Từ những kinh nghiệm đã trình bày, có thể khái quát một số bài học cho Hà Tĩnh trong quản lý huy động và sử dụng nguồn lực cho XDNTM như sau:
Một là, phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Đây là bài học quan trọng từ kinh nghiệm quốc tế và các địa phương trong triển khai XDNTM. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là giải pháp quan trọng mang tính quyết định sự thành công của XDNTM.
Hai là, lựa chọn mục tiêu ưu tiên trong chương trình XDNTM. Do NLTC hạn hẹp, kinh nghiệm XDNTM ở các nước và các địa phương được nghiên cứu cho thấy, điều quan trọng nhất là trong số những tiêu chí NTM, xác định tiêu chí cần ưu tiên, từ đó, có kế hoạch để thực hiện ngay. Thực hiện phương châm làm từng bước, từ thấp đến cao, từ thí điểm trên diện hẹp để đưa ra đại trà, từ xây dựng lan sang sản xuất, từ NN sang phi NN để ND có đủ thời gian chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, có đủ thời gian để chọn lựa, đào tạo cán bộ cơ sở, nông hộ có thời gian để tự tích lũy tái sản xuất mở rộng.
Ba là, nghiên cứu và cụ thể hóa các chính sách quản lý huy động, sử dụng các nguồn tài chính phù hợp với điều kiện địa phương. Thành công ở Nam Định, Ninh Bình, Lâm Đồng… cho thấy, trên cơ sở các chính sách trung ương đã ban hành, chính quyền các cấp cần nghiên cứu, cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện địa phương trong việc huy động, sử dụng các NLTC. Các chính sách huy động, sử dụng NLTC thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, song không huy động quá sức dân.
Bốn là, bảo đám dân chủ, minh bạch, công khai trong việc huy động, sử dụng các NLTC cho xây dụng NTM, phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân. Việc XDNTM phải bảo đảm dân chủ từ khâu triển khai chủ trương, nghị quyết của Đảng đến tổ chức thực hiện và đánh giá. Những nội dung triển khai thực hiện ở cơ sở, phải được công khai để nhân dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra; đặc biệt xây dựng các công trình CSHT cần công khai quy hoạch, thiết kế, dự toán, cách thức tổ chức thực hiện, quyết toán minh bạch để nhân dân giám sát. Thực hiện tốt các vấn đề này sẽ tạo được niềm tin và khuyến khích người dân tham gia đóng góp nguồn lực thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc huy động, sử dụng các NLTC cho Chương trình XDNTM, đảm bảo việc đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm theo lộ trình đã đề ra.
Năm là, để có thể huy động và sử dụng NLTC đầu tư XDNTM một cách hiệu quả, việc áp dụng các chính sách động viên, khuyến khích là hết sức cần thiết song cần có sự phân biệt. Các chính sách động viên, khuyến khích ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Nam Định, Lâm Đồng… thành công cho thấy các chính sách khuyến khích cần phải có sự phân biệt và không nên cào bằng giữa các địa phương. Cần có sự phân biệt nghĩa là cần có nhiều ưu đãi, khuyến khích hơn cho những địa phương làm tốt hơn. Có như vậy mới tạo được động lực kích thích và thu hút được nguồn vốn đầu tư tại các địa phương khác.
Sáu là, tăng cường phân cấp cho địa phương trong tạo nguồn thu, quyết định đầu tư XDNTM. Kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy, mỗi địa phương có những lợi thế mang tính đặc thù có thể đem lại cơ hội gia tăng cho quỹ NSNN của địa phương đó, đồng thời cũng chỉ địa phương mới biết rõ về hiện trạng NT của địa phương mình. Do vậy, việc phân cấp cho địa phương trong việc tạo nguồn thu, chủ động trong việc quyết định đầu tư là rất cần thiết, điều này cũng sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho NSNN trung ương.
Bảy là, thực hiện tốt chính sách tín dụng NT. Kinh nghiệm từ Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới tín dụng NT với nhiều loại hình, nhiều tổ chức cùng tham gia, đồng thời có chính sách khen thưởng nhằm tạo động lực cho các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực NN NT bằng lợi ích vật chất cụ thể. Cần khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và các DN, HTX vay vốn tín dụng trong lĩnh vực NN, NT.
Tám là, tăng cường các chính sách, các biện pháp thu hút các DN đầu tư vào NN, NT nhằm hoàn thành nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất và tạo sức hút để hoàn thành các tiêu chí khác. Các kinh nghiệm của Trung Quốc như ưu đãi về vay vốn, về thuế, hạ thấp tiêu chuẩn hoạt động SXKD ở NT, cải cách thủ tục hành chính, triển khai bảo hiểm cho sản xuất NN.… cần được nghiên cứu để triển khai phù hợp với địa phương.
Chín là, xây dựng các tổ chức ND kịp thời với những hình thức thích hợp, điển hình như Liên minh các HTX ở Nhật Bản, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả các NLTC cho NN, NT. Chính quyền xem xét tạo điều kiện cho các tổ chức ND ở cấp xã phối hợp với các ngân hàng thực hiện các nghiệp vụ tín dụng NN, phát huy thế mạnh của các tổ chức này là nắm rõ nhu cầu tiền vay, hiểu rõ đối tượng cho vay cũng như khả năng chi trả của từng hộ, nhờ đó rủi ro thấp, chi phí rẻ, thủ tục cho vay thuận tiện, cho vay đúng mục đích.
Mười là, cần tránh tính trạng chạy theo thành tích, thực hiện XDNTM theo kiểu phong trào. Cần tránh việc phê duyệt và triển khai quá nhiều dự án, công trình khi chưa có nguồn vốn huy động, hạn chế tình trạng nợ đọng. Kinh nghiệm từ Bắc Ninh cho thấy chính quyền cấp tỉnh nên bố trí NS để hỗ trợ giải quyết dứt điểm nợ đọng và có các biện pháp để hạn chế nợ đọng XDNTM.
Sự thành công của XDNTM được quyết định bởi yếu tố con người. Vì vậy, cần tập trung đào tạo cán bộ cho XDNTM, đồng thời, thông qua các chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho chính người dân trong XDNTM.
Để lại một bình luận