Cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt là cấu trúc bên trong của ngành trồng trọt. Nó bao gồm các bộ phận hợp thành và các mối quan hệ tỷ lệ hữu cơ giữa các bộ phận đó trong điều kiện thời gian và không gian nhất định.
Cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt bao gồm những nội dung như: cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt theo ngành, cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt theo vùng kinh tế lãnh thổ và cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt theo thành phần kinh tế. Tất cả những nội dung đó gắn bó hữu cơ với nhau, trong đó cơ cấu ngành giữ vai trò là hạt nhân.
Ngành trồng trọt bao gồm các tiểu ngành sản xuất, chuyên môn hoá như: sản xuất lương thực, sản xuất cây công nghiệp, sản xuất cây ăn quả, sản xuất rau… Chúng được hình thành trên cơ sở phân công lao động trong quá trình sản xuất. Các tiểu ngành các bộ phận sản xuất trong ngành trồng trọt chúng phát triển và kết hợp với nhau theo một tỷ lệ nhất định tạo thành cơ cấu ngành trồng trọt.
Cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt là một nội dung chủ yếu trong chiến lược phát triển nông nghiệp của mỗi nước. Tuỳ thuộc vào giai đoạn phát triển nhất định của nền kinh tế với điều kiện kỹ thuật, kinh tế, xã hội và tự nhiên của mỗi nước mà xây dựng cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt cho phù hợp và hiệu quả.
ở các nước phát triển, trình độ phát triển kinh tế cao, cơ sở vật chất – kỹ thuật trong nông nghiệp to lớn và hiện đại, nhu cầu thị trường đòi hỏi nhiều loại nông sản đa dạng với chất lượng cao. Vì vậy ngành trồng trọt ở các nước này đã phát triển mạnh mẽ và đạt trình độ phát triển cao với cơ cấu sản xuất hợp lý gồm nhiều loại sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với tiềm năng của mỗi nước. Những sản phẩm trồng trọt ở đây bao gồm: Sản phẩm cây lương thực, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, rau đậu, cây thức ăn gia súc, cây hoa… ở các nước đang phát triển, cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt còn đơn giản. Trước đây, một số nước độc canh sản xuất lương thực để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu hoặc một số nước độc canh cây công nghiệp, cây ăn quả v.v… theo yêu cầu cung cấp nguyên liệu cho các nước cho nước khác. Hiện nay ngành trồng trọt các nước đang phát triển đang có xu hướng phá dần thế độc canh, chuyển sang phát triển ngành trồng trọt đa canh, có nhiều sản phẩm hàng hoá đáp ứng thị trường và khai thác hợp lý lợi thế của mỗi nước.
ở nước ta ngành trồng trọt đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ phá thế độc canh sản xuất lương thực, trong đó chủ yếu là lúa nước sang phát triển ngành trồng trọt đa canh với nhiều nông sản hàng hoá và hàng hoá xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.
Ngoài sản xuất cây lương thực đang mở rộng dần việc sản xuất rau đậu cây công nghiệp và cây ăn quả v.v… tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực giảm dần, từ 66,63% năm 1990 xuống còn 63,80% năm 1999; tỷ trọng gía trị sản xuất rau đậu và cây công nghiệp tăng, nhất là cây công nghiệp từ 14,52% năm 1990 tăng lên 19,45% năm 1998 và 20,66% năm 1999.
Sự chuyển dịch cơ cấu trồng trọt như trên cho phép khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của từng vùng và cả nước, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu đồng thời tạo cơ sở đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước. Tuy nhiên việc chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt ở nước ta vẫn còn chậm; tỷ trọng sản xuất lương thực còn quá lớn trong khi đó tỷ trọng cây rai đậu, cây công nghiệp, cây ăn quả v.v… còn thấp. Vì vậy thời gian tới phải tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt ở nước ta theo hướng là phát triển ngành trồng trọt đa canh trên cơ sở chuyên môn hoá và thâm canh cao. Nâng cao nhanh năng suất cây lương thực, để từng bước giảm dần diện tích cây lương thực một cách hợp lý. Đồng thời mở rộng, tăng nhanh sản lượng và diện tích các loại cây công nghiệp, cây ăn qua, cây rau và hoa, cây dược liệu đó là những cây cho sản phẩm có giá trị kinh tế cao và nhu cầu thị trường ngày càng nhiều. Song để xác định cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt hợp lý có thể dựa vào các căn cứ sau:
– Trước hết phải dựa vào mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và chiến lược phát triển nông nghiệp để xây dụng cơ cấu ngành trồng trọt. Cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt phải hướng vào phát triển mạnh sản xuất hàng hoá để đáp ứng nhu cầu thị trường và đặc biệt hướng mạnh vào thị trường xuất khẩu.
– Tiến hành phân tích sự tác động tổng hợp của các nhân tố ảnh hưởng đến xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt như:
+ Nhu cầu của thị trường về các loại sản phẩm của ngành trồng trọt. Nhu cầu thị trường vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt. Phải tính toán và đánh giá đầy đủ nhu cầu thị trường để lựa chọn những cây trồng và cơ cấu cây trồng có hiệu quả.
+ Nhân tố về điều kiện tự nhiên như: đất đai, vị trí địa lý, khí hậu, nguồn nước, tiềm năng sinh vật, cần phải được xem xét đánh giá đúng để làm cơ sở cho việc xây dựng cơ cấu và bố trí cây trồng phù hợp trên mỗi vùng và cả nước.
+ Tiến bộ khoa học và công nghệ và khả năng ứng dụng nó vào sản xuất của mỗi nước có ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng cơ cấu ngành trồng trọt hợp lý.
+ Cơ chế chính sách của Nhà nước có tác động lớn và trực tiếp ảnh hưởng đến việc xây dựng và chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt.
– Ngoài những căn cứ trên việc lựa chọn, xác định cơ cấu ngành trồng trọt cần phải xem xét và giải quyết tốt các mối quan hệ giữa sản xuất lương thực và thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; mối quan hệ giữa cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày đáp ứng nhu cầu nguyên liệu và xuất khẩu. Trong sản xuất lương thực cần giải quyết mối quan hệ giữa lúa và màu, nhất là những cây có hàm lượng dinh dưỡng cao để làm thứ ăn cho chăn nuôi và chế biến thực phẩm như ngô, đậu tương v.v…
Để lại một bình luận