Vai trò cơ bản của TT logistics là giảm thời gian chu chuyển của hàng hóa trong chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cũng như hoàn thiện chất lượng dịch vụ logistics. Do đó, hoạt động TT logistics cần đạt được các yêu cầu cơ bản đối với khách hàng sử dụng dịch vụ trung tâm logistics như: Tối ưu hoá mức dự trữ; Đảm bảo chất lượng cao dịch vụ khách hàng; Tối thiểu thời gian lưu chuyển của hàng hoá; Giảm chi phí logistics tới mức tối ưu. Bên cạnh đó, trung tâm logistics cũng thể hiện các vai trò về kinh tế-xã hội như sau:
Vai trò đối với cảng
Sự thay đổi vai trò của cảng: từ việc cung cấp các dịch vụ truyền thống đến các dịch vụ logistics giá trị gia tăng
Thành công của cảng biển có thể đạt được từ lợi thế sản xuất trong các dịch vụ làm hàng truyền thống, từ dịch vụ giá trị gia tăng hoặc từ sự kết hợp cả hai. Lợi thế sản xuất chủ yếu đến từ tính kinh tế của quy mô và phạm vi; những cảng năng lực sản xuất tốt nhất là những nơi được trang bị để xếp dỡ khối lượng hàng hóa lớn và giảm chi phí làm hàng bằng hệ thống quản lý hiệu quả.
Chủ hàng và người chuyên chở lựa chọn cảng không chỉ dựa vào năng lực xếp dỡ hàng hóa mà còn phụ thuộc vào những tiện ích mà cảng có thể cung cấp. Trừ phi một cảng có thể cung cấp những tiện ích vượt trội về mặt chức năng so với đối thủ, khách hàng có xu hướng chọn cảng theo giá cả. Thực tế này đặt ra một câu hỏi là làm thế nào để một cảng có thể có được lợi thế về tính đa dạng dịch vụ.
Cuối thập kỷ 80, những thay đổi lớn bắt đầu diễn ra. Khách hàng bắt đầu đòi hỏi cảng trong việc cung cấp ngày càng nhiều các loại dịch vụ. Cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng là cách hiệu quả để xây dựng các lợi thế cạnh tranh cho cảng. Khách hàng ngày nay xem các dịch vụ logistics giá trị gia tăng như một phần tất yếu trong chuỗi cung ứng của họ. Do đó, cảng phải nỗ lực thoả mãn những yêu cầu này bằng cách thực hiện hàng loạt dịch vụ khác biệt. Điều này cũng đồng thời đặt ra những thách thức cho công tác quản lý cảng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các cảng thành công nhất không chỉ có năng suất xếp dỡ cao nhất mà còn phải thực hiện được các dịch vụ giá trị gia tăng tốt nhất. Các cảng chỉ cung cấp các dịch vụ truyền thống (góc trái bên dưới ma trận hình 1.3) để tăng cường lợi thế cạnh tranh chỉ có hai con đường: một là theo đuổi lợi thế về năng suất làm hàng hoặc theo đuổi các dịch vụ làm gia tăng giá trị.
Có thể thấy rằng chức năng xếp dỡ là chức năng truyền thống của cảng, có thể đây là nguyên nhân khiến các cảng tại một số nước đang phát triển chỉ tập trung vào việc tăng năng suất xếp dỡ. Tuy nhiên, trong tương lai, sẽ chỉ có một bộ phận nhỏ cảng có thể tiếp tục tồn tại như vậy. Ngược lại, chiếm ưu thế sẽ là các cảng dịch vụ chất lượng cao – có cả lợi thế năng suất và lợi thế dịch vụ giá trị gia tăng.
Hình 1.3 Ma trận lợi thế cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ cảng
Vai trò của việc thiết lập trung tâm logistics cảng biển đối với cảng bao gồm:
Trung tâm logistics cảng giúp cho việc kết nối phương tiện đến cảng tốt hơn, có nhiệm vụ đưa ra nhiều phương án kết nối phương tiện tốt hơn để xây dựng kế hoạch giải phóng phương tiện có lợi nhất; là người kết nối với chủ hàng, làm tăng hiệu quả làm việc của các forwarder trong hệ thống dịch vụ logistics và làm tăng tính linh hoạt của các phương án;
Trung tâm logistics có vai trò đề xuất ra các phương án IT (công nghệ thông tin) cho cảng. Với các cảng lớn có vai trò là các trung tâm phân phối hàng, các phương án IT rất quan trọng trong việc lập kế hoạch, triển khai và kiểm soát dòng vận tải hàng, dòng hàng vào kho và các dòng thủ tục khác;
Việc sử dụng hệ thống IT của cảng thường phụ thuộc vào trình độ công nghệ xử lý hàng tại khu trong cảng và khu sau cảng.
Trung tâm logistics cảng giúp tạo lập được các dòng vận tải mới, cung cấp dịch vụ phức hợp có chất lượng cao, năng lực và chất lượng phục vụ tăng sẽ có ảnh hưởng tích cực tới tất cả các bên liên quan như forwarders, người vận chuyển, bảo hiểm…
Ngoài ra, TT logistics còn thực hiện các nhiệm vụ khác như quản trị chuỗi cung ứng, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và giảm chi phí cho khách hàng, tăng tính kinh tế vì quy mô, tăng chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả của quá trình quản lý, tăng hiệu ứng marketing cho các công ty hợp tác với cảng và cuối cùng là cung ứng các dịch vụ logistics bên thứ 3.
Cả doanh nghiệp logistics và các hãng tàu đều thống nhất rằng các dịch vụ giá trị gia tăng trong TT logistics cảng biển là rất quan trọng trong quản lý chuỗi cung ứng và điều này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai. Các dịch vụ logistics giá trị gia tăng bao gồm nhiều chức năng hơn hẳn so với các dịch vụ truyền thống. Trong nhiều trường hợp, các dịch vụ chứa đựng toàn bộ hoặc một phần dịch vụ bên thứ 3 nào (third-party logistics provider) như quản lý tồn kho, kiểm duyệt, dán nhãn, đóng gói, mã vạch, rút hàng và logistics ngược
…Áp lực của dịch vụ giá trị gia tăng lên chuỗi logistics đã làm tăng nhu cầu thiết lập TT logistics phía sau khu vực cảng biển.
Vai trò đối với hệ thống vận tải quốc gia
Hệ thống vận tải quốc gia là một tập thể các phương tiện và các hoạt động của tất cả các mắt xích của vận tải, chúng hình thành đồng bộ với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Thành phần chính của hệ thống vận tải là mạng đường vận tải và khối lượng hàng hóa được dịch chuyển trên mạng đường đó.
Trong hệ thống vận tải, cảng biển được coi là những điểm nút của vận tải bởi vì chạy qua đây ít nhất là hai tuyến đường vận tải hoạt động ở hai môi trường khác nhau. Cảng biển không phải là điểm đầu hoặc kết thúc của quá trình vận tải mà là điểm luân chuyển hàng hóa và hành khách từ các phương tiện vận tải đường biển sang các phương tiện vận tải còn lại và ngược lại. Do đó nó là những điểm nối các ngành kinh tế và là cửa ngõ của một đất nước, một quốc gia, trong đó TT logistics là các điểm cung ứng giá trị gia tăng cho hàng hóa thông qua các cảng biển đó, đẩy mạnh buôn bán và giao dịch với các quốc gia khác. Nhờ sự có mặt của các loại hình dịch vụ trong TT logistics mà cảng biển được kết nối với hệ thống vận tải quốc gia chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn.
Để lại một bình luận