Cùng với hình thức vay, mượn truyền thống với hình thức giao dịch giao ngay đã có thêm nhiều hình thức giao dịch khác trên TTTT Việt Nam như: các giao dịch mua bán có kỳ hạn; hợp đồng mua lại (Repo) và nhiều nghiệp vụ phái sinh khác (như hoán đổi ngoại tệ, lãi suất, giao dịch kỳ hạn, giao dịch quyền chọn…). Như vậy, các nghiệp vụ cơ bản của TTTT trên thế giới cũng đã được áp dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, hình thức giao dịch giao ngay chiếm phần lớn tỷ trong giao dịch trên TTTT (hơn ¾ tổng khối lượng giao dịch). Các giao dịch phải sinh khác chưa thực sự phổ biến, chỉ chiếm gần ¼ khối lượng giao dịch.
Cụ thể tình hình phát triển của từng hàng hóa đã và đang giao dịch trên TTTT Việt Nam như sau:
(1) Về hợp đồng mua lại (Repo): Hiện nay, nhu cầu giao dịch trên thị trường là rất lớn nhưng cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn chưa đáp ứng kịp(chưa xây dựng được thông lệ thị trường, chưa thống nhất được hợp đồng GMRA chuẩn, chưa có hệ thống ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát chuyên nghiệp,…). Đối tượng tham gia thị trường còn hạn chế, chỉ dừng lại ở các TCTD; đồng thời hàng hóa giao dịch cũng chỉ là trái phiếu Chính phủ.
(2) Về chứng chỉ tiền gửi (CDs): Cả sản phẩm lẫn đối tượng tham gia thị trường vẫn còn ở mức độ sơ khai do sản phẩm có tính thanh khoản thấp, kém hấp dẫn (hiện mới chỉ có các công ty chứng khoán, NHTM, tổ chức tài chính, doanh nghiệp tham gia thị trường). Mặt khác, thông lệ thị trường gần như chưa được hình thành.
(3) Về các sản phẩm phái sinh:
Nhu cầu giao dịch thị trường đối với các giao dịch hợp đồng tương lai, giao dịch quyền chọn, giao dịch hoán đổi ngày càng lớn. Tuy nhiên, tương tự như giao dịch hợp đồng mua lại Repo, cơ sở hạ tầng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp với sự phát triển của thị trường (chưa xây dựng thông lệ thị trường, chưa có công ty xếp hạng tín nhiệm, Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn hạch toán đối với doanh nghiệp, chưa thống nhất áp dụng được hợp đồng phái sinh ISDA chuẩn…). Mặt khác, hành lang pháp lý cho hoạt động của các giao dịch cũng như này cũng một số sản phẩm phái sinh khác chưa hoàn thiện. Hiện mới ban hành các văn bản pháp lý về giao dịch quyền chọn lãi suất và mua bán ngoại tệ, chưa có các quy phạm pháp quy đối với các sản phẩm quyền chọn khác. Do đó, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về các sản phẩm phái sinh nhằm tạo điều kiện cho TCTD đa dạng và phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính cho khách hàng.
(4) Về cửa sổ chiết khấu/tái chiết khấu/OMO: Cơ sở pháp lý cho công cụ này khá đầy đủ; đồng thời, cơ sở hạ tầng thanh toán và công nghệ thông tin đã được xây dựng và hình thành hỗ trợ tốt cho giao dịch, thu thập thông tin để phục vụ cho việc ra quyết định điều hành về CSTT.
(5) Về thị trường GTCG: so với các quốc gia có TTTT phát triển, thị trường GTCG ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Đối với các giao dịch mua bán trái phiếu/tín phiếu Chính phủ, mặc dù hành lang pháp lý cho hoạt động của thị trường đã được tạo lập khá đầy đủ; đồng thời, hạ tầng cơ sở, hạ tầng thanh toán và công nghệ thông tin cũng đã được tạo lập hỗ trợ tốt cho giao dịch; tuy nhiên, đối tượng tham gia thị trường còn hạn chế và bị chi phối bởi các TCTD (TCTD nắm trên 50% lượng trái phiếu Chính phủ phát hành). Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu hệ thống quy định, điều kiện để xét duyệt và phê chuẩn danh sách các nhà tự doanh (primary dealers) trên thị trường; sự liên thông về thông tin và cơ chế phối hợp điều hành chính sách giữa NHNN và Bộ Tài chính trong điều hành thị trường vẫn cần tiếp tục cập nhật, nâng cấp.
Thị trường giao dịch trái phiếu chính quyền địa phương còn sơ khai và tính thanh khoản thấp; hầu hết các giao dịch nếu có được thực hiện giữa các TCTD hoặc các công ty bảo hiểm, chưa có sự tham gia mở rộng của các thành viên khác trên thị trường.
Hàng hóa trên thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp/Trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh còn nghèo nàn và tính thanh khoản thấp. Theo đó, hàng hóa có khả giao dịch nhiều trên thị trường là trái phiếu VAMC (tuy nhiên cần nhiều quy định pháp quy ban hành trong thời gian tới). Hệ thống văn bản quy phạm pháp quy còn chưa đầy đủ, đồng bộ. Đặc biệt, việc thiếu hệ thống thông tin về phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp và công ty xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp cản trở rất lớn cho sự phát triển của hàng hóa, công cụ này.
Nhu cầu thị trường đối với các giao dịch thương phiếu (CPs) cũng khá lớn, tuy nhiên các văn bản quy phạm pháp quy còn tiếp tục cần được bổ sung, hoàn thiện. Hạ tầng cơ sở cho các giao dịch này cũng chưa đáp ứng kịp (chưa xây dựng được thông lệ thị trường, chưa có công ty xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp,…).
Các sản phẩm khác như chấp phiếu ngân hàng (BAs), Chứng chỉ quỹ trên TTTT vẫn còn là lĩnh vực còn mới tại Việt Nam,giao dịch không lớn như quy mô tiềm năng (so với kim ngạch xuất khẩu). Theo đó, các văn bản quy phạm pháp quy cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện; đặc biệt cần nhanh chóng xây dựng thông lệ thị trường và hình thành công ty xếp hạng doanh nghiệp tạo điều kiện cho thị trường phát triển.
Tóm lại, có thể thấy, các công cụ, hàng hóa giao dịch trên TTTT Việt Nam cho đến nay đã khá phong phú, tuy nhiên, một số hàng hóa và công cụ mặc dù đã xuất hiện nhưng chưa phổ biến, phần nào làm hạn chế tính đa dạng của TTTT Việt Nam. Hiện tại công cụ tài chính được giao dịch trên thị trường chủ yếu là tín phiếu Kho bạc có kỳ hạn 364 ngày. Điều này cho thấy hàng hóa trên TTTT Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu vốn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước. Hơn nữa, mặc dù đã có Luật các công cụ chuyển nhượng nhưng những GTCG như chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu chưa trở thành công cụ giao dịch trên thị trường vì nhiều lý do như đã phân tích ở trên, trong đó có nguyên nhân khó xác định được chất lượng và độ rủi ro ở các GTCG do các doanh nghiệp phát hành do thiếu những tổ chức định mức tín nhiệm đáng tin cậy. Mặt khác, các GTCG loại này không được phát hành theo chuẩn mực quốc tế khiến cho giao dịch trên thị trường không được chuẩn hóa mất nhiều thời gian và chi phí để tính toán lợi tức hay chiết khấu. Các hợp đồng mua lại Repo (mua bán GTCG có kỳ hạn) được coi là có vị trí quan trọng trong thị trường cho vay có bảo đảm. Tuy nhiên, thị trường mua lại ở Việt Nam chưa phát triển trong khi trên thế giới thị trường này hoạt động rất sôi động và có xu thế chiếm tỷ trọng rất lớn. Nguyên nhân xuất phát từ việc chưa có một mẫu hợp đồng chuẩn thống nhất áp dụng cho các giao dịch loại này, khiến cho thị trường thứ cấp của các loại GTCG không có điều kiện phát triển. Hợp đồng mua lại Repo mà các ngân hàng đang áp dụng hiện nay là do các ngân hàng tự xây dựng theo cách tự thỏa thuận với nhau và có tham khảo một số nội dung trong hợp đồng mẫu của Hiệp hội ngân hàng chứ không sử dụng hoàn toàn mẫu hợp đồng này do có quá nhiều điểm phức tạp, không phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Để lại một bình luận