Khủng hoảng kinh tế là khái niệm dùng để chỉ những hiện tượng kinh tế mất ổn định kéo dài mà không điều chỉnh được của quá trình tái sản xuất trong nền kinh tế gây ra những trấn động và hậu quả kinh tế xã hội trong quy mô rộng hoặc hẹp.
Khủng hoảng kinh tế diễn ra trong mọi lĩnh vực của nền sản xuất xã hội trong tất cả các khâu của quá trình tái sản xuất
Khủng hoảng kinh tế chu kỳ gồm có 4 giai đoạn
Khủng hoảng: đây là giai đoạn đầu tiên của chu kỳ kinh tế. Xuất hiện trước hết là khủng hoảng tiêu thụ, dự trữ hàng hoá trong kho của các xí nghiệp tăng lên, giá cả hàng hoá giảm xuống do cung lớn hơn cầu có khả năng thanh toán cuộc cạnh tranh để tiêu thụ hàng hoá trở lên gay gắt, các nhà tư bản buộc phải thu hẹp, thậm chí đình chỉ sản xuất. Do các xí nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ, tâm lý hoảng loạn, việc rút tiền khỏi ngân hàng, bán các cổ phiếu, trái phiếu làm giá trị thị trường giảm mạnh. Tín dụng thương mại và ngân hàng bị thu hẹp trong khi nhu cầu tín dụng tăng lên làm cho tỷ xuất lợi tức tăng lên rất cao.
Khủng hoảng công nghiệp và thương nghiệp đưa đến cả khủng hoảng tiền tệ tín dụng. Khủng hoảng đã phá huỷ nghiêm trọng lực lượng sản xuất, người lao động thất nghiệp đông đảo, đời sống hết sức khó khăn. Nghiêm trọng hơn đó lại là điều kiện để nhà tư bản tăng cường bóc lột công nhân.
Do đó công nhân buộc phải chấp nhận những điều kiện lao động nặng nhọc, hoặc tiền lương thấp. Trong khi đó cường độ lao động lại tăng.
Tiêu điều: là giai đoạn tiếp sau khủng hoảng. Đặc điểm của giai đoạn này, sản xuất không tiếp tục giảm sút nữa nhưng cũng không tăng lên, nền sản xuất ở trạng thái trì trệ. Để thoát khỏi tình trạng này, các nhà tư bản tìm cách tăng cường bóc lột lao động bằng cách hạ thấp tiền lương, tăng cường độ và thời gian lao động, để giảm chi phí sản xuất và đổi mới tư bản cố định, cải tiến kỹ thuật. Việc đổi mới tư bản cố định đã làm tăng về nhu cầu tư liệu sản xuất làm cho kinh tế dần dần thoát khỏi trạng thái khủng hoảng có bước chuyển biến khỏi trạng thái trì trệ, chuyển sang giai đoạn phục hồi.
Phục hồi: là giai đoạn tiếp nối với giai đoạn tiêu điều. Từ tiêu điều chuyển sang phục hồi và bắt đầu mở rộng sản xuất nhờ đổi mới tư bản cố định. Sản xuất được mở rộng đạt mức trước khủng hoảng. Số người làm việc tăng lên, giá cả hàng hoá cũng tăng lên, lợi nhuận thu được cũng tăng, nền kinh tế bước sang giai đoạn mới, giai đoạn hưng thịnh.
Hưng thịnh: là giai đoạn phát triển cao nhất của chu kỳ kinh tế. ở giai đoạn này cung cầu về hàng hoá tăng lên, sản xuất mở rộng và phát triển vượt mức cao nhất của chu kỳ trước. Thế là lại tạo điều kiện chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng mới, bắt đầu và chín muồi.
Để lại một bình luận