Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thuế được quy định xuất phát từ việc thực hiện mô hình quản lý thuế theo cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế. Để thực hiện được cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế, cơ quan thuế phải thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật thuế để người nộp thuế hiểu biết pháp luật, nhận thức được nghĩa vụ trách nhiệm trước pháp luật thuế để nâng cao tính tuân thủ. Bên cạnh đó, thực hiện tuyên truyền, giáo dục để người nộp thuế hiểu rõ tính chính xác, công bằng và khách quan của chính sách và pháp luật thuế TNCN, trên cơ sở đó, thuyết phục người nộp thuế hiểu, tự giác thực hiện và tin tưởng vào hệ thống chính sách, pháp luật thuế TNCN của nhà nước.
Để xây dựng ý thức tự tuân thủ, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thuế cần được đổi mới trên cơ sở thực hiện các biện pháp như sau:
(1) Trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế; căn cứ các hành vi tuân thủ pháp luật thuế TNCN, cơ quan thuế cần phân loại NNT thành các đối tượng khác nhau tương ứng, bao gồm:
(i) Nhóm các đối tượng nộp thuế tuân thủ tuyệt đối;
(ii) Nhóm các đối tượng nộp thuế cố gắng tuân thủ;
(iii) Nhóm các đối tượng nộp thuế sẽ tuân thủ nếu bị nhắc nhở;
(iv) Nhóm các đối tượng không muốn tuân thủ
Trên cơ sở các nhóm đối tượng quản lý, cơ quan thuế có kế hoạch cụ thể để tuyên truyền, giáo dục thuyết phục và hỗ trợ phù hợp với nhóm các đối tượng. Trên cơ sở kế hoạch, cơ quan thuế cần đặt mục tiêu tăng dần đối tượng tự tuân thủ và giảm đối tượng không tuân thủ. Mục tiêu hoàn thành khi các nhóm đối tượng đều được xếp loại vào nhóm (i).
(2) Đổi mới nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuế TNCN nhằm khơi dậy niềm vinh hạnh của mỗi công dân khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế TNCN cho xã hội.
Về cấp độ nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuế, bao gồm hai cấp độ:
(I) Tuyên truyền phổ biến pháp luật thuế:
Tuyên truyền, giáo dục về sự cần thiết, mục đích, bản chất, vai trò của thuế TNCN; các lợi ích xã hội có được do sử dụng tiền thuế TNCN; nội dung chính sách, pháp luật về thuế, bao gồm: Đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, mức nộp thuế, cách tính thuế và phương pháp tính thuế. Trên sở tuyên truyền chính sách và pháp luật thuế TNCN mà NNT tự nhận biết thu nhập nhận của mình có thuộc đối tượng nộp thuế TNCN không? Cách tính thuế như thế nào? Từ đó, NNT có thể tự tính số thuế phải nộp, xem xét và so sánh gánh nặng thuế của từng loại thu nhập để xác định trách nhiệm nộp thuế.
(II) Truyên truyền phổ biến về nghĩa vụ nộp thuế:
Tuyên truyền phổ biến về nghĩa vụ, trách nhiệm của người nộp thuế và cơ quan thuế và các tổ chức cá nhân liên quan trong việc thu nộp thuế; phổ biến các thủ tục về thuế, những quy định xử phạt vi phạm pháp luật thuế. Trên cơ sở đó, NNT tự nhận biết nghĩa vụ và trách nhiệm nộp thuế của mình đối với Nhà nước và xã hội. NNT cũng có thể được giải thích và nhận được những thông tin về các chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuế, từ đó nâng cao ý thức tự tuân thủ của mình.
Đồng thời với tuyên truyền pháp luật, cơ quan thuế cần thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại với NNT, thông qua đó tuyên dương, khen thưởng người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật thuế, đồng thời phê phán các hành vi vi phạm pháp luật thuế TNCN, các hiện tượng trốn, lậu thuế đã bị xử phạt để răn đe, ngăn ngừa các hiện tượng không tuân thủ pháp luật.
Nếu chỉ tuyên truyền và phổ biến cho NNT ở cấp độ (I) thì công tác quản lý chưa đạt mục tiêu. Vì vậy, chỉ khi người nộp thuế hiểu rõ những nội dung ở cấp độ (II) và xây dựng được cho mình ý thức tự tuân thủ, tự kê khai, tự nộp thuế thì công tác quản lý thuế mới đạt hiệu quả.
(3) Đổi mới hình thức truyên truyền, phổ biến pháp luật thuế:
Bên cạnh các hình thức tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật thuế TNCN mang tính tuyền thống, như: Xuất bản các ấn phẩm về thuế (tờ rơi, cuốn sổ tay, ấn phẩm khác để phát miễn phí cho người nộp thuế); Tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh, đài truyền hình, các trang thông tin điện tử) nhằm nâng cao nhận thức của NNT và giúp NNT nắm bắt những nội dung thiết yếu của pháp luật thuế, cơ quan thuế cần áp dụng các hình thức tuyên truyền khác như:
– Xây dựng các chương trình học tập, bồi dưỡng về pháp luật thuế TNCN trong các trường học (kể cả cấp độ tiểu học, mẫu giáo), trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các xã, phường nhằm tăng cường hiểu biết về thuế TNCN trongtất cả các đối tượng xã hội từ đó giáo dục tâm lý tự tuân thủ. Đây là hình thức tuyên truyền, giáo dục phổ biến nhưng có hiệu quả lâu dài. Tuy nhiên, hình thức này đòi hỏi sự thống nhất và phối hợp của nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan.
– Đổi mới các khẩu hiệu tuyên truyền, các áp phích quảng bá về thuế TNCN cho phù hợp.
Chẳng hạn: các khẩu hiệu nộp thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân có thể thay bằng mỗi công dân tự nguyện nộp thuế vì sự phồn vinh của đất nước, vì tương lai của con cháu chúng ta.
(4) Đổi mới phương pháp và phương thức thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuế
– Xây dựng các phần mềm có liên quan đến pháp luật thuế TNCN để NNT có thể tiếp cận từ các phương tiện: cổng thông tin điện tử cơ quan thuế, các websiter, điện thoại di động, các trang mạng xã hội một cách đơn giản, dể hiểu, mang tính thực dụng để NNT có thể tiếp cận mọi nơi, mọi lúc. NNT có thể tra cứu thông tin về thuế TNCN, có thể kê khai và có thể nộp thuế TNCN từ tài khoản cá nhân cho cơ quan thuế thuận tiện như các khaonr thanh toán hoặc mua hành trên mạng.
– Xây dựng cơ sở dữ liệu, sổ tay câu hỏi, trả lời các vướng mắc thường gặp đối với thuế TNCN và đăng tải trên trang thông tin điện tử ngành thuế, đồng thời làm tài liệu phục vụ cho việc hỗ trợ NNT tại các trung tâm trả lời điện thoại, hoặc qua mạng xã hội như Facebook, Zalo;
Để lại một bình luận