a) Khái niệm:
Theo cách hiểu thông thường, quản lý là hoạt động nhằm tác động một cách có tổ chức và có định hướng của chủ thể quản lý vào một đối tượng nhất định để điều chỉnh các quá trình xã hội và hành vi của con người nhằm duy trì tính ổn định và phát triển của đối tượng theo những mục tiêu đã định.
Quản lý nhà nước xuất hiện cùng với sự xuất hiện của nhà nước, là quản lý công việc của nhà nước. Trong hoạt động quản lý xã hội có nhiều chủ thể tham gia: các đảng phái chính trị, nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội…, trong đó nhà nước giữ vai trò quan trọng. Nhà nước là trung tâm của hệ thống chính trị, là công cụ quan trọng để quản lý xã hội. Quản lý nhà nước là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước do các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành đối với tất cả mọi cá nhân và tổ chức trong xã hội, trên tất cả các mặt của đời sống xã hội bằng sử dụng quyền lực nhà nước có tính cưỡng chế đơn phương nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích của cả cộng đồng.
Quản lý thuế là một dạng của quản lý xã hội kể từ khi có Nhà nước và gắn với quyền lực Nhà nước. Quản lý thuế trước hết và quan trọng nhất thuộc trách nhiệm của Nhà nước cho nên người ta thường quan niệm quản lý thuế là quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuế.
Trong giáo trình Tài chính công do tác giả Dương Thị Bình Minh (chủ biên), các tác giả cho rằng: “Quản lý thuế là những biện pháp nghiệp vụ do cơ quan có chức năng thu NSNN thực hiện. Đặt ra thuế là đặc quyền thuộc Nhà nước. Lập kế hoạch thu, tổ chức thu thuế, kiểm tra, thanh tra và xử phạt thuế đương nhiên là những nghiệp vụ nội hàm đặc quyền đó”.
Trong giáo trình Quản lý thuế do tác giả Lê Xuân Trường (chủ biên), các tác giả định nghĩa quản lý thuế là “một lĩnh vực quản lý chuyên ngành thuộc quản lý hành chính nhà nước” và dẫn giải “quản lý hành chính là sự tác động của cơ quan hành chính nhà nước vào con người hoặc các mối quan hệ xã hội để đạt được các mục tiêu của chính phủ”.
Tác giả Lý Phương Duyên cho rằng khái niệm về quản lý thuế TNCN không nằm ngoài khái niệm chung về quản lý thuế, tuy nhiên mục tiêu của quản lý thuế TNCN chỉ là một bộ phận và có phần hẹp hơn so với mục tiêu chung của công tác quản lý thuế.
Tác giả Nguyễn Hoàng cho rằng quản lý thuế TNCN gắn với công tác quản lý nhà nước: “quản lý Nhà nước đối với thuế TNCN là quá trình tác động có mục đích, có ý thức của Nhà nước vào việc huy động các nguồn thu từ thuế TNCN tập trung vào NSNN thông qua các văn bản pháp lý, các phương pháp và các tổ chức, các cơ quan chức năng nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội.”
Từ những định nghĩa của các tác giả, NCS nhận thấy có thể hiểu khái niệm quản lý thuế theo nghĩa rộng (gắn với quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế, trong đó có thuế TNCN) và cũng có thể hiểu quản lý thuế trong phạm vi hẹp (quản lý thuế TNCN của cơ quan quản lý thuế trực tiếp).
Từ cách tiếp cận trên, có thể hiểu khái quát quản lý thuế TNCN theo nghĩa rộng, đó là tổng thể các phương thức tác động của nhà nước đến quá trình huy động tập trung nguồn thu dưới hình thức thuế TNCN cho nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu của cộng đồng xã hội.
Cách tiếp cận quản lý thuế TNCN theo nghĩa hẹp có thể hiểu quản lý thuế TNCN là quá trình tác động của cơ quan thuế trên cơ sở sử dụng các công cụ và chức năng của quản lý thuế đến NNT nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của NNT.
b) Các yếu tố của quản lý thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
– Chủ thể quản lý: chủ thể chung là Nhà nước bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước các cấp
– Đối tượng quản lý: Các tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện pháp luật thuế TNCN
– Khách thể quản lý: Chịu sự tác động hay điều chỉnh của chủ thể quản lý, bao gồm:
+ Các quá trình kinh tế – xã hội và hoạt động kinh tế tạo ra thu nhập của cá nhân;
+ Các khoản thu nhập chịu thuế của cá nhân, gồm các loại thu nhập từ kinh doanh; từ tiền lương, tiền công; đầu tư vốn; chuyển nhượng vốn; chuyển nhượng bất động sản; trúng thưởng; bản quyền; nhượng quyền thương mại; nhận thừa kế; quà tặng;
+ Các hành vi của NNT.
Quá trình tác động của cơ quan quản lý thuế nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của NNT là quá trình tổ chức thực hiện các chức năng quản lý thuế như tuyên truyền thuế, hỗ trợ NNT, quản lý kê khai thuế, kế toán thuế, thanh tra thuế, kiểm tra thuế, đôn đốc thu nộp và quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế. Quá trình tác động của cơ quan quản lý thuế đến NNT là nhằm quản lý, điều chỉnh hành vi tuân thủ của NNT theo đúng mục tiêu quản lý thuế.
– Các công cụ hoặc phương thức quản lý: đó là tác nhân tạo ra các tác động quản lý đến các đối tượng và khách thể quản lý theo những nguyên tắc nhất định.
– Mục tiêu quản lý thuế TNCN: là sự tuân thủ pháp luật thuế nhằm đảm bảo nguồn thu cho Nhà nước từ thuế để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
c) Vai trò của quản lý thuế thu nhập cá nhân.
– Quản lý thuế TNCN có vai trò quyết định trong việc đảm bảo nguồn thu từ thuế TNCN được tập trung, chính xác, kịp thời, thường xuyên, ổn định cho NSNN. Thông qua việc lựa chọn áp dụng các biện pháp quản lý thuế TNCN có hiệu quả, cũng như xây dựng và áp dụng quy trình, thủ tục về thuế TNCN hợp lý, cơ quan thuế đảm bảo thu thuế TNCN đúng luật, đầy đủ và kịp thời vào NSNN.
– Quản lý thuế TNCN góp phần hoàn thiện chính sách và pháp luật thuế TNCN. Những điểm còn bất cập trong chính sách thuế TNCN và khiếm khuyết trong các luật thuế TNCN được phát hiện trong quá trình áp dụng luật thuế TNCN vào thực tiễn và qua hoạt động quản lý thuế TNCN. Trên cơ sở đó cơ quan điều hành thực hiện pháp luật đề xuất bổ sung, sửa đổi các luật thuế TNCN.
– Quản lý thuế TNCN giúp Nhà nước thực hiện kiểm soát và điều tiết các hoạt động kinh tế của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Theo quy định của pháp luật thuế TNCN, NNT có trách nhiệm phải kê khai thuế TNCN. Nội dung kê khai thuế TNCN là kê khai các hoạt động kinh tế có liên quan đến việc tính toán nghĩa vụ thuế của NNT, tức là phải kê khai các hoạt động kinh tế phát sinh, các giao dịch kinh doanh của NNT. Trên cơ sở kê khai của NNT, cơ quan thuế tổ chức thu thập, nắm bắt, lưu giữ thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của NNT, tổ chức kiểm tra, thanh tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh của NNT để kiểm soát và điều tiết các hoạt động kinh tế trong xã hội.
– Nâng cao mặt bằng nhận thức của NNT và cả một bộ phận công chức ngành thuế về vai trò của thuế TNCN đối với đời sống kinh tế – xã hội của đất nước.
Để lại một bình luận