1. Thuận lợi:
– Nhận định của Tổ chức cà phê quốc tế cho thấy, ở một số vùng trồng cà phê, hiện tượng El Nino có thể ảnh hưởng xấu đến sản lượng cà phê niên vụ 2007-2008. Do đó, dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2007-2008 có thể đạt khoảng 109-112 triệu bao, trong khi nhu cầu tiêu thụ khoảng 118-120 triệu bao. Vì vậy, sự phục hồi của giá cà phê còn có thể tiếp tục duy trì trong năm 2007. Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho rằng, với đà xuất khẩu hiện nay, từ nay đến cuối năm mặt hàng cà phê tiếp tục có cơ hội đạt mức tăng trưởng cao về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.
– Người dân đã nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị trường, khá am hiểu quy luật cung cầu của thị trường thế giới để chủ động lượng cà phê bán ra nhằm hạn chế rủi ro.
– Hiện nay, tình hình thời tiết không thuận lợi đang khiến thị trường thế giới theo xu hướng cung không đủ cầu, bởi vậy, giá cà phê còn tiếp tục tăng, có lợi cho xuất khẩu cà phê Việt Nam – nơi đang cung cấp tới trên 40% lượng cà phế trên thế giới.
– Ngoài yếu tố thuận lợi về giá, việc đa dạng hoá sản phẩm cũng góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này. Cà phê Việt Nam không chỉ được biết đến ở 71 quốc gia và lãnh thổ dưới dạng nhân sống chất lượng cao mà còn được người tiêu dùng thế giới thưởng thức dưới dạng hoà tan. Với tổng diện tích gần 500 ngàn ha, kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 13% tổng giá trị xuất khẩu nông sản, cà phê vẫn được coi là một trong những cây trồng chiến lược trong quá trình phát triển nền nông nghiệp hàng hoá ở Việt Nam, xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người nông dân.
2. Khó khăn:
– Về chính sách thuế: Việt Nam không nằm trong số những nước được ưu tiên về thuế quan đối với các sản phẩm cà phê hoà tan khi tham gia vào các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, và EU… Các nước này áp dụng thuế nhập khẩu gần như bằng 0% đối với hầu hết các nước xuất khẩu cà phê ở châu Mỹ. Trong khi đó mức thuế này hiện áp dụng đối với Việt Nam là từ 2,6% đến 3,1%. Bên cạnh đó, nhiều nước sử dụng hàng rào phi thuế quan như là biện pháp bảo hộ ngành công nghiệp chế biến cà phê trong nước. Đây là những rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập trực tiếp vào các thị trường này và buộc phải xuất khẩu qua các công ty trung gian ở các nước được hưởng mức thuế quan ưu đãi hơn.
– Về chiến lược phát triển ngành cà phê trong tổng thể ngành nông nghiệp Việt Nam: hiện nay, các mục tiêu đề ra đối với ngành cà phê Việt Nam trong những năm tới chưa được đặt chung trong bối cảnh phát triển chung của ngành nông nghiệp cũng như ngành kinh tế Việt Nam. Các chính sách do các cơ quan chức năng ban hành còn thiếu tính linh hoạt.
– Vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn nhanh nhưng chưa tương xứng, mặc dù trong 10 năm qua, nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng như giao thông, truyền thông, thuỷ lợi, điện… đã có những chuyển biến đáng kể. Ví dụ như đường giao thông kém sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, giảm giá thu mua tại các điểm thu mua cà phê khác nhau, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, đường càng xấu thì giá càng thấp.
– Hệ thống kiểm tra, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm còn yếu kém và lạc hậu. Các nước có mức tiêu thụ cà phê lớn coi trọng vấn đề kiểm tra và giám sát chất lượng, xuất xứ và thương hiệu của hàng hoá, trong khi ở Việt Nam hoạt động này chưa được chú trọng đối với ngành cà phê từ sản xuất đến xuất khẩu. Hiện tượng bán hàng giả dưới tên các thương hiệu cà phê nổi tiếng có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Điều này tạo nên những bất lợi đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ do chi phí để bảo vệ thương hiệu hàng hoá vượt quá sức của họ.
– Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực sự thực hiện các giao dịch kinh tế quốc tế trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Do đó, nhiều chủ doanh nghiệp thiếu những kỹ năng cơ bản khai thác, xử lý tin tức và đàm phán thương mại. Hơn nữa, sự phát triển rầm rộ của các doanh nghiệp tham gia chế biến và xuất khẩu cà phê chủ yếu trong giai đoạn giá cà phê thế giới cao nên những kỹ năng này chưa được chú trọng đúng mức.
– Gia nhập WTO sự cạnh tranh đang diễn ra rất gay gắt. Các doanh nghiệp nước ngoài có ưu thế lớn về vốn và công nghệ, nên đầu tư xây dựng những khu chế biến cà phê nhân xuất khẩu chất lượng cao rất hoàn chỉnh và đồng bộ. Trong thời gian tới, tỷ trọng này sẽ tăng lên nhanh do họ có ưu thế vượt trội về vốn, trình độ năng lực quản lý, kinh nghiệm, thị trường và mạng lưới khách hàng. Lúc đó, các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, không cạnh tranh được sẽ bị giải thể phá sản hay trở thành đại lý thu mua, gom hàng cho các doanh nghiệp nước ngoài.
– Uy tín của cà phê Việt Nam đang bị giảm sút nghiêm trọng. Chất lượng cà phê Việt Nam chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng, Việt Nam chưa có tên trong số 25 nước đang tự nguyện ghi lên chứng chỉ xuất xứ về chất lượng cà phê xuất khẩu của mình. Hiện nay, phần lớn DN chế biến trong nước vẫn xuất khẩu chủ yếu cà phê được phân loại theo tiêu chuẩn cũ (TCVN 4193-93), với các chỉ tiêu sơ đẳng là phần trăm lượng ẩm, tỷ lệ hạt vỡ và tạp chất. Tiêu chuẩn mới (TCVN 4193:2005) đã được ICO coi là văn bản chuẩn để phân loại cà phê lại chưa được áp dụng.
– Phát triển diện tích cà phê ồ ạt, không theo qui hoạch, kế hoạch này đã nằm ngoài tầm kiểm soát của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng. Đặc biệt, nghiêm trọng hơn, phần lớn diện tích cà phê mới phát triển sau này đều được trồng ở những vùng không có, hoặc thiếu nguồn nước tưới, đất trồng cà phê không đủ tiêu chuẩn (nghèo dinh dưỡng, tầng đất mỏng, đất dốc). Vi phạm các qui trình kỹ thuật trồng, chăm sóc ngay từ khâu khai hoang, làm đất, cây trồng xen che phủ…Việc tăng nhanh diện tích cà phê này không những không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến tài nguyên môi trường…
Để lại một bình luận