Cơ chế quản lý, giám sát hiệu quả nhằm quản trị rủi ro, duy trì kỷ luật thị trường.
Thông thường, NHTW là cơ quan thực hiện việc quản lý, điều tiết và giám sát hoạt động và sự phát triển của TTTT. Theo đó, cơ quan này thực hiện nhiệm vụ thông qua việc:
(i) Ban hành các văn bản pháp luật, các quy tắc, luật lệ cho hoạt động của thị trường, bao gồm: các quy định, thể lệ, quy tắc chung; những quy định pháp lý liên quan đến thành viên tham gia thị trường, công cụ tài chính giao dịch trên thị trường; giải quyết tranh chấp khi phát sinh và những quy định liên quan đến những nội dung mà các thanh viên của thị trường không được thực hiện.
(ii) Kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ quy định của các thành viên trên thị trường: Căn cứ vào các quy định đã ban hành, NHTW thực hiện việc giám sát hoạt động của các thanh viên tham gia thị trường và có những biện pháp xử lý kịp thời đối với các thành viên vi phạm.
(iii) Thành lập các định chế tài chính chủ yếu hoạt động trên TTTT (như các nhà kinh doanh chuyên nghiệp, các nhà môi giới tiền tệ).
(iv) Quyết định can thiệp thị trường khi thấy cần thiết (quản lý thanh khoản với vai trò người cho vay cuối cùng và quản lý lãi suất), tránh xảy ra đổ vỡ và duy trì hoạt động thị trường ổn định, an toàn: Để nắm bắt được thực trạng hoạt động và sự phát triển của TTTT phục vụ cho điều hành CSTT và kiểm soát thị trường, NHTW phải tiến hành thu thập, phân tích thông tin của thị trường để đưa ra quyết định can thiệp (nếu thấy cần thiết) và đưa ra các dự báo về diễn biến của thị trường trong tương lai. Thông tin thu thập có thể bao gồm:
– Thông tin về tình hình biến động vốn khả dụng của hệ thống.
– Thông tin về tình hình biến động của các loại lãi suất thị trường, đặc biệt là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
– Những thông tin chính trị, kinh tế-xã hội nhạy cảm với thị trường tài chính- tiền tệ.
Cơ sở hạ tầng cho phát triển thị trường
Cơ sở hạ tầng thông tin và thanh toán hiện đại là nhân tố cốt lõi cho sự phát triển và cạnh tranh của hệ thống ngân hàng hiện đại. Theo đó, TTTT càng phát triển thì nhu cầu thanh toán thông qua hệ thống điện tử sẽ ngày càng tăng đặt ra yêu cầu bắt buộc phải xây dựng và thường xuyên nâng cấp hệ thống giao dịch điện tử liên ngân hàng; đồng thời hệ thống công nghệ thông tin cũng phải phát triển ở mức độ tương ứng để tạo điều kiện thực hiện các giao dịch và xử lý thông tin ngày càng nhanh, nhiều và trên phạm vi rộng.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các thị trường bộ phận của TTTT phát triển (như thị trường liên ngân hàng), hệ thống giao dịch tập trung/ hệ thống thông tin tập trung giữa các thị trường bộ phận cần phải được tạo dựng. Hệ thống này đáp ứng nhu cầu thu thập, phân tích và công bố các chỉ số cơ bản của thị trường để công chúng và các định chế tài chính tham khảo, làm cơ sở để định giá và tìm kiếm đối tác trên thị trường.
Một hệ thống thông tin hiện đại và kết nối thành một mạng thống nhất cho tất cả các giao dịch của TTTTcũng sẽ là điều kiện thuận lợi đảm bảo thực hiện vai trò giám sát và quản lý của NHTW. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy hoạt động quản lý và can thiệp của NHTW các nước có sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hiện đại (như BATHNETcủa Thái Lan).
Bên cạnh đó, để thu thập và xử lý thông tin có hiệu quả như đề cập tại mục
nêu trên, NHTW cũng cần có một hệ thống công nghệ phát triển làm cơ sở cho các giao dịch của thị trường (hệ thống giao dịch, thanh toán điện tử liên ngân hàng, trung tâm thanh toán bù trừ quốc gia); đồng thời hỗ trợ các ngân hàng hoàn thiện công nghệ phục vụ cho các nghiệp vụ kinh doanh trên TTTT.
Như vậy, việc hoàn thiện và phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và giao dịch điện tử tập trung là một nhiệm vụ cần phải được hoàn thiện sớm để tạo nền tảng hoạt động cho toàn hệ thống, góp phần tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển của các nhân tố khác cấu thành thị trường cũng như xây dựng một hệ thống giám sát, quản lý hiệu quả và hiện đại cho NHTW.
Để lại một bình luận