1 Tình hình xuất khẩu:
Từ năm 2004 đến giữa năm 2006, giá tiêu đen xuống thấp chỉ còn khoảng 70% giá trung bình giai đoạn 2000-2004, cộng thêm giá phân bón tăng cao đã khiến nông dân trồng tiêu tại nhiều nước bỏ bê các vườn tiêu của họ. Ngoài ra, vài năm gần đây thời tiết không thuận lợi do ảnh hưởng của El Nino, hạn hán kéo dài, sâu bệnh hoành hành nên sản lượng tiêu của tất cả các nước đều giảm, có những nước giảm rất mạnh như Ấn Độ, trong khi nhu cầu thế giới vẫn tăng khiến giá tiêu được khôi phục vào những tháng cuối năm 2006 và tiếp tục tăng cao vào đầu năm 2007.
Riêng năm 2006 Việt Nam xuất khẩu đạt 118.800 tấn, chiếm 60% sản lượng hồ tiêu trên thế giới. Có thể nói, thị trường hồ tiêu thế giới đang hết sức nóng. Vai trò cây tiêu Việt Nam đang đứng thế chủ đạo cho thị trường tiêu thế giới. Điều đó được thể hiện, trong tháng 5 vừa qua người trồng tiêu Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đã bước vào mùa vụ thắng lợi về sản lượng cũng như giá cả trên thị trường. Có những thời điểm giá tiêu đã nhảy lên mức kỷ lục 77.500 đồng/kg.
Khuyến cáo, các hộ trồng tiêu không nên vội vã bán ra gây ảnh hưởng cho thị trường. Điều đáng mừng là đến đầu tháng 6 giá tiêu thị trường trong nước vẫn giữ ổn định trên 70.000 đồng/kg. Doanh nghiệp cũng như người trồng tiêu hết sức bình tĩnh trong giai đoạn giá tiêu được giá như hiện nay vì thị trường tiêu thế giới đang ở trong tình trạng khan hiếm. Từ thực trạng đó, giá hạt tiêu xuất khẩu liên tục đạt 3.200-3.600 USD/tấn. Tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Điều đáng mừng cho hồ tiêu Việt Nam là những tín hiệu rất tích cực trên thị trường thế giới. Trong khi sản lượng hồ tiêu trên thế giới đều giảm chỉ còn chưa đến 1 tấn/ha thì sản lượng hồ tiêu Việt Nam vẫn giữ nguyên ở mức 2,5 tấn/ha.
Tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2007, các doanh nghiệp đã xuất khẩu trên 53.000 tấn hạt tiêu, đạt kim ngạch 146 triệu USD. Về sản lượng chỉ đạt gần 50% nhưng giá trị tới 97% so cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu đã tăng lên 3.500 – 3.600 USD/tấn. Hiện lượng tiêu tồn kho còn khoảng 30.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đang tăng cao. Dự báo giá tiêu tiếp tục tăng trong sthời gian tới.
Việt Nam đang nắm giữ 60 – 65% sản lượng hồ tiêu trên thế giới. Nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trong những năm qua tăng đột biến. Những ngày cuối vụ, cung không đủ cầu đã đẩy giá tăng cao. Hiện nay giá hồ tiêu đang giữ mức giá ổn định từ 70.000 – 73.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua. Nắm được nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trên thế giới, nhiều hộ nông dân thu hoạch “găm” hàng không bán ra, trong khi các doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu trầm trọng để chế biến. Sản lượng xuất khẩu giảm nhưng giá tăng.
2 . Thị trường tiêu thụ của hồ tiêu xuất khẩu:.
2.1 Xuất khẩu trực tiếp:
Mặt hàng hạt tiêu của Việt Nam đã có mặt trên 80 thị trường trên thế giới, trong đó Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam. Tiếp đến là Đức, Hà Lan, Ấn Độ, Singapore, Nga, và Trung Đông.
Hoa Kỳ hiện đang là nước nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới. Năm 2006 Hoa Kỳ đã nhập khẩu 70.540 tấn, trị giá 135,5 triệu USD từ các nguồn hàng trên thế giới, bao gồm 55.500 tấn tiêu đen, 7.800 tấn tiêu trắng và 7.240 tấn tiêu xay, chiếm 22% tổng lượng tiêu nhập khẩu của thế giới. Lượng nhập khẩu của năm 2006 đã tăng 5% so với 66.890 tấn của năm 2005, trong đó tiêu đen tăng 6%, tiêu trắng tăng 8% trong khi tiêu xay giảm 3%.
Thâm nhập vào Hoa Kỳ chậm hơn cà phê nhưng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam vào thị trường này đã tăng nhanh chóng. Nếu như năm 1997, trị giá hạt tiêu Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ mới chỉ đạt 2,1 triệu USD thì đến năm 2002 đã lên 16,947 triệu USD, năm 2005 đạt 29,582 triệu USD, và năm 2006 đạt 33,552 triệu USD. Sự tăng vọt này là do các thương nhân Hoa Kỳ ngày càng tăng cường nhập hạt tiêu thẳng từ Việt Nam và giảm nhập qua các công ty trung gian nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện nay hầu như chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào xuất khẩu trực tiếp và thâm nhập đến thị trường tiêu dùng cuối cùng của Hoa Kỳ mà hình thức chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô hoặc sơ chế sau đó các công ty Hoa Kỳ sẽ chế biến lại. Trong vài năm gần đây, Hoa Kỳ đã tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam thay thế Ấn Độ. Kể từ năm 2001 tới năm 2005, lượng tiêu nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Ấn Độ đã giảm mạnh trong khi nhập khẩu từ Việt Nam lại tăng nhanh chóng. Năm 2000, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chỉ đạt 1.763 tấn trong khi Ấn Độ xuất sang Hoa Kỳ 11.035 tấn thì tới năm 2005 lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng lên 21.186 tấn trong khi Ấn Độ giảm xuống 3.828 tấn. Năm 2006, lượng xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam sang Hoa Kỳ tuy giảm nhưng giá trị xuất khẩu tăng do giá tiêu những tháng cuối năm tăng .
Hà Lan là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Trong giai đoạn 2001-2006 Hà Lan luôn giữ vị trí là một trong những nhà nhập khẩu tiêu hàng đầu của Việt Nam với mức tăng trưởng cao. Từ năm 2001 lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam, với 5.108 tấn, trị giá 8,164 triệu USD. Tuy nhiên lượng hạt tiêu nhập khẩu của Hà Lan từ Việt Nam trong giai đoạn này dao động không nhiều. Năm 2006 Hà Lan nhập khẩu 8.932 tấn tiêu từ Việt Nam với giá trị 14,898 triệu USD.
Hạt tiêu là một trong những gia vị được ưa thích nhất của người Đức phải nhập khẩu từ nước ngoài. Năm 2006, Đức nhập khẩu 26.030 tấn hạt tiêu, trị giá 48,3 triệu euro, gồm 23.450 tấn tiêu hột và 2.580 tấn tiêu xay, chiếm gần 30% tổng giá trị các loại gia vị nhập khẩu khác (năm 2005 là 25%). Lượng nhập khẩu của Đức năm 2006 tăng 15% so với mức nhập khẩu 22.730 tấn năm 2005. Năm 2006, kim ngạch nhập khẩu các loại gia vị của Đức (không kể những loại gia vị đã pha trộn) trị giá 161 triệu euro. Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam đứng đầu trong số các nước cung cấp hạt tiêu cho thị trường Đức. Lượng hạt tiêu Đức nhập từ Việt Nam chiếm 35% thị phần, tiếp đến là từ Braxin 19% và Indonesia 17%.
Xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam sang thị trường Đức tăng rất mạnh trong giai đoạn 2001-2006. Năm 2001 Việt Nam mới chỉ xuất 1.617 tấn hạt tiêu sang Đức, trị giá 2,528 triệu USD thì năm 2006 đã tăng lên 10.957 tấn, trị giá 19.021 triệu USD. Nếu năm 2001, Đức mới chỉ là thị trường xuất khẩu hạt tiêu đứng thứ 10 của Việt Nam, sau Singapore, Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, Hà Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Ai Cập, Pakistan và Indonesia thì năm 2006, Đức đã là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam về xuất khẩu hạt tiêu. Thời gian gần đây, số lượng và kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của Việt nam sang Đức tiếp tục tăng với tốc độ kỷ lục, hứa hẹn một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng cho mặt hàng tiêu Việt Nam.
2.2 Xuất khẩu qua nước trung gian:
Mặc dù Việt Nam hiện là nước xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới nhưng tiêu của Việt Nam vẫn phải xuất khẩu qua các nước trung gian và sau đó được tái xuất với mức giá cao hơn và Ấn Độ là một trong những nước nhập khẩu tiêu sau đó tái xuất lớn nhất của Việt Nam. Lượng hàng tái xuất trong tổng xuất khẩu của Ấn Độ ngày càng tăng. Nếu như năm 2000 tổng lượng hạt tiêu nhập để tái xuất của Ấn Độ là 6.570 tấn trong tổng xuất 19.900 tấn thì tới năm 2004 con số tương ứng là 14.200 tấn trong tổng xuất 14.049 tấn.
Lượng tiêu mà Ấn Độ nhập từ Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2001-2006. Năm 2001 Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ 4.228 tấn, trị giá 6,451 triệu USD và năm 2006, con số này đã tăng lên 7.843 tấn, trị giá 11.066 triệu USD. Các công ty Ấn Độ đã nhập khẩu tiêu của Việt Nam, sau đó tái xuất và thu được lợi nhuận khá cao. Đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm.
Trong các nước ASEAN, từ nhiều năm qua Singapore được coi là thị trường truyền thống trung gian cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới vì đây là nơi chuyển tải hàng hoá hết sức thuận lợi. Singapore cũng đã từng là một trong những nước nhập khẩu hạt tiêu lớn của Việt Nam song trong những năm gần đây, lượng tiêu xuất khẩu sang thị trường này giảm khá mạnh. Nếu như năm 2001 Singapore nhập từ Việt Nam 12.266 tấn tiêu, trị giá 19,832 triệu USD thì năm 2005 con số tương ứng chỉ còn 2.039 tấn (trong tổng nhập khẩu 12.782 tấn) và 3,455 triệu USD. Năm 2006, nhập khẩu hạt tiêu của Singapore từ các nước trên thế giới đạt 15.702 tấn, gồm 8.457 tấn tiêu đen và 7.245 tấn tiêu trắng, tăng 23% so với năm 2005. Lượng nhập khẩu của Singapore từ Việt Nam năm 2006 tăng mạnh so với năm 2005, đạt 6.032 tấn, trị giá 9.637 USD. Singapore thuộc khối ASEAN, có vị trí địa lý gần Việt Nam, chi phí vận chuyển thấp, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu cần khai thác tiềm năng và cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp khôi phục xuất khẩu mặt hàng hạt tiêu sang thị trường này.
3 Thuận lợi và khó khăn:
3.1 Thuận lợi:
– Điều kiện tự nhiên: Thiên nhiên ưu đãi, đất đai và khí hậu phù hợp cho cây tiêu sinh trưởng và phát triển tốt.
– Nguồn nhân lực dồi dào: Lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp của Việt Nam lớn, nông dân chăm chỉ cần cù, có nhiều kinh nghiệm trong việc canh tác loại cây trồng đòi hỏi kỹ thuật như cây tiêu đồng thời có khả năng tiếp cận công nghệ sản xuất và chế biến hạt tiêu.
– Chi phí đầu tư cho các vườn tiêu không đòi hỏi nhiều: So với các loại cây công nghiệp khác như cà phê, điều, cao su… cây hạt tiêu cần chi phí đầu tư thấp nhất.
– Nguồn cung lớn và phân bổ đều trong năm: Hiện nay Việt Nam chiếm khoảng 50% nguồn cung thị trường. Các nhà kinh doanh hạt tiêu quốc tế thừa nhận chỉ cần ngành hạt tiêu Việt Nam có một biến động nhỏ cũng ảnh hưởng đến thị trường hạt tiêu thế giới. Nông dân Đắc Lắc tập trung bán tiêu vào những tháng đầu năm (từ tháng 2 đến tháng 7) trong khi người sản xuất tiêu tại Quảng Trị lại bán dồn vào cuối năm (từ tháng 7 đến tháng 12). Ngược lại tiêu tại Phú Quốc được bán mạnh vào các tháng từ tháng 2 đến tháng 4. Tính chất mùa vụ rải đều quanh năm này giữa các vùng sản xuất chính của Việt Nam tạo ra một nguồn hàng rải đều trong năm cho các nhà xuất khẩu và người sản xuất cũng có những giá bán cao hơn thời gian còn lại trong năm.
– Năng suất cao: So với các nước sản xuất tiêu, năng suất hạt tiêu của Việt Nam tương đối cao do các vườn tiêu của Việt Nam đều có tuổi đời khá trẻ, từ 10-15 năm – thời điểm mà cây hạt tiêu cho năng suất cao nhất.
– Sản lượng và chất lượng ổn định: Ưu thế rất lớn của ngành hạt tiêu Việt Nam là chất lượng và sản lượng ổn định. Kể từ năm 2002 đến nay, khi giá hạt tiêu trên thị trường xuống thấp, trong khi nhiều nước đã giảm mạnh sản lượng thì Việt Nam vẫn duy trì được mức sản lượng cao. Ngoài ra hạt tiêu Việt Nam có hương vị (thơm, cay) và phẩm cấp lý hóa tính không thua kém tiêu của Indonesia và Ấn Độ nên có sự cạnh tranh tốt. Do đó, các nhà nhập khẩu rất an tâm với hạt tiêu Việt Nam.
3.2 Khó khăn:
– Phát triển thiếu quy hoạch: Việc phát triển cây hạt tiêu tại Việt Nam chủ yếu là do tự phát, chưa có định hướng quy hoạch cụ thể theo yêu cầu sinh thái tối ưu cho cây tiêu và theo nhu cầu thị trường, thiếu các tổ chức có đủ năng lực và tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực sản xuất. Quy mô sản xuất hạt tiêu Việt Nam vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ theo từng hộ cá thể, sản lượng và chất lượng phụ thuộc rất nhiều vào khí hậu, thời tiết, côn trùng và dịch bệnh. Vài năm trước khi giá tiêu tăng, giá cà phê giảm, nhiều nông dân đã phá bỏ cà phê để trồng tiêu. Điều này dẫn tới tổng diện tích trồng tiêu tăng lên nhanh chóng, từ 10.000 ha năm 1999, lên 42.000ha năm 2003 và 52.000 ha năm 2005.
– Nguồn vốn: Hầu hết nông dân thiếu vốn để sản xuất, chế biến lâu dài do đó việc sản xuất và kinh doanh tiêu Việt Nam không ổn định. Hạt tiêu thường được thu hoạch vào mùa mưa, dân không có vốn đầu tư cho thiết bị sấy, nên không kiểm soát được độ ẩm hạt, chế biến thường theo phương pháp thủ công. Đến nay nước ta mới có khoảng 6 doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến xử lý bằng hơi nước; 7 doanh nghiệp có dây chuyền tách tạp (que, cành, tạp chất, đất đá…). Điều này đã giải thích lý do tại sao Việt Nam không thể nâng cao tiêu chuẩn và thương hiệu cho mặt hàng hạt tiêu của mình và thường bị lỗ vì phải bán ở mức giá của người mua.
– Chất lượng tiêu: Các đơn vị kinh doanh mới chỉ tập trung thu mua để xuất khẩu, chưa chú trọng vào công nghệ chế biến sau thu hoạch để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản khiến cho giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam luôn có giá thấp hơn tiêu các nước 100 – 200 USD/tấn.
– Thương hiệu: Mặc dù kể từ năm 2002 Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt tiêu, nhưng cho đến nay, khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, vẫn chưa có thương hiệu hạt tiêu “Made in Vietnam”.
– Thiếu thông tin: Đại đa số nông dân trồng tiêu, nhà chế biến và nhà xuất khẩu tiêu đều không nắm rõ hay cập nhật được thông tin của ngành. Một minh chứng là gần đây, khi giá tiêu thế giới tăng vọt lên 2.000 USD/tấn, rồi 3.000 USD/tấn… thì lượng hàng của Việt Nam chỉ còn khoảng 40%. Hơn 60% lượng hạt tiêu đã được xuất trước đó với mức giá chỉ khoảng 1.200 USD/tấn. Có hai nguyên nhân chính làm ngành hạt tiêu Việt Nam thua thiệt so với các nước sản xuất khác trên thế giới: Thứ nhất, các doanh nghiệp thiếu thông tin, mua đến đâu bán đến đó mà không dự báo được cung trên thị trường không đủ cầu, trong khi các nhà buôn quốc tế dự báo được đã tranh thủ mua hàng với giá thấp. Thứ hai là các nhà xuất khẩu thiếu kế hoạch trong phương thức buôn bán. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn giữ thói quen có hàng thì mua, không có thì ngưng. Trong khi đó, các nhà buôn quốc tế có kế hoạch cụ thể, mua ở đâu, sản lượng bao nhiêu mỗi tháng, dự trữ bao nhiêu, bán cho ai, số lượng bán bao nhiêu…
– Liên hệ giữa nông dân và doanh nghiệp còn yếu: Chưa có những cuộc đối thoại trực tiếp nhằm trao đổi thông tin, giải quyết khúc mắc giữa nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông. Việc kiểm soát chất lượng chế biến chưa được chặt chẽ và quản lý sản phẩm trong vụ và chế biến sau vụ còn lỏng lẻo.
– Phương thức sản xuất lạc hậu: Việc sản xuất và chế biến tiêu của Việt Nam chủ yếu vẫn áp dụng các tập quán cũ, không biết cách phòng ngừa sâu bệnh, còn sử dụng nhiều phân hữu cơ. Các trang trại lớn thì thuê mướn nhân công chưa lành nghề chăm sóc vườn tiêu và đa phần chưa xem việc trồng tiêu là sản xuất hàng hóa. Nông dân không được đào tạo bài bản về cách thức sản xuất, thu hoạch và cất trữ tiêu. Ngoài ra, một trở ngại lớn đối với họ nữa là thiếu thông tin thị trường. Kết quả là sản lượng và chất lượng tiêu của Việt Nam khá thấp, trong khi chi phí sản xuất lại cao. Và khi giá tiêu hạ, nông dân sẽ bị thua lỗ. Hiện vẫn còn khoảng 50% diện tích tiêu trồng trên vùng đất trống không có vành đai chắn gió, sử dụng phân hữu cơ nên dễ dẫn đến tình trạng đất bị xói mòn, giảm dưỡng chất, khiến tuổi thọ vườn cây không dài, bị cằn cỗi và phát sinh nhiều sâu bệnh. Hiện vẫn còn 30% các vườn tiêu ở vào giai đoạn trên 20 năm tuổi hoặc khai thác theo kiểu “mì ăn liền” cần cải tạo trong khi việc giảm giá liên tục trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến việc tái đầu tư, trồng mới của nông dân. Các trở ngại trên đang là nguy cơ giảm sản lượng hạt tiêu trong các mùa vụ tới.
– Tầm nhìn cho sự phát triển còn hạn hẹp: Cả khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đều thiếu một tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của ngành với chính sách đúng đắn và mục tiêu cụ thể.
Để lại một bình luận