Thứ sáu, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển, đảo Lịch sử dân tộc ta hàng ngàn năm đã chứng minh, ở bất cứ thời đại, chế độ nào, nguyện vọng sâu xa của nhân dân vẫn là đời sống vật chất và tinh thần được đảm bảo, “khoan thư sức dân” – cách thức tốt nhất để quy tụ lòng dân, làm cơ sở, nền tảng để xây dựng thế trận lòng dân. Phát triển kinh tế biển, đảo phải gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, coi đó như một vấn đề then chốt trong xây dựng thế trận lòng dân trên biển. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua rất chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân các vùng ven biển và hải đảo, nhất là ở các vùng biển, đảo giữ vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên nguồn lao động trong vùng biển, đảo nước ta thường có trình độ dân trí tương đối thấp, chủ yếu lao động thủ công, dựa vào kinh nghiệm “cha truyền – con nối”, sự vận dụng những thành tựu khoa học – kỹ thuật và công nghệ trong các hoạt động dịch vụ trong vùng biển, đảo còn hạn chế, yếu kém, từ lĩnh vực thủy sản, đến du lịch đến các hoạt động dịch vụ yêu cầu có trình độ khoa học công nghệ cao như dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics… Để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của biển, đảo thì ngoài việc ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh, đặc biệt ở các đảo lớn xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ sản xuất của nhân dân đang sinh sống trên các đảo và quần đảo, thì việc đầu tư vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn lao động có tay nghề và trình độ khoa học – công nghệ hiện đại để áp dụng vào chuỗi giá trị trong nhiều lĩnh vực sản xuất hàng hóa, thủy sản và du lịch… Ở Thái Lan người Thái luôn có ý thức làm du lịch, rất hiếu khách, cởi mở, sẵn lòng giúp đỡ du khách đặc biệt là khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh rất tốt. Đến Thái Lan du khách quốc tế có cảm giác mình thực sự là khách, chứ không phải là người “xin” dịch vụ.
Thứ bảy, tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền và quản lý hiệu quả các hoạt động dịch vụ trong vùng biển đảo ở nước ta: Để phát huy hiệu quả việc khai thác các nguồn tài nguyên biển, đảo thì công tác tuyên truyền, quảng bá về biển, đảo giữ vai trò quan trọng. Kinh nghiệm ở một số quốc gia phát triển cho thấy việc quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm từ biển sẽ đem lại những giá trị vượt bậc đặc biệt là sản phẩm du lịch biển, như Thái Lan, Singapore, do đó chúng cần tăng cường công tác quảng bá, không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp quảng bá phù hợp với mọi đối tượng, sử dụng hiệu quả các phương tiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại cho công tác quảng bá.
Bên cạnh đó công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương; phải có sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương tới cơ sở về nội dung và phương pháp tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền phải đa dạng và phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế, lồng ghép chặt chẽ giữa các hoạt động đối ngoại, chính trị, kinh tế, quân sự, quốc phòng, nhằm làm chuyển biến ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, qua đó phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh trong và ngoài nước, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thứ tám, xây dựng thương hiệu về các sản phẩm dịch vụ: Sở dĩ ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia,… du lịch biển, đảo rất thu hút được du khách nhất là du khách Châu Âu, Châu Mỹ… bởi lẽ ở các quốc gia này không chỉ có chủ trương, chính sách phát triển phù hợp, khuyến khích được nhiều doanh nghiệp đầu tư mà còn có sự đầu tư tài chính rất lớn từ phía Chính phủ (năm 2012, Singgapore chi 300 triệu đô Sing để tổ chức các sự kiện du lịch, chi 340 triệu đô Sing phát triển các sản phẩm du lịch, chi 265 triệu đô Sing phát triển nguồn nhân lực du lịch, năm 2015, Singapore sẽ đầu tư cho Quỹ phát triển du lịch là 2 tỷ đô Sing); tạo điều kiện để quảng bá thương hiệu về các sản phẩm du lịch ra thế giới bằng nhiều kênh, kể cả ngay du khách có thể trở thành “sứ giả” quảng bá cho hình ảnh, sản phẩm du lịch của họ, chẳng hạn như các buổi diễn (show) nghệ thuật độc đáo, hay trò chơi cảm giác mạnh ở vịnh Pataya (Thái Lan), nghệ thuật nhạc nước ở Sentosa, các sự kiện du lịch biển (Singapore). Đầu tư xây dựng những sản phẩm như “Thiên đường cho dân lặn biển” ở đảo Tioman, “Thiên đường của dân phượt” Đảo Perhentian, “Thiên đường nghỉ dưỡng xa xỉ” ở quần đảo Langkawi của Malaysia.
Kinh tế dịch vụ luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân; thực tiễn đã chứng minh sự giàu có và thịnh vượng của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới phần lớn là phát triển kinh tế dịch vụ, mà trong đó có vai trò đặc biệt của các ngành kinh tế dịch vụ biển như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Singapor, Thái Lan, Malaysia, Hồng Kong…, kinh tế dịch vụ trong vùng biển, đảo là một lĩnh vực rộng lớn, phong phú, đa dạng và đem lại nhiều giá trị kinh tế vượt trội cho các quốc gia ven biển và đảo, các địa phương ven biển; nó góp giải quyết công ăn, việc làm cho một lượng lớn nguồn lao động, tăng thu nhập, giải quyết các vấn đề về tài nguyên, môi trường, sinh thái cho sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội.
Sau hơn 20 năm thành lập Bà Rịa – Vũng Tàu một địa phương ven biển với diện tích khiêm tốn, dân số trung bình, nhưng tỉnh đã tận dụng được nhiều lợi thế đặc biệt về biển, đảo đầu tư xây dựng và phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như khai thác khoáng sản, phát triển dịch vụ công nghiệp, dịch vụ dầu khí; dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics, phát triển du lịch và dịch vụ du lịch; dịch vụ hậu cần thủy sản…, và đến nay tỉnh đã có được những thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội so với nhiều địa phương khác trong cả nước thì những thành tựu đạt được chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Vì vậy để phát triển kinh tế – xã hội của Bà Rịa – Vũng Tàu được ổn định, bền vững thì phát triển kinh tế dịch vụ vẫn là con đường đúng đắn, nó không những phù hợp với điều kiện tự nhiên, những tiềm năng và lợi thế của địa phương mà còn phù hợp với xu hướng phát triển của các quốc gia có nền kinh tế gắn liền với biển, đảo.
Để lại một bình luận