Thứ nhất, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp theo hướng giảm bớt nợ vay, tận dụng tối đa các nguồn vốn chiếm dụng và tăng cường sử dụng các công cụ tài chính.
Kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc đáng kể vào nguồn vốn tín dụng từ các TCTD. Tuy nhiên, ngày nay, bên cạnh nguồn vốn này và phát hành cổ phiếu, trên TTTC Việt Nam đã xuất hiện nhiều công cụ tài chính và tài chính trung gian (phát hành thương phiếu, phát hành trái phiếu, thuê tài chính, …) có thể giúp doanh nghiệp huy động vốn nhàn rỗi của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, do năng lực của doanh nghiệp, thói quen trong huy động vốn và tâm lý thận trọng khi tiếp cận những hình thức huy động vốn mới, các doanh nghiệp Việt Nam bỏ lỡ cơ hội sử dụng nguồn vốn với chi phí thấp và phù hợp với đặc thù như thương phiếu, trái phiếu và cho thuê tài chính.
Thương phiếu là khoản vay NNH của doanh nghiệp thông qua quá trình thương mại. Đó là chứng nhận nợ có thời hạn ngắn, thường là 30-90 ngày, không cần tài sản đảm bảo mà doanh nghiệp phát hành dựa trên uy tín, quy mô hoạt động và sự nổi tiếng. Ưu điểm của thương phiếu là lãi suất thấp vì doanh nghiệp thường dùng hạn mức tín dụng được cấp bởi TCTD để đảm bảo thanh toán khi thương phiếu đến hạn, dẫn đến rủi ro thanh toán thấp. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, không thể không tận dụng những hình thức tài trợ thương mại quốc tế ngày càng được nhiều ngân hàng trong nước áp dụng như: chiết khấu thương phiếu, cầm cố giấy tờ có giá, các loại thư tín dụng (L/C), bao thanh toán. Đây là những phương tiện thuận lợi và hữu ích đối với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu vì chúng giúp hạn chế rủi ro trong giao dịch và thanh toán quốc tế, đồng thời cho phép doanh nghiệp chủ động hơn khi thiếu hụt nguồn vốn tạm thời. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nên chủ động tìm hiểu về những hình thức tài trợ thương mại quốc tế này và lựa chọn hình thức phù hợp.
Một trong những hình thức huy động vốn quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác triệt để là huy động vốn qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đây là NVDH với chi phí sử dụng vốn ổn định và hợp lý, phù hợp với đặc thù các CTCP niêm yết trên sàn chứng khoán có quy mô lớn, nhiều dự án đầu tư. Ngoài ra, việc huy động nguồn vốn này cũng là giải pháp hữu hiệu khi các TCTD không đáp ứng đủ nhu cầu vay lớn và dài hạn, nhất là trong thời kỳ suy thoái với đặc điểm là chi phí sử dụng vốn cao và điều kiện cho vay khắt khe. Trên thực tế, việc huy động vốn qua TTTP còn khó khăn vì thị trường vẫn trong giai đoạn sơ khai, sản phẩm chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, tính thanh khoản trên thị trường thấp, quy mô các doanh nghiệp chưa lớn để tiếp cận hình thức huy động vốn này, thói quen sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Do đó, cần có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan Nhà nước và nỗ lực về phía doanh nghiệp. Riêng về phía doanh nghiệp, cần có phương án đầu tư khả thi, định hướng phát triển cụ thể, đảm bảo năng lực tài chính, và khả năng hoàn trả gốc và lãi cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xác định mức lãi suất hợp lý, loại hình trái phiếu phù hợp nhằm tăng tính hấp dẫn của trái phiếu đối với các nhà đầu tư. Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, khó có thể phát hành trái phiếu, có thể cân nhắc tìm đến những quỹ đầu tư hoặc các công ty đầu tư mạo hiểm vì đây là những trung gian tài chính sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ hoặc các doanh nghiệp mới thành lập nếu các dự án của doanh nghiệp đủ hấp dẫn. Điều này giúp doanh nghiệp đa dạng hóa cơ cấu tài trợ, hạn chế rủi ro và giảm chi phí tài trợ.
Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, khai thác, xây dựng có nhu cầu đầu tư TSCĐ vào các dự án lớn, lợi nhuận kỳ vọng cao. Tuy nhiên, do một số lý do khách quan, các doanh nghiệp này khó tiếp cận các nguồn vốn từ TTTP và các TCTD. Vì vậy, nên sử dụng phương thức tài trợ thuê mua thông qua các công ty tài chính cho thuê TSCĐ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí tài chính nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả của dự án.
Để lại một bình luận