Chính sách công khai hoá thông tin?
Ngày nay, trong thời đại bùng nổ thông tin, thông tin có vai trò quan trọng trong sinh hoạt của mọi tầng lớp, mọi đối tượng. Đối với nhà đầu tư, trừ phi là nhà đầu tư theo đuổi một chiến lược đầu tư đơn giản (như đầu tư số tiết kiệm hiện có vào các sổ tiết kiệm hay chọn lựa ngẫu nhiên một loại chứng khoán nào đó và nắm giữ chúng cho tới khi đến hạn), thông tin lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì để đầu tư thành công cần phải có đầy đủ thông tin về thị trường, về ngành nghề, về tình trạng tài chính của doanh nghiệp mà mình định đầu tư. Chính vì vậy, trong đầu tư, nắm được thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác là đã nắm một nửa của sự thành công: nửa còn lại tuỳ thuộc vào khả năng phân tích, phán đoán, sự nhậy cảm và tính năng động của mỗi nhà đầu tư.
Trong môi trường đầu tư ở các nước kinh tế thị trường phát triển, nguồn rất phong phú. Nguồn thông tin thứ nhất mà các nhà đầu tư có thể sử dụng là thông tin từ các doanh nghiệp. Tại Mỹ, các Luật Liên bang, Luật tiểu bang và Luật tiết lộ thông tin đầy đủ yêu cầu các công ty cổ phần đại chúng xuất bản các báo cáo thường niên và báo cáo hàng quý để gửi cho các cổ đông. Thêm nữa, Uỷ ban chứng khoán cũng yêu cầu các công ty cổ phần đại chúng phải xuất bản các bản tin hàng ngày trình bày chi tiết bất cứ sự thay đổi nào có liên quan đến tình trạng tài chính và những thông tin khác có thể sử dụng để định giá các chứng khoán của công ty.
Ngoài hai nguồn thông tin được cung cấp có tính miễn phí như trên, nhà đầu tư có thể mua các thông tin từ các tạp chí và các báo cáo tài chính chuyên ngành có uy tín. Đây cũng là những nguồn thông tin rất hữu ích trong việc giúp nhà đầu tư ra quyết định. Có lẽ giới đầu tư quốc tế không mấy ai không biết đến các tạp chí nổi tiếng thế giới như Wall Street Jounal, Forbes, Business Week, Fortune, Aall Jounal, Havard Business Review, Jounal of Porfolio Management, Stock Guide và Bond Guide của Standard & Poor. Hiển nhiên, để có được những phân tích nhạy bén, sắc sảo, nếu như không kể đến trình độ của chuyên gia phân tích thì yếu tố có vai trò quyết định và chất lượng các báo cáo tài chính của các công ty.
Ở nước ta, từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, Chính phủ cũng đã từng bước pháp chế hoá nghĩa vụ cung cấp thông tin của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiên các quy định này xem ra vẫn còn hết sức tuỳ tiện cho nên hiện nay tình trạng “lãi giả, lỗ thật” vẫn còn là hiện tượng khá phổ biến của các doanh nghiệp nhà nước, loại hình doanh nghiệp vẫn được xem là có hệ thống báo biểu, sổ sách ghi chép bài bản nhất, có hệ thống nhất. Chỉ cần điểm qua một số doanh nghiệp “nổi tiếng” qua các vụ án cũng đủ thấy mức nghiêm trọng của vấn đề: Dâu tằm tơ, Dệt Nam Định, Tamexco, Đông lạnh Hùng Vương, Minh Phụng-Epco…. Rõ ràng, hiệu quả kinh tế và giá trị thực của các doanh nghiệp sẽ vẫn còn là một ẩn số khó đoán đối với nhà đầu tư cũng như nhà quản lý nếu như bức tranh tài chính của các doanh nghiệp, những tế bào của nền kinh tế, vẫn còn là bức tranh mập mờ, không trung thực. Vì vậy, để hệ thống công bố thông tin có thể phục vụ đắc lực cho hoạt động của thị trưòng chứng khoán, cần thiết phải:
1. Tổ chức xây dựng một khung pháp lý đầy đủ hơn về nghĩa vụ công bố công khai thông tin bắt buộc đối với mọi loại hình doanh nghiệp theo đúng với các thông lệ và tập quán quốc tế và quy định các chế tài thích hợp để xử lý nghiêm minh các vi phạm về công bố thông tin.
2. Hiện đại hoá các phương tiện công bố thông tin và đa dạng hoá phương pháp công bố thông tin trên VSE. Song song với việc xây dựng hệ thống cung cấp thông tin qua mạng internet để cung cấp tất cả những thông tin về thị trường và các thông tin có liên quan đến tổ chức niêm yết, cần xây dựng mạng phát thanh (broadcasting network) để phục vụ cho việc công bố thông tin trực tiếp từ tổ chức niêm yết đến các công ty chứng khoán thành viên và hệ thống mạng điện thoại trả lời tự động (audio automatic response system) các thông tin do nhà đầu tư yêu cầu.
3. Thông tin, đặc biệt là những thông tin định hướng thể hiện qua các bài phân tích, dự báo xu hướng thị trường, giá cả cổ phiếu có vai trò tối quan trọng đối với các nhà đầu tư. Chỉ cần các thông tin này được xử lý không đúng do thiếu thận trọng, do non tay nghề hoặc cố ý làm sai lệch vì một động cơ nào đó thì hiệu ứng lây lan sẽ không lường hết được. Vì vậy, nên chăng, cần có những quy định nghiêm ngặt là, ngoài những mẫu tin về tình hình, diễn biến thị trường, các bài phỏng vấn các nhân vật có liên quan, các phóng viên các báo cáo không được phân tích, bình luận về những lĩnh vực không thuộc chuyên ngành của mình.
4. Cơ sở của hoạt động công bố thông tin là các cơ sở dữ liệu. Dữ liệu có chính xác thì thông tin được xử lý mới phát huy tác dụng. Trong thực tế, hầu hết các dữ liệu thống kê có nguồn gốc từ các nghiệp vụ hoạch toán kế toán. Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng và đưa vào vận hành một hệ thống một chế độ kế toán và kiểm toán hoàn chỉnh theo các chuẩn mực kế toán và kiểm toán quốc tế để tạo điều kiện cho không những công chúng trong nước mà cả cho công chúng ngước ngoài có điều kiện so sánh, thẩm định tình hình tài chính, khả năng sinh lời của các công ty cổ phần trước khi quyết định đầu tư. Đây cũng là điều kiện cơ bản để thích ứng với xu thế quốc tế hoá và toàn cầu hoá giai đoạn hiện nay.
5. Để tạo sự minh bạch, công bằng và cân đối về mặt thông tin trong các quyết định điều tiết thị trường, cần công khai khoá nội dung các chính sách sẽ được áp dụng và nguyên tắc, lộ trình thực hiện cụ thể cho mỗi chính sách nhằm giữ vững gia tăng niềm tin của giới đầu tư về hình ảnh của một thị trường trong sáng, ổn định.
Để lại một bình luận