Quan điểm, định hướng phát triển TTTT Việt Nam được đề cập tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, như sau: TTTT cần được xây dựng và phát triển hài hòa, cân đối với các thị trường chứng khoán và bảo hiểm; Nhà nước can thiệp chủ yếu bằng công cụ thị trường; Nhà nước chỉ can thiệp hành chính trực tiếp trên TTTT và hoạt động ngân hàng khi phát sinh nguy cơ mất ổn định TTTT, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng, có khả năng đe dọa đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong phạm vi nghiên cứu, 04 quan điểm phát triển TTTT Việt Nam đến năm 2030 như sau:
Một là, phát triển TTTT là một quá trình lâu dài, không thể nôn nóng và đốt cháy giai đoạn. Việc phát triển TTTT cần được vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước, song song với việc thiết lập đầy đủ môi trường thể chế cho thị trường phát triển, như khuôn khổ pháp lý, nền tảng kinh tế và sự phát triển của các thị trường hỗ trợ.
Hai là, cần đảm bảo nguyên tắc thị trường trong quá trình quản lý, điều tiết và phát triển TTTT. Theo đó, lãi suất trên TTTT phải phản ánh đúng cung cầu vốn của thị trường, phản ánh giá cả của hàng hóa, công cụ trên TTTT.
Ba là, phát triển TTTT trong mối liên thông, liên kết chặt chẽ với thị trường tài chính quốc tế, đảm bảo hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến của thị trường tài chính quốc tế tới thị trường trong nước; từng bước áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế cho hoạt động của TTTT.
Bốn là, phát triển TTTT cần được triển khai đồng bộ với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại hệ thống tài chính mà đặc biệt là hệ thống các TCTD. Theo đó, việc phát triển TTTT và cơ cấu lại hệ thống các TCTD có mối quan hệ qua lại, tác động tương hỗ. Việc củng cố, nâng cao năng lực hoạt động và năng lực tài chính của các TCTD sẽ góp phần nâng cao năng lực của các NHTM – là thành viên chính trên thị trường liên ngân hàng, gia tăng niềm tin của công chúng và nhà đầu tư đối với hoạt động của các NHTM này, góp phần khơi thông nguồn vốn, tạo sự phát triển ổn định, hạn chế rủi ro cho hoạt động của TTTT.
Theo đó, các định hướng lớn trong phát triển TTTT Việt Nam đến năm 2030 được xác định như sau:
Một là, phát triển đồng bộ các thị trường bộ phận như thị trường liên ngân hàng không có bảo đảm (cho vay, gửi tiền không có thế chấp), thị trường liên ngân hàng có bảo đảm bằng GTCG (Repo) hoặc đảm bảo bằng các hình thức khác (ngoại tệ đối ứng…), thị trường ngoại hối, thị trường đấu thầu tín phiếu Kho bạc và các công cụ tài chính khác giao dịch trên thị trường như chứng chỉ tiền gửi, thương phiếu, thị trường phái sinh; đa dạng hóa các công cụ, hàng hóa tiền tệ trên thị trường. Ưu tiên tập trung phát triển TTTT liên ngân hàng.
Hai là, phát triển TTTT trong mối quan hệ tương tác chặt chẽ với TTCK, thị trường bảo hiểm và các thị trường tài chính khác.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động của TTTT theo hướng nâng cao vai trò của NHNN trong quản lý, điều tiết, giám sát và phát triển TTTT trọng tâm là cơ chế lãi suất.
Bốn là, nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia thị trường; đặc biệt là các NHTM gắn với bối cảnh thực hiện quá trình cơ cấu lại giai đoạn hai 2016-2020 và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Để lại một bình luận