4.2.1.1. Đổi mới mô hình
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về quản lý thuế TNCN đối với người Việt Nam tại Tp.HCM giai đoạn 2010-2018, NCS đề xuất đổi mới mô hình quản lý thuế TNCN ở Tp.HCM trong giai đoạn 2018-2025 chuyển từ mô hình tâm lý hành vi tâm lý phổ biến sang mô hình tự tuân thủ theo các bước như sau:
(1) Thực hiện mô hình quản lý thuế TNCN theo hướng kết hợp mô hình tâm lý hành vi phổ biến và mô hình tuân thủ;
(2) Từng bước chuyển hoàn toàn sang quản lý thuế TNCN theo mô hình tuân thủ.
Việc triển khai mô hình quản lý thuế TNCN được thực hiện đồng bộ với việc đổi mới phân cấp quản lý thuế giữa cơ quan thuế các cấp theo hướng:
– Tổng cục Thuế thực hiện chức năng nghiên cứu xây dựng chính sách, tham mưu cho Bộ Tài chính các nội dung quản lý thuế TNCN.
– Cục Thuế tập trung tổ chức thực hiện các nội dung quản lý thuế TNCN, chú trọng hỗ trợ phục vụ NNT hoàn thành nghĩa vụ thuế TNCN. Do đặc thù thuế TNCN gắn với đối tượng NNT có thu nhập từ ổn định (lương, thưởng) tới thu nhập cao (tự kinh doanh, kinh doanh qua mạng Internet, kinh doanh công nghệ), các đối tượng này chủ yếu tập trung tại hai thành phố lớn là Tp.HCM và Hà Nội. Do đó, nguồn nhân lực cho công tác thu thuế TNCN chỉ nên tập trung tại hai thành phố này. Đối với các tỉnh thành khác có thể chia đôi, ví dụ từ thành phố Đà Nẵng ra Bắc sẽ thuộc phạm vi của Cục thuế Hà Nội, còn lại do Cục thuế Tp.HCM giải quyết. Giải pháp này sẽ phát huy tối đa hiệu quả khi phối kết hợp với giải pháp về công nghệ thông tin cho NNT và giải pháp về công nghệ thông tin cho công chức thuế sẽ được trình bày ở phần sau. Ưu điểm của việc kết hợp các giải pháp là sẽ giúp xử lý công việc hiệu quả hơn, và cắt giảm bớt việc dàn trải nguồn nhân lực trong nội bộ địa bàn (cấp chi cục) cũng như giữa các tỉnh khi mà khối lượng công việc tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn.
Xây dựng và đưa vào vận hành các Trung tâm xử lý dữ liệu tập trung tại 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh nhằm tập trung cơ sở dữ liệu, thống nhất trong toàn ngành.
4.2.1.2. Sự cần thiết chuyển đổi mô hình
1) Xuất phát từ ưu thế của mô hình tự tuân thủ
Nền tảng của mô hình tự tuân thủ được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu hành vi tuân thủ của NNT. Hành vi tuân thủ của NNT không phải là hành vi bất biến, không thể tác động mà hành vi này chịu tác động của các yếu tố trong môi trường và các yếu tố bên trong bản thân NNT. Việc hiểu rõ các yếu tố này giúp cơ quan thuế tác động đến hành vi tuân thủ thuế của NNT mà không nhất thiết phải thay đổi luật hay xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, việc này sẽ tiết kiệm, hiệu quả và nâng cao năng lực quản lý của cơ quan thuế.
2) Do đòi hỏi của hội nhập kinh tế quốc tế
Hội nhập kinh tế quốc tế mang đến một sự thay đổi nhanh về công nghệ và cũng có thể mang lại những nguồn thu thuế TNCN lớn hơn. Tuy nhiên, đòi hỏi đối với công tác quản lý thuế sẽ phức tạp hơn vì nguồn thu thuế không cố định tại các doanh nghiệp, mà là từng cá nhân NNT. Điều này đặt ra thách thức đối với cơ quan thuế là phải quản lý từng NNT, phải hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, chứ không đơn thuần phụ thuộc vào công tác kế toán của các doanh nghiệp để thu các nguồn thuế TNCN từ tiền lương, tiền công như trước đây. Để quản lý từng NNT, cơ quan thuế cần phải thay đổi cách quản lý, phải tiến hành các giải pháp CNTT nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn và kết nối với nhiều cơ quan quản lý khác thì mới đáp ứng được đòi hỏi của hội nhập kinh tế quốc tế trong thời kỳ mới.
3) Xuất phát từ thực tiễn quản lý thuế TNCN tại Tp. HCM
Thực tiễn quản lý thuế TNCN đã chỉ ra khả năng thất thu các nguồn thu thuế từ các cá nhân kinh doanh qua mạng. Đó là 13.400 trường hợp cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN đã được cơ quan thuế xác định, tuy nhiên không tự nguyện tự giác thực hiện nghĩa vụ khi được cơ quan thuế mời lên làm việc. Đó là việc trốn thuế của cá nhân kinh doanh mỹ phẩm qua mạng với số tiền truy thu thuế TNCN và phạt là hơn 9 tỷ đồng. Thực tiễn quản lý thuế TNCN tại Tp. HCM đã và đang đặt ra những bài toán vĩ mô và vi mô cho công tác quản lý thuế. Do đó, việc hiểu các mô hình quản lý thuế TNCN để vận dụng là rất cần thiết.
Để lại một bình luận