Trong quá trình sử dụng, do tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau như góp vốn, cổ phần hóa,lạm phát, tiến bộ khoa học kỹ thuật,… làm cho nguyên giá của TSCĐ và giá trị còn lại của TSCĐ không phản ánh đúng giá thị trường của TSCĐ. Do vậy nếu vẫn căn cứ vào giá trị tại thời điểm mua TSCĐ để tiến hành thu hồi vốn (trích khấu hao) thì vốn kinh doanh của doanh nghiệp không được bảo toàn. Xuất phát từ yêu cầu quản lý, bảo toàn vốn, doanh nghiệp phải đánh giá lại TSCĐ theo mặt bằng giá ở thời điểm đánh giá lại TSCĐ. Việc đánh giá lại được thực hiện theo quyết định của Nhà nước.
Khi đánh giá lại TSCĐ, doanh nghiệp phải tiến hành kiểm kê xác định số tài sản hiện có, thành lập Hội đồng đánh giá lại TSCĐ.
Doanh nghiệp phải xác định lại nguyên giá mới, giá trị còn lại và giá trị hao mòn theo nguyên giá mới. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp phải xác định phần nguyên giá, giá trị hao mòn, giá trị còn lại phải điều chỉnh giảm (hoặc tăng) so với sổ kế toán để làm căn cứ ghi sổ.
1. Chênh lệch đánh giá lại tài sản do đưa tài sản đi góp vốn, cầm cố, thay đổi hình thức sở hữu.
Việc đánh giá lại tài sản trong trường hợp này do các bên đánh giá, thỏa thuận, hoặc thuê một tổ chức trung gian, độc lập có chuyên môn (nếu tài sản có giá trị lớn, phức tạp). Khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản được ghi nhận TK 711 (tăng) hoặc TK 811 (giảm).
Hình thức đánh giá này khá phổ biến trong các doanh nghiệp. Về hạch toán, cả Thông tư 200/2014/TT-BTC và Thông tư 133/2016-BTC đều hạch toán giống nhau, tức chênh lệch đánh giá lại tài sản đưa vào nhu nhập hoặc chi phí khác.
Căn cứ vào biên bản đánh giá tài sản, kế toán ghi:
– Trường hợp giá trị ghi sổ hoặc giá trị còn lại của tài sản đem đi góp vốn nhỏ hơn giá trị do các bên đánh giá lại, kế toán phản ánh phần chênh lệch đánh giá tăng tài sản vào thu nhập khác, ghi:
Nợ TK 222 – Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ
Có các TK 211, 213, 217 (góp vốn bằng TSCĐ hoặc BĐS đầu tư)
Có các TK 152, 153, 155, 156 (nếu góp vốn bằng hàng tồn kho)
Có TK 711 – Thu nhập khác (phần chênh lệch đánh giá tăng).
– Trường hợp giá trị ghi sổ hoặc giá trị còn lại của tài sản đem đi góp vốn lớn hơn giá trị do các bên đánh giá lại, kế toán phản ánh phần chênh lệch đánh giá giảm tài sản vào chi phí khác, ghi:
Nợ TK 222 – Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ
Nợ TK 811 – Chi phí khác (phần chênh lệch đánh giá giảm)
Có các TK 211, 213, 217 (góp vốn bằng TSCĐ hoặc BĐS đầu tư)
Có các TK 152, 153, 155, 156 (nếu góp vốn bằng hàng tồn kho).
2. Chênh lệch đánh giá lại tài sản do có quyết định của Nhà nước về đánh giá lại tài sản, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Trường hợp này, khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản không được đưa vào chi phí hay thu nhập khác mà ghi nhận vào tài khoản 412- Chênh lệch đánh giá lại tài sản và được xử lý theo quy định pháp luật (tăng/ giảm vốn chủ sở hữu).
Việc hạch toán khoản chênh lệch tài sản do đánh giá lại trong trường hợp này chỉ thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 200/2014/TT-BTC; Vì tính chất nhỏ, ít phổ biến Thông tư 133/2016-BTC (Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa) không hướng dẫn hạch toán trường hợp này.
a) Phản ánh khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản khi có quyết định của Nhà nước về đánh giá lại tài sản cố định, bất động sản đầu tư, vật tư, hàng hóa… hoặc định giá khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước:
– Đánh giá lại vật tư, hàng hóa:
+ Nếu giá đánh giá lại cao hơn trị giá đã ghi sổ kế toán thì số chênh lệch giá tăng, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 155, 156
Có TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản.
+ Nếu giá đánh giá lại thấp hơn trị giá đã ghi sổ kế toán thì số chênh lệch giá giảm, ghi:
Nợ TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản
Có các TK 152, 153, 155, 156.
– Đánh giá lại TSCĐ và bất động sản đầu tư: Căn cứ vào bảng tổng hợp kết quả kiểm kê và đánh giá lại TSCĐ, bất động sản đầu tư:
+ Phần nguyên giá, giá trị còn lại, giá trị hao mòn điều chỉnh tăng, ghi:
Nợ các TK 211, 213, 217 (phần nguyên giá điều chỉnh tăng)
Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ (phần giá trị hao mòn điều chỉnh tăng)
Có TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản (giá trị còn lại tăng).
+ Phần nguyên giá, giá trị còn lại, giá trị hao mòn điều chỉnh giảm, ghi:
Nợ TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản (giá trị còn lại điều chỉnh giảm)
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (phần giá trị hao mòn điều chỉnh giảm)
Có các TK 211, 213, 217 (phần nguyên giá điều chỉnh giảm)
b) Cuối năm tài chính xử lý chênh lệch đánh giá lại tài sản theo quyết định của cơ quan hoặc cấp có thẩm quyền:
– Nếu tài khoản 412 có số dư bên Có, và có quyết định bổ sung Vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản
Có TK 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
– Nếu tài khoản 412 có số dư bên Nợ, và có quyết định ghi giảm Vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Có TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản.
Để lại một bình luận