Hiệp định thương mại tự do
Nhìn chung, các lý thuyết kinh tế quốc tế cho thấy rằng hội nhập kinh tế và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại lợi ích lâu dài về phúc lợi và hiệu quả hơn trong việc phân bổ nguồn lực. Mặt khác, những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra trong ngắn hạn khi các nhà sản xuất trong nước chưa sẵn sàng đối mặt với điều kiện cạnh tranh gay gắt. Salvatore (2007) đã đưa ra khái niệm tạo lập mậu dịch và chuyển hướng mậu dịch. Theo Salvatore thì tạo lập mậu dịch xảy ra khi sản xuất trong nước ở một quốc gia là thành viên của FTA được thay thế bằng việc sản xuất từ các nước thành viên khác trong khối có hiệu quả hơn. Điều này dẫn đến quá trình chuyên môn hoá hơn trong sản xuất và sự gia tăng phúc lợi của người tiêu dùng ở các quốc gia thành viên. Mặt khác, chuyển hướng mậu dịch xảy ra khi nhập khẩu từ các nước không phải là thành viên có chi phí thấp hơn bị thay thế bởi nhập khẩu từ các thành viên FTA có chi phí cao hơn.
Một số nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng cả FTA song phương và đa phương đều thúc đẩy tạo lập mậu dịch (Kimberly, 2001; Mitsuyo và Shujiro, 2015; Serrano và cộng sự, 2015. Kimberly (2001) đã xem xét mô hình thương mại có tính đến FTA Canada – Hoa Kỳ. Sự thay đổi trong phạm vi tự do hóa thuế quan theo thỏa thuận được sử dụng để xác định tác động của tự do hóa thuế quan đối với sự tăng trưởng thương mại với cả các quốc gia thành viên và các quốc gia không phải thành viên. Kết quả chỉ ra rằng FTA Canada – Hoa Kỳ có tác động tạo lập mậu dịch đáng kể , với rất ít bằng chứng về chuyển hướng mậu dịch. Sau đó là Mitsuyo và Shujiro (2015) đã nghiên cứu các FTA của Nhật Bản với Malaysia, Thái Lan và Indonesia có góp phần mở rộng thương mại song phương giữa Nhật B ản và các đối tác FTA của mình hay không? Kết quả phân tích cho thấy tác động tích cực đối với một số sản phẩm mà thuế quan được giảm theo các FTA. Đối với một số sản phẩm khác, không thấy được tác động tích cực này ngay cả khi thuế quan được giảm đáng kể theo các FTA. Điều này có thể do các doanh nghiệp còn thiếu kiến thức hiểu biết về các FTA, chi phí thực hiện FTA cao (chẳng hạn như chi phí cao để có được giấy chứng nhận xuất xứ),… Trong nghiên cứu của Serrano và cộng sự (2015) cũng chỉ ra rằng việc thực thi hiệp định thương mại giữa EU và Mexico có lợi cho dòng chảy thương mại hàng hóa mà mỗi khu vực thể hiện một lợi thế so sánh. Nghiên cứu cho thấy mở cửa thương mại trong toàn bộ ngành nông nghiệp sẽ cho phép cả hai bên đạt được tất cả các lợi ích có thể về hiệu quả.
Taguchi (2018) đã xem xét các hiệu ứng thương mại của các FTA Nam Á bao gồm các hiệp định thương mại khu vực và song phương tập trung vào Sri Lanka, bằng cách áp dụng mô hình thương mại trọng lực. Các hiệp định thương mại tự do đó là: Hiệp định thương mại tự do Nam Á (SAFTA), Hiệp định thương mại tự do Ân Độ-Sri Lanka (ISFTA) và Hiệp định thương mại tự do Pakistan-Sri Lanka (PSFTA). Kết quả ước tính của mô hình trọng lực cho thấy hiệu ứng tạo lập mậu dịch đã được xác định trong ISFTA, trong khi hiệu ứng này không xảy ra trong SAFTA, còn PSFTA chỉ có hiệu ứng tạo lập mậu dịch đối với hàng nhập khẩu của Sri Lanka. Những kết quả này dường như phản ánh sự khác biệt trong thuế suất ưu đãi và trong những vấn đề tiêu cực giữa từng FTA.
Ngược lại, một số nghiên cứu thực nghiệm lại cho thấy tác động hỗn hợp cũng như hiệu ứng chuyển hướng mậu dịch do kết quả của việc thành lập các FTA (Endoh, 1999; Kurz và cộng sự, 2008. Endoh (1999) nghiên cứu ba khu vực hội nhập thương mại, cụ thể là Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EE C), Hiệp hội Thương mại Tự do Mỹ Latinh (LAFTA) và Hội đồng Hỗ trợ Kinh tế lẫn nhau. Nghiên cứu này kết luận rằng EEC và LAFTA đã dẫn đến cả hai hiệu ứng là tạo lập mậu dịch và chuyển hướng mậu dịch, nhưng cả hai hiệu ứng này là tương đối nhỏ.
Sử dụng phương trình trọng lực và tập trung vào 8 FTA bao gồm 30 quốc gia chủ yếu ở châu Phi, Kurz và cộng sự (2008) nhận thấy rằng chỉ có 3 trong số 8 FTA dẫn đến hiệu ứng tạo lập mậu dịch.
Vì vậy, đứng trên phương diện lý thuyết, hiệp định thương mại tự do có thể có tác động tích cực hoặc tiêu cực hoặc tác động hỗn hợp đến thương mại của một quốc gia.
Để lại một bình luận