Trong bối cảnh toàn cầu hoá và quốc tế hoá các hoạt động tài chính đang diễn ra sâu rộng, Việt Nam đang có trong tay những cơ hội để hình thành, hoàn thiện và phát triển thị trường chứng khoán. Với sự kiện SSC được công nhận là thành viên chính thức của Tổ chức các Uỷ ban chứng khoán quốc tế (IOSCO) vào ngày 26/6/2001 tại Hội nghị thường niên của IOSCO được tổ chức tại Thụy Điển, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các nước về tổ chức và xây dựng thị trường, về quản lý thị trường chứng khoán, về hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển để chủ động hội nhập và hôi nhấp sâu hơn nữa vào các thị trường tài chính quốc tế và khu vực trước các thách thức trong kỷ nguyên tin học.
Cũng trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, gần đây, tại Hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia của các nước ASEAN lần thứ sáu được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12 năm 1998, một trong những điểm quan trọng trong chương trình nghị sự của Hội nghị này là bàn thảo về chương trình hợp tác phát triển thị trường vốn trong khu vực. Thực hiện chương trình hợp tác này. Chính phủ Việt Nam đã giao cho SSC chịu trách nhiệm thực hiện 9 trong 11 điểm đã được thống nhất tại Hội nghị:
1. Thông qua và thực hiện các chuẩn mục và thông lệ đã được quốc tế chấp nhận vào năm 2003, và những nước thích hợp có thể áp dụng muộn hơn, đặc biệt là các nước thành viên mới.
2. Thiết lập một bộ tiêu chuẩn tối thiểu các quy tắc, các thủ tục và các yêu cầu niêm yết vào năm 2000.
3. Phối hợp giám sát các chương trình củng cố các thị trường vốn.
4. Cải thiện quản trị, tính minh bạch và công bố thông tin của công ty.
5. Phát triển một cơ chế niêm yết chéo (cross listing) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các thị trường vốn của các quốc gia Asean vào năm 2003, và các nước là các thành viên mới có thể áp dụng muộn hơn.
6. Tạo điều kiện thuận lợi cho sự lưu chuyển vốn và đầu tư ra khỏi biên giới quốc gia.
7. Tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống thanh toán bù trừ trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
8. Khảo sát hệ thống thanh toán bù trừ hiện có tại các quốc gia thành viên và các thông lệ quốc tế tốt nhất nhằm mục đích cải thiện hệ thống hiện có.
9. đẩy mạnh chứng khoán hoá trong các quốc gia Asean.
10. Thúc đẩy mạng lưới liên kết và cộng tác trong các hoạt động nghiên cứu thị trường vốn của các quốc gia Asean [131, Chapter 12, p.5].
Đây là những cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với thị trường chứng khoán vẫn còn rất sơ khai và non trẻ của Việt Nam. Như vậy, có thể khẳng định rằng, nếu biết chớp lấy thời cơ và vận dụng tốt các cơ hội hợp tác do bối cảnh quốc tế thuận lợi mang lại, hoàn toàn có thể kỳ vọng về triển vọng hoàn thiện và phát triển VSE.
Để lại một bình luận