Thị trường tín phiếu Kho bạc nhà nước là kênh huy động vốn với chi phí thấp cho ngân sách nhà nước bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1995. Đặc biệt, từ tháng 7/2000 thị trường tín phiếu Kho bạc, cùng với tín phiếu NHNN, đã trở thành nguồn cung cấp hàng hoá chủ yếu cho nghiệp vụ thị trường mở. NHNN tham gia thị trường với tư cách đại lý phát hành cho Kho bạc Nhà nước trong việc tổ chức đấu thầu tín phiếu Kho bạc Nhà nước.
Đối tượng tham gia thị trường này là các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam bao gồm: (i) Các NHTM, Ngân hàng phát triển, ngân hàng đầu tư, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các loại hình ngân hàng khác hoạt động theo Luật Các TCTD; và: (ii) Các công ty tài chính, công ty bảo hiểm, quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam. Các thành viên tham gia này phải đáp ứng các điều kiện quy định và phải được NHNN xem xét, công nhận thành viên.
Mặc dù có nhiều thành viên trên thị trường, số lượng thành viên thực sự tham gia đấu thầu và thắng thầu thường rất ít. Mỗi phiên giao dịch chỉ có từ 1 đến 5 thành viên, chủ yếu là những thành viên có vốn lớn như các NHTM nhà nước, tham gia. Các NHTM cổ phần, các tổ chức tài chính có vốn nhỏ và lãi suất huy động cao thường khó có khả năng tiếp cận với loại đầu tư này và do vậy, hạn chế khả năng quản lý dòng tiền và việc đảm bảo tính thanh khoản của các định chế này.
Ngoài ra, kỳ hạn của tín phiếu Kho bạc chưa thực sự đa dạng và đa số có kỳ hạn gần 1 năm. Điều này làm hạn chế khả năng mua vào của các NHTM do tín phiếu Kho bạc được các NHTM coi là một loại chứng khoán ngắn hạn đầu tư để đảm bảo tính khả dụng mà vẫn tối đa được hiệu quả sử dụng vốn.Theo đó, kỳ hạn gần 1 năm với các NHTM là quá dài, đặc biệt trong điều kiện thị trường thứ cấp cho tín phiếu Kho bạc lại chưa phát triển.
Thị trường các giấy tờ có giá ngắn hạn khác:
Bên cạnh thị trường tín phiếu Kho bạc, còn có thị trường mua bán lại các GTCG ngắn hạn khác, cụ thể là mua bán GTCG giữa các định chế tài chính với nhau và giữa các định chế tài chính với khách hàng. Tuy nhiên, hàng hóa trên thị trường còn ít, kém đa dạng. Thương phiếu chưa được sử dụng do cho đến nay khung pháp lý về công cụ này chưa được hoàn tất. Một số ngân hàng có phát hành kỳ phiếu để huy động tiết kiệm ngắn hạn, nhưng chủ yếu là kỳ phiếu ghi danh nên không trao đổi được. Tín phiếu Kho bạc Nhà nước và tín phiếu NHNN được các NHTM sử dụng để giao dịch với NHNN chứ không được trao đổi giữa các TCTD.
Tóm lại, thị trường GTCG ở Việt Nam chưa thực sự phát triển. Hàng hóa giao dịch còn kém đa dạng, chủ yếu vẫn là thị trường đấu thầu tín phiếu, trái phiếu Kho bạc. Kỳ hạn giao dịch của tín phiếu Kho bạc chưa thực sự hấp dẫn các NHTM đầu tư do thiếu tính đa dạng và đa số có kỳ hạn gần 1 năm. Phương thức giao dịch repo – công cụ hữu ích trên TTTT của các nước phát triển còn hạn chế. Ngoài ra, thị trường có những điều kiện nhất định để trở thành thanh viên (do NHNN trực tiếp xem xét) nên số thành viên thực sự tham gia giao dịch và số thành viên tham gia mỗi phiên giao dịch còn khiêm tốn, làm hạn chế sự phát triển của thị trường.
Thị trường tín dụng ngắn hạn
Thị trường tín dụng ngắn hạn đã có những bước tiến đáng kể, quy mô giao dịch (huy động vốn và cho vay) ngày càng tăng qua các năm, tác động tích cực tới phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam.
Xét về mặt quy mô tài sản, khu vực ngân hàng (hệ thống các tổ chức tín dụng
– TCTD) vẫn đang giữ vị trí trụ cột trong hệ thống tài chính khi chiếm tới 96,2% tổng tài sản trong hệ thống tài chính; trong khi thị trường chứng khoán và bảo hiểm chỉ chiếm dưới 4% (bảo hiểm là 2,8% và công ty chứng khoán và quản lý quỹ là 1%).Đến cuối năm 2017, tổng tài sản có của các TCTD tương đương khoảng 184% GDP, lớn gấp hơn 12 lần so với tổng tài sản có của các tổ chức tài chính không phải TCTD.
Tín dụng ngân hàng vẫn tiếp tục là nguồn cung vốn chủ yếu của nền kinh tế. Tính đến tháng 6/2018, tổng dư nợ của hệ thống TCTD đối với nền kinh tế đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng. Độ sâu hệ thống tài chính Việt Nam đã liên tục tăng lên, tuy nhiên, trong cơ cấu vốn cung cấp từ tín dụng ngân hàng và thị trường chứng khoán thì tín dụng ngân hàng vẫn chiếm vị trí đa số. Mặc dù tỷ lệ này có xu hướng giảm dần cùng với quá trình phát triển hướng đến sự cân đối hơn trong cơ cấu của hệ thống tài chính, nhưng đến tháng 6/2018, vốn tín dụng ngân hàng vẫn chiếm đến 75% vốn của hệ thống tài chính cung ứng cho nền kinh tế (tương đương khoảng 135% GDP), giá trị vốn hóa từ thị trường chứng khoán chiếm khoảng 25% (tương đương khoảng 34%GDP).
Nếu so với giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn 2011-2016, đã giảm so với giai đoạn trước, tuy nhiên, đã có sự phù hợp giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tín dụng tăng chậm lại như vậy vì hai lý do chính: Thứ nhất, việc giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng từ hệ thống TCTD là cần thiết và cũng là hiện tượng có tính quy luật trong giai đoạn tái cơ cấu ở hầu hết các hệ thống ngân hàng trên thế giới; Thứ hai, cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm lại là do kinh tế trì trệ, sức cầu của nền kinh tế yếu. Từ năm 2013, cùng với những nỗ lực của ngành ngân hàng và xu hướng khôi phục của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã dần tăng lên từ 8,85% năm 2011 lên 12,52% năm 2013, 14,16% năm 2014, 30,2% năm 2015; 17,9% năm
2016 và 19,26% năm 2017.
Để lại một bình luận