Số lượng thành viên tham gia thị trường tăng lên qua các năm, đặc biệt là ở thị trường liên ngân hàng và thị trường mở với sự tham gia của hầu hết các loại hình TCTD từ NHTM nhà nước, các NHTM cổ phần và ngân hàng nước ngoài đến các công ty tài chính, bảo hiểm. Hiện chỉ có thị trường mua bán trái phiếu/tín phiếu Chính phủ là hạn chế đối tượng tham gia thị trường (phải đáp ứng các điều kiện cụ thể do NHNN xem xét, quyết định). Thị trường này cũng bị các TCTD chi phối bởi (TCTD nắm trên 50% lượng trái phiếu Chính phủ phát hành).
Tính đến nay, TTTT Việt Nam đã có hơn 110 TCTD được phép tham gia bao gồm các NHTM Việt Nam, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô (tuy nhiên, hiện nay chưa có sự tham gia của loại hình tổ chức này); trong đó các NHTM là thành viên hoạt động chủ yếu, chiếm trên 85% doanh số giao dịch của thị trường.
Năng lực của các tổ chức trung gian tài chính tham gia thị trường ngày càng tăng, hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường tiền tệ
Năng lực của các thành viên cũng được củng cố thông qua quá trình cơ cấu lại giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020.
Số lượng các TCTD có quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém giảm dần từ cuối năm 2011. Tính đến 31/12/2015, số lượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm 20 tổ chức so với năm 2011 thông qua các hình thức sáp nhập, hợp nhất, mua lại, chấm dứt hoạt động.Số lượng NHTM cổ phần tư nhân có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2006-2010 nhưng đã giảm dần trong giai đoạn 2011-2016, từng bước có sự lựa chọn, loại bỏ các NHTM yếu kém. Tái cơ cấu các ngân hàng đã được thực thi một cách cẩn trọng, gắn liền với các quy định tạm dừng hoặc kiểm soát chặt chẽ việc mở rộng mạng lưới. Đã có 7 NHTM cổ phần thực hiện việc sáp nhập vào các NHTM cổ phần khác, 3 NHTM cổ phần được NHNN mua lại với giá 0 đồng, và không có thêm NHTM mới nào được thành lập trong giai đoạn này. Việc mở rộng mạng lưới, chi nhánh các ngân hàng cũng bị giới hạn theo Thông tư số 21/2013/TT-NHNN ngày 9/9/2013. Trong giai đoạn 2011-2015, số lượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm 20 tổ chức.
Năng lực tài chính của hệ thống các TCTD đã được cải thiện rõ rệt với sự tăng trưởng liên tục cả về vốn và tài sản. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cả về vốn và tài sản của các TCTD giai đoạn này so với giai đoạn trước đã có xu hướng chậm lại, tốc độ tăng vốn bình quân chỉ đạt dưới 10%/năm, và tốc độ tăng trưởng tài sản đạt bình quân 11,2% ở nhóm NHTM nhà nước và 8,64% ở nhóm NHTM cổ phần. Tốc độ tăng trưởng giảm trong giai đoạn này một mặt do tác động của bối cảnh kinh tế suy giảm dẫn đến các TCTD gặp khó khăn trong hoạt động, mặt khác phản ánh đúng xu hướng tái cấu trúc tập trung vào xử lý các TCTD yếu kém và nâng cao chất lượng vốn và tài sản của các ngân hàng.
Tình hình thanh khoản của hệ thống được ổn định và củng cố. Các chỉ số phản ánh khả năng chi trả của các TCTD đều được cải thiện, cụ thể từ 2011-2016: tỷ lệ an toàn vốn lần lượt trong các năm là: 12,9%, 13,75%, 13,25%, 12,75%, 13% và 12,84%, luôn đạt cao hơn mức quy định là không dưới 9%. Tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1 (là thị trường cho vay, gửi tiền giữa NHTM với các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế) giảm dần từ 102,36% năm 2011 xuống còn 95,02% năm 2016; hầu hết các TCTD đều đáp ứng đầy đủ yêu cầu về khả năng chi trả theo quy định.
Chất lượng tài sản của các TCTD đã từng bước được lành mạnh hóa thông qua việc quyết liệt xử lý nợ xấu. Nhiều biện pháp đã được sử dụng như yêu cầu TCTD tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu thông qua sử dụng trích lập dự phòng rủi ro, chuyển nợ thành vốn góp, đôn đốc thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo; thành lập Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và tiến hành mua lại nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Đồng thời, hệ thống ngân hàng cũng quyết tâm thực hiện có lộ trình chuẩn mực mới, chặt chẽ hơn về phân loại tài sản, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro (theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN và Thông tư số 09/2014/TT-NHNN); thanh tra, kiểm toán độc lập về chất lượng tín dụng đối với các NHTM theo chuẩn mực phân loại nợ mới để đánh giá chính xác hơn nợ xấu và có giải pháp xử lý phù hợp. Nhờ đó, nợ xấu đã được kiềm chế và xử lý một khối lượng đáng kể, đồng thời cũng được nhận diện chính xác và kiểm soát tốt hơn.Đến cuối tháng 12/2015, hệ thống TCTD đã xử lý được số nợ xấu lớn hơn số nợ xấu của các TCTD ước tính tại thời điểm cuối tháng 9/2012 và chất lượng tín dụng được cải thiện. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu năm 2015 chỉ còn khoảng 2,55% và 2016 còn 2,46% (tỷ lệ nợ xấu ước tính tháng 9/2012 là 17,2%).
Để lại một bình luận