Cây lương thực chính là những cây có hạt, có tác dụng nuôi sống con người và gia súc, ở nước ta cây lương thực chính gồm: lúa, ngô, đậu, đỗ trong
đó lúa là cây lương thực quan trọng nhất.
Sản xuất lương thực là ngành chủ yếu của sản xuất nông nghiệp, điều quan trọng bậc nhất đảm bảo sự hìng cường về mặt kinh tế của đất nước. Các nhà kinh tế đều có ý kiến thống nhất rằng điều kiện tiên quyết cho sự phát triển là phải tăng cung lương thực cho nền kinh tế quốc dân, bằng việc phát triển sản xuất hoặc nhập khẩu lương thực, điều đó tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia. Vì vậy phát triển mạnh sản xuất lương thực, giải quyết tốt vấn đề lương thực có ý nghĩa kinh tế to lớn đối với nền kinh tế cũng như đối với nông nghiệp.
Lương thực là bộ phận chủ yếu cấu thành trong nguồn thức ăn hàng ngày của con người. Nó thoả mãn nhu cầu về năng lượng cho cơ thể con người với giá rẻ. Nó là loại sản phẩm thiết yếu của đời sống con người và không thể thay thế được.
Sản xuất lương thực là cơ sở của sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế quốc dân khác. Tốc độ phát triển và quan hệ tỷ lệ giữa các ngành sản xuất vật chất trong đó có nông nghiệp, trong chừng mực nhất định phụ thuộc vào sự phát triển và năng suất lao động của ngành sản xuất lương thực.
Giải quyết vấn đề lương thực có tác dụng to lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước. Nó cung cấp lương thực cho dân cư phi nông nghiệp và nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp chế biến.
Phát triển sản xuất lương thực có ý nghĩa to lớn đối với việc củng cố về tăng cường khả năng quốc phòng, tăng nguồn dự trữ quốc gia để phòng chống thiên tai.
Trong quá trình tổ chức sản xuất lương thực cần chú ý những đặc điểm sau đây:
Cây lương thực có vị trí quan trọng, vì thế nhiều nước trên thế giới rất coi trọng phát triển cây lương thực, tìm các biện pháp để tăng nhanh năng suất ruộng đất, năng suất lao động trong khu vực sản xuất lương thực, nhằm giải phóng từng phần diện tích và sức lao động ra khỏi khu vực sản xuất lương thực. ở nước ta đến năm 2000, diện tích cây lương thực còn chiếm trên 67,11% tổng diện tích gieo trồng và chiếm tỷ lệ đáng kể lao động xã hội của nông nghiệp. Vì vậy việc nâng cao năng suất ruộng đất, năng suất lao động trong ngành sản xuất lương thực là vấn đề cấp bách và có ý nghĩa to lớn đối với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Lương thực là nhu cầu cơ bản của cuộc sống hàng ngày của nhân dân, vì thế việc phát triển sản xuất lương thực để nâng cao chỉ tiêu sản lượng lương thực và mức lương thực bình quân đầu người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sản xuất lương thực ở nước ta ngoài lúa và ngô còn có đậu đỗ các loại cũng là cây lương thực quan trọng.
Lương thực là nhu cầu hàng ngày của nhân dân, điều kiện sản xuất không khắt khe cho nên ngoài những vùng sản xuất chuyên môn hoá lớn, các địa phương cần bố trí sản xuất ruộng rãi nhằm tận dụng đất đai, tiết kiệm chi phí vận chuyển đáp ứng nhu cầu tại chỗ.
Từ lâu ở nước ta lương thực vẫn là ngành sản xuất chính của nông nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.
Trước cách mạng tháng tám, đặc trưng nổi bật của sản xuất lương thực nước ta là độc canh sản xuất lúa nước, trình độ kỹ thuật rất thô sơ, năng suất lúa rất thấp 10-13 tạ/ha, diện tích trồng lúa chiếm tới 90% tổng diện tích gieo trồng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng và Nhà nước có cố gắng lớn thúc đẩy sản xuất lương thực phát triển đáp ứng nhu cầu kháng chiến thắng lợi.
Từ khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, do kéo dài cơ chế kinh tế thời chiến và tư tưởng tự cung tự cấp, sản xuất nông nghiệp noi chung và sản xuất lương thực nói riêng gặp nhiều khó khăn. Thời kỳ 1976-1980 nước ta phải nhập 5,6 triệu tấn lương thực qui gạo, bình quân mỗi năm nhập 1,1 triệu tấn.
Thời kỳ đổi mới kinh tế, từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) nền kinh tế Việt Nam đã khởi sắc, trong đó nông nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, nổi bật là giải quyết được vấn đề lương thực. Cho đến nay, sau 15 năm đổi mới nông nghiệp nước ta đã giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, biến Việt Nam từ nước thiếu lương thực triền miên thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Trong hai năm liền 1998,1999 mỗi năm xuất khẩu gạo với kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Trong lương thực sản xuất lúa tăng nhanh cả về diện tích và sản lượng. Nếu năm 1990 diện tích lúa là 6,027 triệu ha thì năm 2000 tăng lên 7,549 triệu ha do khai hoang và tăng vụ. Sản lượng lúa tăng từ 19,2 triệu tấn, năm 1990 lên 32,55 triệu tấn năm 2000 và đang có xu hướng tăng, đó là do diện tích và năng suất lúa đều tăng mà đặc biệt là năng suất lúa tăng từ 32 tạ/ha năm 1990 lên 42,5 tạ/ha năm 2000.
Việc sản xuất màu lương thực có chiều hướng tăng chậm cả về diện tích và sản lượng. Năm 1990 diện tích ngô là 0,431 triệu ha lên 0,714 triệu ha năm 2000, về sản lượng từ 0,671 triệu tấn năm 1990 lên 1,90 triệu tấn năm 2000.
Công tác chế biến lương thực ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc chế biến màu còn nhiều hạn chế, chất lượng kém, chủng loại nghèo nàn v.v… Việc chế biến gạo đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên so với yêu cầu chế biến nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu của nước ta còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ gạo gẫy 10%, 15% tấm và 25% tấm còn chiếm tỷ lệ cao. Năm 1999 tỷ lệ gạo 25% tấm còn chiếm 35% và tỷ lệ thóc lẫn trong gạo còn cao, ảnh hưởng đến chất lượng gạo nhất là gạo xuất khẩu.
Để lại một bình luận