Cho đến nay, mặc dù có rất nhiều thuật ngữ sử dụng cho khái niệm TT logistics nhưng không có sự khác biệt quá nhiều về cách hiểu, trong đó các thuật ngữ được sử dụng nhiều nhất là: logistics centers, logistics and distribution center, freight village, distribution center, logistics park, logistics node, distripark,…. .
Cũng giống như khái niệm logistics, khái niệm TT logistics cũng có sự thay đổi và phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của thuật ngữ quản trị chuỗi cung ứng (SCM, Supply Chain Management).
Theo P.Barker thì “Trung tâm logistics là một dạng cấu trúc điểm đầu ra của chuỗi cung ứng (outbound supply chain, post manufacture), bao gồm các công đoạn như lưu kho hàng hóa, phân phối và cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng lưu kho bãi…”.
Hoặc theo J.W.Konings và D.A.Tsamboulas thì cho rằng “Trung tâm logistics là đầu mối kết hợp của các phương thức vận tải khác nhau, có chức năng gần giống như một Terminal của vận tải đa phương thức (VTĐPT), là thành tố then chốt của chuỗi VTĐPT, là dạng cấu trúc điểm vận tải (nodes) nơi diễn ra các hoạt động chuyển tải giữa các phương thức vận tải khác nhau”.
Hay theo quan điểm của A.Langevin và D.Riopel lại cho rằng “Trung tâm logistics là một điểm kết nối trong hệ thống mạng lưới logistics đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ luân chuyển hàng hóa, lưu kho bãi hàng hóa, xử lý hàng hóa, thu gom hàng hóa vận chuyển, tạo ra các đơn vị lưu kho hàng SKU (Stock keeping unit), xử lý các lô hàng vận chuyển, ….” [72, tr. 68). Hai tác giả đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa TT logistics và kho bãi hàng là TT logistics rất hạn chế lưu kho bãi hàng, thậm chí không có hàng lưu kho bãi, TT logistics có chức năng chủ yếu là phục vụ việc lưu chuyển của hàng hóa và các hoạt động khác liên quan đến hàng hóa lưu chuyển.
Tuy nhiên, khái niệm TT logistics được thừa nhận rộng rãi nhất và tương đối hoàn chỉnh là định nghĩa của Hiệp Hội trung tâm logistics Châu Âu Europlatforms (European Asociation of Freight Villages), mà theo Hiệp Hội này thì: “Trung tâm logistics là một khu vực thực hiện các hoạt động liên quan đến vận tải, logistics và phân phối hàng hóa nội địa cũng như quốc tế, được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau. Các chủ thể này có thể là người chủ sở hữu hàng hóa hoặc là người thuê sử dụng các cơ sở vật chất và trang thiết bị của trung tâm logistics như kho bãi, văn phòng, khu vực xếp dỡ hàng,…. Trung tâm logistics cần phải có và được trang bị các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động và dịch vụ của trung tâm, được kết nối với các phương thức vận tải khác nhau như đường sắt, đường ô tô, đường biển, đường sông và cả đường hàng không”.
Như vậy, theo quan điểm của tác giả, trung tâm logistics cảng biển là một khu vực riêng biệt được đặt gần cảng biển và được trang bị đầy đủ các cơ sở hạ tầng thiết bị tiện nghi cần thiết để thực hiện các hoạt động liên quan đến vận tải, logistics và phân phối hàng hóa (cả trong nước và quá cảnh quốc tế) từ cảng biển đến các khu vực lân cận thông qua vận chuyển đa phương thức. Để các hoạt động này được vận hành thông suốt, trung tâm logistics tốt nhất nên được trang bị các loại phương tiện vận tải khác nhau- đường sắt, đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không… Và điều quan trọng là trung tâm Logistics phải được điều hành bởi một cơ quan trung lập có thẩm quyền (tốt nhất là cơ quan hợp tác giữa nhà nước và tư nhân) nếu sự hợp tác về thương mại và điều phối được đảm bảo.
Khi các TT logistics kết hợp với nhau trong một khu vực địa lý nhất định thì tạo thành Khu trung tâm phân phối (Distripark). Khu này là một khu vực có diện tích lớn, hiện đại kết hợp với các trang thiết bị tương thích nhằm tạo ra các dịch vụ logistics có giá trị gia tăng trong các hoạt động khai thác phân phối và được kết nối trực tiếp với khu bãi container của cảng cùng với các trang thiết bị làm hàng đa phương thức để chuyển tải lô hàng, thu thập các thông tin mới nhất và ứng dụng công nghệ cao cho các hoạt động phục vụ lô hàng đó. Các TT logistics cảng biển điển hình có Rotterdam ở Hà Lan, Singapore, và Bremen ở Đức, ….. Với vị trí là điểm kết nối các loại phương tiện vận tải cùng với lực lượng lao động kỹ năng cao, cảng là địa điểm thích hợp nhất để xây dựng mô hình Khu trung tâm phân phối. Các lĩnh vực hoạt động của các TT logistics cảng biển có thể không giống nhau mà phụ thuộc vào mục tiêu và chiến lược phát triển của cảng đó (thể hiện ở bảng 1.1).
Như vậy, phát triển TT logistics cảng biển là một xu thế tất yếu của phát triển cảng theo xu hướng quốc tế hóa. Hầu như tất cả các cảng biển lớn trên thế giới đều phát triển TT logistics nhằm cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tốt hơn và góp phần làm tăng năng suất cũng như chất lượng dịch vụ tại cảng. Vì vậy, các cảng Việt Nam đặc biệt là các khu cảng mới đang quy hoạch xây dựng cần khẩn trương nghiên cứu phát triển hệ thống dịch vụ phục vụ cho mình nhằm đưa ra các phân tích và giải pháp tối ưu hỗ trợ cho quy hoạch xây dựng và khai thác các cảng này. Một cảng với vai trò TT logistics của vùng hay khu vực không chỉ cần một quy hoạch tối ưu về mặt bằng mà còn cần một chiến lược thu hút hàng hóa dịch vụ qua cảng hiệu quả.
Để lại một bình luận