. Đậu đỗ là cây lương thực giàu chất đạm là thức ăn quí cho con người và là nguyên liệu để chế biến ra các loại thực phẩm khác có giá trị. Ngoài các cây lương thực chính trên những năm gần đây cơ cấu cây lương thực của nước ta còn bao gồm một số cây lương thực khác như: lúa mì, mạch, cao lương…
Việc xác định cơ cấu sản xuất cây lương thực hợp lý, đảm bảo cho nền nông nghiệp phát triển một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lợi tự nhiên, kinh tế của đất nước. Cơ cấu sản xuất lương thực ở nước ta những năm gần đây còn bất hợp lý và sự chuyển biến tiến bộ còn chậm. Lúa còn chiếm tỷ trọng quá lớn cả về diện tích và sản lượng, màu còn chiếm tỷ trọng ít và có xu hướng giảm trong vài năm gần đây (xem biểu cơ cấu diện tích sản lượng). Điều đó đặc ra sự cần thiết và nhanh chóng biến đổi cơ cấu sản xuất lương thực hợp lý để tạo điều kiện thúc đẩy việc phát triển nhanh một nền nông nghiệp toàn diện có nhiều sản phẩm hàng hoá.
Để lại một bình luận