Đổi mới công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế theo hướng tự tuân thủ.
Các biện pháp cụ thể như sau:
(1) Cơ quan thuế thường xuyên thông tin cho NNT biết những giao dịch phát sinh nghĩa vụ thuế TNCN và nợ đọng như một cách thức đôn đốc, nhắc nhở về ý thức tự tuân thủ của NNT.
(2) Giao chỉ tiêu thu nợ cho từng Phòng liên quan và từng Chi cục Thuế; thực hiện giám sát, đôn đốc các đơn vị triển khai công tác thu nợ đúng quy trình, quy định nhằm đảm bảo thực hiện chỉ tiêu giảm nợ thuế cuối các năm không vượt quá chỉ tiêu thu nợ đã đạt được trong năm trước đó.
(3) Triển khai đồng bộ các giải pháp: thực hiện ban hành 100% thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp; rà soát 100% các khoản nợ thuế, phân loại nợ thuế, thường xuyên đối chiếu nợ nhằm xác định đúng số nợ. Công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thông báo những NNT cố tình dây dưa nợ thuế, nợ thuế lớn, thời gian nợ thuế kéo dài.
(4) Hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục giải quyết các hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ thuế và gia hạn nộp thuế của NNT theo đúng quy định.
(5) Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân Quận, Huyện, các Sở, Ban, ngành liên quan trong việc đôn đốc thu, cưỡng chế nợ thuế và các khoản thu liên quan đến đất theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật để thu hồi nợ thuế.
Những đề xuất của NCS trên đây có điểm khác biệt so với những giải pháp đã và đang thực hiện ở chỗ:
Một là, mô hình tuân thủ chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục nhưng không nhất thiết phải nặng nề. Ví dụ như khi Microsoft lần đầu phát hành sản phẩm phần mềm của hãng cũng phải mất hơn 10 năm trang bị kiến thức cho người tiêu dùng hiểu về sản phẩm của hãng. Khi người tiêu dùng đã có kiến thức về sản phẩm họ sẽ không mất thời gian để tiếp tục sử dụng những sản phẩm nâng cấp sau này của hãng, và hãng cũng không cần phải tiến hành những chương trình quảng cáo tốn kém nữa mà vẫn nắm trọn trái tim người tiêu dùng. Trong trường hợp nghiên cứu, kiến thức về thuế TNCN không phải bất kỳ NNT nào cũng tự biết và được trang bị đầy đủ, do đó Nhà nước cần thông qua những kênh tuyên truyền, sử dụng sức mạnh của cách mạng công nghệ để trang bị kiến thức cho NNT, giúp họ nắm bắt được đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về thuế TNCN. Sau này, khi chính sách có sự thay đổi NNT có thể tự cập nhật, như vậy chính sách sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống hơn. Hai là, không phải cứ chuyển đổi mô hình quản lý thuế là phải thay đổi chính sách mới. Điều quan trọng là phải thay đổi tư duy của những người quản lý. NCS cho rằng nền tảng chính sách pháp luật về thuế TNCN hiện nay về cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý chung. Tuy nhiên, người quản lý cần thay đổi tư duy để có thể tạo ra những thay đổi tích cực hơn. Ví dụ, cũng là kinh doanh dịch vụ vận tải như Vinasun (taxi truyền thống) và Grab (taxi công nghệ) thì rõ ràng cũng là kinh doanh taxi, cũng xe hơi, cũng tài xế. Tuy nhiên, tư duy quản lý đổi mới của Grab đã tạo nên sức mạnh chiếm lĩnh trái tim người tiêu dùng Việt Nam. Do đó, NCS cho rằng giải pháp tốt nhất là thay đổi tư duy của cán bộ quản lý thuế, cán bộ mới là người tạo ra cuộc cách mạng thật sự, cuôc cách mạng chiếm lấy lòng tin và sự hài lòng của NNT. Cán bộ thuế không phải là người phục vụ chính sách thuế đơn thuần, chính sách thuế có thể chưa tốt thì có thể sửa, có thể điều chỉnh chứ NNT không hài lòng thì mức độ tuân thủ sẽ
thấp.
Để lại một bình luận