Kinh nghiệm của Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan đều khẳng định NHTW đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, giám sát, vận hành và phát triển TTTT. Sự phát triển của TTTT hỗ trợ tích cực cho hoạt động điều hành CSTT ở mỗi quốc gia. Để thực hiện điều này, NHTW các nước thường thực hiện đồng thời ba giải pháp chính là:
Một là, xây dựng khung pháp lý cho hoạt động của TTTT và điều chỉnh hoạt động các thành viên tham gia:
NHTW là cơ quan đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng và thực thi các quy phạm pháp luật điều hành TTTT; qua đó tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, vừa tạo động lực thúc đẩy các tổ chức tài chính phát triển, vừa hướng đến xây dựng một TTTT lành mạnh, ổn định. Các quy định về điều kiện tham gia thị trường, rút khỏi thị trường, quản lý rủi ro, quản lý công bố thông tin, các quy định về phát hành các sản phẩm mới TTTT cần được quan tâm, chú trọng và xây dựng một cách chặt chẽ.
Việc thiết lập một rào cản giữa TTTT và thị trường vốn thông qua việc hạn chế các tổ chức tài chính phi ngân hàng như các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm tham gia thị trường cũng là cần thiết nhằm ngăn chặn các rủi ro từ thị trường vốn có thể lan sang TTTT (kinh nghiệm của Trung Quốc).
Hai là, theo dõi, giám sát và điều hành TTTT; đồng thời trực tiếp can thiệp vào thị trường:
Kinh nghiệm của các quốc gia nghiên cứu cho thấy công cụ chủ yếu để tiến hành điều tiết trực tiếp trên TTTT là (i) tổ chức thực hiện nghiệp vụ thị trường mở;
(ii) áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Các công cụ thường trực kháccũng như các chính sách tái cấp vốn, tái chiết khấu chỉ được sử dụng xen kẽ trong những trường hợp buộc phải can thiệp bằng công cụ hành chính mệnh lệnh (như giai đoạn khủng hoảng tài chính 2007-2008).
Việc thành lập Hiệp hội các tổ chức đầu tư trên thị trường tài chính, thiết lập các hiệp định về hợp đồng giao dịch kỳ hạn, về các công cụ phái sinh… là các biện pháp mang tính huy động sức mạnh tập thể từ các tổ chức tham gia thị trường để hình thành nên các quy tắc thị trường tự vận hành. Thông qua hoạt động của NAFMII, Trung Quốc cho thấy những nỗ lực gia tăng khả năng tự quản lý rủi ro của cá tổ chức tham gia, cũng như từng bước thiết lập các quy tắc hoạt động mang tính tự điều tiết trên thị trường. Trong bối cảnh tự do hóa thị trường tài chính, hội nhập quốc tế, việc thành lập các tổ chức mang tính thị trường tự quản lý như vậy là cần thiết.
Ba là, xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ hoạt động của thị trường:
Ở tất cả các quốc gia, hệ thống thanh toán đóng vai trò quan trọng thực hiện việc quyết toán cho hầu hết các giao dịch thanh toán trên TTTT, đặc biệt là giao dịch liên ngân hàng của các thành viên tham gia thị trường tài chính. Theo đó, hệ thống thanh toán giá trị cao ở các nước phát triển (như Mỹ) đều được đầu tư là hệ thống quyết toán tổng tức thời (RTGS). Thành viên tham gia hệ thống là các tổ chức được mở tài khoản tại NHTW và giao dịch thanh toán qua NHTW, gồm có: các ngân hàng (cả trong nước và ngoài nước), Kho Bạc nhà nước, các tổ chức bù trừ và quyết toán, một số tổ chức phi ngân hàng như công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm…
Các hệ thống thanh toán bù trừ và quyết toán chứng khoán đều được kết nối với hệ thống thanh toán giá trị cao của NHTW để thực hiện việc quyết toán nghĩa vụ bằng tiền của các thành viên giao dịch qua hệ thống tại NHTW trong khoảng thời gian t ngày T+1 đến T+3.
Để lại một bình luận