1. Phương pháp nghiên cứu định tính
Trên cơ sở tổng kết lý thuyết về quản lý thuế TNCN, các mô hình quản lý thuế TNCN trên thế giới, từ đó NCS tìm mô hình quản lý thuế TNCN phù hợp ở Việt Nam. Tiếp đến là thông qua phương pháp tổng hợp, phân tích, thống kê, mô tả, phân tích tình huống quản lý điển hình nhằm đánh giá thực trạng quản lý thuế TNCN tại Tp.HCM, từ đó đưa ra đánh giá chung về thực trạng quản lý thuế TNCN tại Tp.HCM trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Phương pháp nghiên cứu định lượng
Luận án sử dụng phương pháp khảo sát nhằm thu thập số liệu và kiểm định mô hình lý thuyết mà luận án đề xuất. Cụ thể: Luận án tổng kết lý thuyết về quản lý hành vi tuân thủ thuế TNCN của NNT từ đó đề xuất mô hình nghiên cứu (mô hình cần kiểm định), xây dựng thiết kế nghiên cứu (gồm: quy trình nghiên cứu, thang đo, đánh giá sơ bộ thang đo, nghiên cứu chính thức) và phân tích kết quả khảo sát (kiểm định thang đo bằng mô hình đo lường – confirm factory analysis (CFA), kiểm định mô hình lý thuyết và giả thuyết bằng mô hình cấu trúc – structural equation modelling (SEM).
2.1 Mẫu nghiên cứu định lượng
Nghiên cứu sơ bộ định tính được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn sâu những người trong độ tuổi lao động và có phát sinh thu nhập chịu thuế (cá nhân kinh doanh, giảng viên chuyên ngành thuế, cán bộ thuế). Trên cơ sở nghiên cứu sơ bộ, NCS thiết kế bảng câu hỏi gồm 31 câu hỏi với 7 mức độ đánh giá.
NCS sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện để thu thập dữ liệu từ NNT thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp. Số lượng mẫu điều tra được xác định bằng công thức: N >= 5*x (x: tổng số biến quan sát hay là tổng số câu hỏi), hoặc N >= 10*x do NCS sử dụng phương pháp phân tích nhân tố EFA nên yêu cầu kích thước mẫu lớn [92]. Áp dụng công thức này, với tổng số câu hỏi là 31 câu hỏi, như vậy kích thước mẫu tối thiểu cần đạt là 155 và kích thước mẫu tối đa khuyến khích thu thập là 310.
2.2 Thang đo nghiên cứu định lượng
NCS sử dụng thang đo Likert trong luận văn này. Thang đo Likert là loại thang đo trong đó “một chuỗi các phát biểu liên quan đến thái độ trong câu hỏi được nêu ra và người trả lời sẽ chọn một trong các trả lời đó. Thang đo Likert thường được dùng để đo lường một tập các phát biểu của một khái niệm. Đây là thang đo phổ biến nhất trong đo lường các khái niệm nghiên cứu trong ngành quản lý kinh tế.
2.3 Kiểm định thang đo bằng CFA
NCS kiểm định mô hình đề nghị bằng phương pháp phân tích nhân tố khẳng định CFA thông qua phần mềm phân tích cấu trúc tuyến tính AMOS. Lý do luận án lựa chọn phương này là: phương pháp CFA trong phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính có nhiều ưu điểm cho phép NCS kiểm định cấu trúc lý thuyết của các thang đo lường như mối quan hệ giữa một khái niệm nghiên cứu với các khái niệm khác mà không bị chệch do sai số đo lường. Đồng thời, NCS có thể kiểm định giá trị hội tụ và giá trị phân biệt của thang đo mà không cần dùng nhiều nghiên cứu như trong các phương pháp truyền thống. Phương pháp này còn cho phép NCS kết hợp được các khái niệm tiềm ẩn với đo lường của chúng và có thể xem xét các đo lường độc lập hay kết hợp chung với mô hình lý thuyết cùng một lúc.
2.4 Kiểm định mô hình lý thuyết và giả thuyết bằng mô hình cấu trúc SEM
Luận án sử dụng mô hình cấu trúc SEM cho phép NCS tiến hành các công việc như: kiểm định các giả thuyết về các quan hệ nhân quả có phù hợp với dữ liệu thực nghiệm hay không; kiểm định khẳng định các quan hệ giữa các biến; kiểm định các quan hệ giữa các biến quan sát và không quan sát (biến tiềm ẩn).
Bên cạnh đó, mô hình cấu trúc SEM cung cấp các công cụ có giá trị về thống kê, khi dùng thông tin đo lường để hiệu chuẩn các quan hệ giả thuyết giữa các biến tiềm ẩn; giúp giả thuyết các mô hình, kiểm định thống kê chúng; giúp giải quyết một số lượng lớn các biến quan sát và tiềm ẩn, các phần dư và sai số.
Để lại một bình luận