1.Kim ngạch xuất khẩu:
Trong vòng 20 năm lại đây ngành cà phê đã có những bước phát triển nhanh chóng vượt bậc đưa sản lượng cà phê tăng lên hàng trăm lần. Bản kế hoạch đầu tiên về cà phê xây dựng năm 1980 đạt mục tiêu cho ngành cà phê Việt nam chỉ có 180.000 ha với sản lượng 200.000 tấn. Sau nhiều lần điều chỉnh con số đó cũng chỉ lên đến 350.000 ha với 450.000 tấn. Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Những con số thống kê điều tra vào năm 2000 cho thấy diện tích cà phê cả nước đã lên đến 520.000 ha với sản lượng 900.000 tấn, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 2 thế giới về sản xuất cà phê.
Việt Nam vẫn đang tiếp tục chủ trương giảm bớt diện tích cà phê để đầu tư cho việc nâng cao chất lượng, đảm bảo phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm cà phê. Theo đó, diện tích cà phê đến năm 2010 sẽ chỉ còn khoảng 390.000 ha, trong đó chú trọng mở rộng loại cà phê chè Arabica đang được thị trường thế giới ưa chuộng. Đồng thời với việc đa dạng hoá sản phẩm để tăng kim ngạch xuất khẩu, ngành cà phê Việt Nam cũng áp dụng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng như bắt buộc kiểm tra sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng trước khi thông quan.
Vụ cà phê 2005/2006 đã xuất khẩu 775.457 tấn, trị giá gần 827 triệu USD (bình quân 1.066,5 USD/tấn).
Chỉ trong vòng 6 tháng đầu niên vụ 2006 – 2007 (từ 1/10/2006 đến 31/3/2007), nước ta đã xuất khẩu được hơn 615 ngàn tấn cà phê, đạt kim ngạch 830 triệu USD, vượt tổng kim ngạch xuất khẩu cả niên vụ trước 4 triệu USD, nghịch lý “được mùa – rớt giá” đã không lặp lại. Từ đầu niên vụ đến nay, giá cà phê trên thị trường thế giới luôn ổn định ở mức cao: Nếu như niên vụ trước, giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 970 USD/tấn thì niên vụ này đạt 1.350 USD/tấn, tăng 39%. Sự chênh lệch giữa giá cà phê trong nước so với giá cà phê trên thị trường thế giới (tại sàn giao dịch Luân Đôn) giảm, từ mức 200 USD/tấn xuống còn 100 USD/tấn.
Trong quý 1/2007, Đắc Lắc – tỉnh dẫn đầu về cà phê cả nước – đã xuất khẩu được trên 115 ngàn tấn cà phê, đạt kim ngạch 168 triệu USD, tăng 32,4% về giá, 47% về sản lượng và 95,6% về kim ngạch so với cùng kỳ. Tiếp sau Đắc Lắc là Đắc Nông với lượng xuất khẩu trên 22 ngàn tấn, đạt kim ngạch 30 triệu USD; Lâm Đồng xuất khẩu trên 19 ngàn tấn, đạt trên 28 triệu USD…
Lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt 832.000 tấn, sản lượng cà phê xuất khẩu tăng 64%, kim ngạch tăng 2,1 lần chiếm gần 40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Với kim ngạch trên 1,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, cà phê là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn nhất, nằm trong số ít các mặt hàng xuất khẩu đạt một tỷ đô la. Lượng cà phê xuất khẩu 6 tháng tăng hơn 60%, nhưng kim ngạch xuất khẩu lại tăng tới hơn hai lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả của việc giá cà phê biến động theo xu thế tăng liên tục với mức bình quân hiện nay khoảng 1.530 USD/tấn (tăng 28-29% so với cùng kỳ năm trước).
2 .Thị trường xuất khẩu:
Cà phê Việt Nam đã xuất khẩu sang 59 nước và vùng lãnh thổ, trong đó mười nước dẫn đầu về nhập khẩu cà phê Việt Nam chủ yếu là các nước trong khốI EU và Mỹ so với những năm 1992, 1993 thị trường xuất khẩu cà phê Việt Nam tập trung vào các nước Singapore, Hong Kong, Nhật Bản chiếm 60% trong mườI nước nhập khẩu lớn nhất.
Điều đó cho thấy uy tín của ngành cà phê Việt Nam ngày càng nâng lên từ thị trường trung gian vào được thị trường tiêu thụ trực tiếp và có dung lượng lớn mặc dù đây là những thị trường yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn rất cao.
3. Thuận lợi và khó khăn:
3.1 Thuận lợi:
– Nhận định của Tổ chức cà phê quốc tế cho thấy, ở một số vùng trồng cà phê, hiện tượng El Nino có thể ảnh hưởng xấu đến sản lượng cà phê niên vụ 2007-2008. Do đó, dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2007-2008 có thể đạt khoảng 109-112 triệu bao, trong khi nhu cầu tiêu thụ khoảng 118-120 triệu bao. Vì vậy, sự phục hồi của giá cà phê còn có thể tiếp tục duy trì trong năm 2007. Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho rằng, với đà xuất khẩu hiện nay, từ nay đến cuối năm mặt hàng cà phê tiếp tục có cơ hội đạt mức tăng trưởng cao về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.
– Người dân đã nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị trường, khá am hiểu quy luật cung cầu của thị trường thế giới để chủ động lượng cà phê bán ra nhằm hạn chế rủi ro.
– Hiện nay, tình hình thời tiết không thuận lợi đang khiến thị trường thế giới theo xu hướng cung không đủ cầu, bởi vậy, giá cà phê còn tiếp tục tăng, có lợi cho xuất khẩu cà phê Việt Nam – nơi đang cung cấp tới trên 40% lượng cà phế trên thế giới.
– Ngoài yếu tố thuận lợi về giá, việc đa dạng hoá sản phẩm cũng góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này. Cà phê Việt Nam không chỉ được biết đến ở 71 quốc gia và lãnh thổ dưới dạng nhân sống chất lượng cao mà còn được người tiêu dùng thế giới thưởng thức dưới dạng hoà tan. Với tổng diện tích gần 500 ngàn ha, kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 13% tổng giá trị xuất khẩu nông sản, cà phê vẫn được coi là một trong những cây trồng chiến lược trong quá trình phát triển nền nông nghiệp hàng hoá ở Việt Nam, xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người nông dân.
3.2 Khó khăn:
– Về chính sách thuế: Việt Nam không nằm trong số những nước được ưu tiên về thuế quan đối với các sản phẩm cà phê hoà tan khi tham gia vào các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, và EU… Các nước này áp dụng thuế nhập khẩu gần như bằng 0% đối với hầu hết các nước xuất khẩu cà phê ở châu Mỹ. Trong khi đó mức thuế này hiện áp dụng đối với Việt Nam là từ 2,6% đến 3,1%. Bên cạnh đó, nhiều nước sử dụng hàng rào phi thuế quan như là biện pháp bảo hộ ngành công nghiệp chế biến cà phê trong nước. Đây là những rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập trực tiếp vào các thị trường này và buộc phải xuất khẩu qua các công ty trung gian ở các nước được hưởng mức thuế quan ưu đãi hơn.
– Về chiến lược phát triển ngành cà phê trong tổng thể ngành nông nghiệp Việt Nam: hiện nay, các mục tiêu đề ra đối với ngành cà phê Việt Nam trong những năm tới chưa được đặt chung trong bối cảnh phát triển chung của ngành nông nghiệp cũng như ngành kinh tế Việt Nam. Các chính sách do các cơ quan chức năng ban hành còn thiếu tính linh hoạt.
– Vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn nhanh nhưng chưa tương xứng, mặc dù trong 10 năm qua, nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng như giao thông, truyền thông, thuỷ lợi, điện… đã có những chuyển biến đáng kể. Ví dụ như đường giao thông kém sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, giảm giá thu mua tại các điểm thu mua cà phê khác nhau, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, đường càng xấu thì giá càng thấp.
– Hệ thống kiểm tra, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm còn yếu kém và lạc hậu. Các nước có mức tiêu thụ cà phê lớn coi trọng vấn đề kiểm tra và giám sát chất lượng, xuất xứ và thương hiệu của hàng hoá, trong khi ở Việt Nam hoạt động này chưa được chú trọng đối với ngành cà phê từ sản xuất đến xuất khẩu. Hiện tượng bán hàng giả dưới tên các thương hiệu cà phê nổi tiếng có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Điều này tạo nên những bất lợi đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ do chi phí để bảo vệ thương hiệu hàng hoá vượt quá sức của họ.
– Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực sự thực hiện các giao dịch kinh tế quốc tế trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Do đó, nhiều chủ doanh nghiệp thiếu những kỹ năng cơ bản khai thác, xử lý tin tức và đàm phán thương mại. Hơn nữa, sự phát triển rầm rộ của các doanh nghiệp tham gia chế biến và xuất khẩu cà phê chủ yếu trong giai đoạn giá cà phê thế giới cao nên những kỹ năng này chưa được chú trọng đúng mức.
– Gia nhập WTO sự cạnh tranh đang diễn ra rất gay gắt. Các doanh nghiệp nước ngoài có ưu thế lớn về vốn và công nghệ, nên đầu tư xây dựng những khu chế biến cà phê nhân xuất khẩu chất lượng cao rất hoàn chỉnh và đồng bộ. Trong thời gian tới, tỷ trọng này sẽ tăng lên nhanh do họ có ưu thế vượt trội về vốn, trình độ năng lực quản lý, kinh nghiệm, thị trường và mạng lưới khách hàng. Lúc đó, các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, không cạnh tranh được sẽ bị giải thể phá sản hay trở thành đại lý thu mua, gom hàng cho các doanh nghiệp nước ngoài.
– Uy tín của cà phê Việt Nam đang bị giảm sút nghiêm trọng. Chất lượng cà phê Việt Nam chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng, Việt Nam chưa có tên trong số 25 nước đang tự nguyện ghi lên chứng chỉ xuất xứ về chất lượng cà phê xuất khẩu của mình. Hiện nay, phần lớn DN chế biến trong nước vẫn xuất khẩu chủ yếu cà phê được phân loại theo tiêu chuẩn cũ (TCVN 4193-93), với các chỉ tiêu sơ đẳng là phần trăm lượng ẩm, tỷ lệ hạt vỡ và tạp chất. Tiêu chuẩn mới (TCVN 4193:2005) đã được ICO coi là văn bản chuẩn để phân loại cà phê lại chưa được áp dụng.
– Phát triển diện tích cà phê ồ ạt, không theo qui hoạch, kế hoạch này đã nằm ngoài tầm kiểm soát của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng. Đặc biệt, nghiêm trọng hơn, phần lớn diện tích cà phê mới phát triển sau này đều được trồng ở những vùng không có, hoặc thiếu nguồn nước tưới, đất trồng cà phê không đủ tiêu chuẩn (nghèo dinh dưỡng, tầng đất mỏng, đất dốc). Vi phạm các qui trình kỹ thuật trồng, chăm sóc ngay từ khâu khai hoang, làm đất, cây trồng xen che phủ…Việc tăng nhanh diện tích cà phê này không những không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến tài nguyên môi trường…
Để lại một bình luận