Giai đoạn thị trường chưa phát triển (Giai đoạn 0)
Tại giai đoạn này, không có hoạt động CSTT mà chỉ có hoạt động quản lý tiền tệ do chưa có sự tồn tại hoạt động của các ngân hàng. Theo đó, sau khi hệ thống pháp luật và các quy định điều tiết an toàn đã được dự thảo, các NHTM mới được cấp phép hoạt động. Cơ quan quản lý tiền tệ (NHTW) có thể bắt đầu áp dụng công cụ dự trữ bắt buộc nhưng hiệu quả còn chưa cao vì tiền gửi trong các ngân hàng còn hạn chế và hầu hết các giao dịch vẫn được thực hiện bằng tiền mặt. Do đó, việc điều hành CSTT trong giai đoạn TTTT chưa phát triển chỉ giới hạn trong việc quản lý tiền tệ.
Giai đoạn phát triển các trung gian tài chính trên thị trường (Giai đoạn 1)
Tại giai đoạn này, vai trò của các NHTM được tang cường thông quan phát triển chức năng tín dụng. NHTW cũng tăng cường việc cận vốn tín dụng từ NHTW cho các NHTM (như cơ chế tái cấp vốn của NHTW hỗ trợ cho các khu vực ưu tiên, hoặc việc bơm thanh khoản vào hệ thống qua việc NHTW cấp tín dụng cho Chính phủ…). Cơ sở hạ tầng thanh toán cũng được xây dựng và chú trọng phát triển để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp sử dụng hệ thống ngân hàng, thực hiện các giao dịch thanh toán. Tuy nhiên, TTTT còn phát triển hạn chế do NHTW giai đoạn này phải hỗ trợ nhiều cho Chính phủ, do vậy, sự ổn định tiền tệ sẽ phụ thuộc vào việc thiết lập được ranh giới giữa tài trợ Chính phủ và việc tạo tiền.
Giai đoạn phát triển thị trường liên ngân hàng (giai đoạn 2)
Sau giai đoạn 1, khi chức năng tín dụng của các ngân hàng được mở rộng, hoạt động liên ngân hàng có thể phát triển. Ở giai đoạn này, NHTW bắt đầu điều hành CSTT thông qua việc quản lý thanh khoản của hệ thống. Khi thiếu một TTTT phát triển và thông tin giá cả đáng tin cậy, NHTW sẽ dựa vào các biến khối lượng (như tổng phương tiện thanh toán, tín dụng hay các thành phần khác trong bảng cân đối của NHTW) làm chỉ tiêu hay mục tiêu trung gian cho CSTT. Theo đó, khi thị trường liên ngân hàng đã phát triển sâu hơn, NHTW có thể dần chuyển từ việc sử dụng các công cụ mang tính hành chính quy định sang các công cụ mang tính thị trường.
Tuy nhiên, sự quan tâm của NHTW đối với các mức lãi suất trên thị trường không đồng nghĩa với việc NHTW quá quan tâm đến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất thị trường liên ngân hàng nên được phép biến động trong một hành lang được tạo ra từ khoảng cách lãi suất thường trực tái cấp vốn và lãi suất tiền gửi, tạo sự linh hoạt cho lãi suất thị trường liên ngân hàng và tạo động lực cho các ngân hàng giao dịch với nhau trên thị trường liên ngân hàng thay vì tìm đến NHTW để vay vốn. Nếu không tạo được động lực này thì chắc chắn sẽ không tạo ra được một TTTT năng động, tích cực.
Trong giai đoạn này, việc lựa chọn giữa việc sử dụng thị trường trái phiếu Chính phủ hay tín phiếu của NHTW để thực thi CSTT là vấn đề của từng quốc gia, bao gồm cả việc quốc gia đó đã sẵn có một thị trường trái phiếu Chính phủ hay chưa, mức độ tín nhiệm Chính phủ đã tốt đủ để cho phép phát triển thị trường này và mối quan hệ giữa Chính phủ và NHTW được phát triển tốt như thế nào. Trong trường hợp mà cả 2 công cụ này đều đã tồn tại, việc Bộ Tài chính và NHTW không cạnh tranh trên cùng một phần của đường cong lãi suất là đặc biệt quan trọng; theo đó, NHTW nên tập trung vào phần lãi suất ngắn hạn trong khi Chính phủ sẽ có xu hướng vay mượn ở phân khúc dài hạn.
Giai đoạn đa dạng hóa các công cụ tài chính
Giai đoạn này tập trung phát triển đa dạng hóa các công cụ tài chính, hàng hóa trên thị trường để tạo tiền đề cho TTTT phát triển gắn kết tốt với với khu vực khác của thị trường tài chính (trong đó bao gồm thị trường trái phiếu Chính phủ, thị trường ngoại hối…).
Ở giai đoạn này, NHTW có thể lựa chọn giá làm mục tiêu hoạt động cho CSTT do các biến khối lượng chắc chắn sẽ không còn đáng tin cậy để dẫn dắt CSTT vì tính phức tạp của thị trường ngày càng tăng; đồng thời thông tin giá cả từ thị trường trở nên đáng tin cậy hơn. Theo đó, NHTW cần dựa vào lãi suất để làm mục tiêu trung gian của CSTT; đồng thời sử dụng linh hoạt thị trường mở (OMO) thông qua việc tăng cường các hoạt động mua bán chứng khoán trên thị trường thứ cấp, mua bán chứng khoán theo hợp đồng mua lại trên thị trường repo, hay hoán đổi ngoại tệ trong đó có các giao dịch giao ngay và kỳ hạn. Hoạt động thị trường mở cho phép NHTW hoạt động với cả các đối tác ngân hàng và phi ngân hàng, làm tăng tính thanh khoản của hệ thống.
Để lại một bình luận