Nhìn chung, văn hoá có tám yếu tố cấu thành cơ bản là:
– Ngôn ngữ, bao gồm ngôn ngữ có lời và ngôn ngữ không lời.
– Tôn giáo
– Các giá trị và thái độ
– Phong tục tập quán và thói quen
– Đời sống vật chất
– Nghệ thuật
– Giáo dục
– Cấu trúc xã hội
Dựa trên tám yếu tố cấu thành của văn hoá, ta có thể thấy văn hoá bao gồm cả những yếu tố vật chất (như hàng hoá, công cụ lao động) và các yếu tố phi vật chất (như tôn giáo, các giá trị…). Ở những mức độ khác nhau, các yếu tố này đều có ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội của con người, cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này sẽ được phân tích rõ trong mục 1.2 (trang 36).
– Ngôn ngữ:
Ngôn ngữ là một yếu tố hết sức quan trọng của văn hoá. Ngôn ngữ được coi là tấm gương để phản ánh văn hoá. Chính nhờ ngôn ngữ mà con người mới có thể xây dựng và duy trì văn hoá của mình. Sở dĩ như vậy là vì văn hoá được duy trì nhờ truyền thống, mà cơ chế truyền thống hoạt động được là nhờ có ngôn ngữ làm công cụ lưu trữ và truyền đạt thông tin. Theo L.White, tế bào là cơ sở của mọi quá trình sống, còn ngôn ngữ là cội nguồn của toàn bộ hành vi và văn minh của loài người.
Ngôn ngữ còn giúp chúng ta tạo dựng một nhận thức về thế giới. Ngôn ngữ của một quốc gia có thể hướng sự chú ý của các thành viên vào một số đặc trưng nhất định của thế giới. Một minh hoạ rõ ràng cho hiện tượng này là hầu hết các ngôn ngữ châu Âu chỉ có một từ về tuyết, nhưng ngôn ngữ của người Eskimo lại không có một thuật ngữ chung về tuyết. Thay vào đó, họ có tới 24 từ mô tả các trạng thái khác nhau của tuyết (chẳng hạn như tuyết bột, tuyết rơi, tuyết ướt…), bởi vì việc phân biệt các dạng tuyết rất quan trọng với đời sống của người Eskimo. Hay trong tiếng Anh chỉ có 1 từ sun để chỉ nắng, nhưng trong từ điển Lạc Việt có tới 18 từ chỉ các sắc thái nắng khác nhau như nắng quái, nắng sớm, nắng xiên khoai…, vì việc miêu tả chính xác các mức độ nắng khác nhau rất quan trọng cho nông nghiệp ở Việt Nam.
Vì ngôn ngữ hình thành nên cách con người nhận thức về thế giới nên nó cũng có tác dụng định hình đặc điểm văn hoá. Ở những nước có nhiều ngôn ngữ người ta cũng thấy có nhiều nền văn hoá. Ví dụ, ở Canađa có hai nền văn hoá: nền văn hoá tiếng Anh và nền văn hoá tiếng Pháp. Sự căng thẳng giữa hai nền văn hoá có phần tăng lên và bộ phân dân nói tiếng Pháp đã từng đòi tách ra khỏi Canađa – quốc gia do người nói tiếng Anh hiện chiếm đa số. Người ta có thể thấy hiện tượng tương tự ở nhiều nước khác nhau trên thế giới như ở Bỉ, ở Tây Ban Nha… Tuy nhiên, không phải lúc nào sự khác biệt về ngôn ngữ cũng dẫn đến sự khác biệt về văn hoá (ví dụ có đến bốn ngôn ngữ được sử dụng ở Thụy Sỹ), nhưng nhìn chung thì điều này có xu hướng xảy ra .
Bảng 2.7. dưới đây cho ta thấy tiếng Hoa là tiếng mẹ đẻ của một số lượng người đông nhất thế giới, tiếp theo là tiếng Anh và tiếng Ấn Độ (tiếng Hindu – ngôn ngữ được dùng ở Ấn Độ). Tuy vậy, ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trong các giao tiếp quốc tế hiện nay lại là tiếng Anh, tiếp sau là tiếng Pháp, Tây Ban Nha và tiếng Hoa (nhiều người sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai của họ).
Tuy nhiên, khi bàn về ngôn ngữ, chúng ta không thể chỉ lưu ý đến ngôn ngữ chính thức là ngôn ngữ có lời (verbal language). Bản thân ngôn ngữ đã rất đa dạng. Trong giao tiếp, thông điệp không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn cả bằng ngôn ngữ không lời (non – verbal language).
Thông điệp được chuyển giao bằng nội dung của từ ngữ, bằng cách diễn tả các thông tin đó (ví dụ như âm điệu giọng nói) và bằng cả các phương tiện không lời như cử chỉ, tư thế, ánh mắt… Tất cả chúng ta đều giao tiếp với nhau bằng nhiều biểu hiện của ngôn ngữ không lời. Ví dụ: một cái ngước mắt là dấu hiệu nhận biết, nụ cười là dấu hiệu vui vẻ ở nhiều nền văn hoá. Tuy nhiên, một số dấu hiệu của ngôn ngữ cử chỉ lại bị giới hạn về mặt văn hoá.. Ví dụ: dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái tạo thành một vòng tròn là biểu hiện thân thiện ở Hoa Kỳ nhưng lại là một lời mời mọc khiếm nhã ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Tương tự như vậy, trong khi phần lớn người Hoa Kỳ và Châu Âu khi giơ ngón cái lên hàm ý “mọi thứ đều ổn”, thì ở Hy Lạp, dấu hiệu đó là mang ý khiêu dâm.
Một khía cạnh nữa của ngôn ngữ là khoảng cách – khoảng cách thích hợp giữa bạn và người mà bạn đang nói chuyện. Ở Hoa Kỳ, thông thường khoảng cách giữa mọi người trong các cuộc bàn bạc làm ăn là từ 5 – 8 feet (tương đương với 1,5 – 2,4m), ở Châu Mỹ La tinh là từ 1 – 3 feet (khoảng 0,3 – 1m). Hậu quả của việc này là người Bắc Hoa Kỳ sẽ vô tình cảm thấy là người Hoa Kỳ La tinh đang xâm phạm không gian của mình và có thể sẽ quay lưng lại với họ. Ngược lại, người Hoa Kỳ La tinh có thể cho rằng sự lùi ra xa là thái độ cách biệt. Điều đó có thể dẫn đến kết quả đáng tiếc là không thiết lập được mối quan hệ giữa hai nhà kinh doanh ở hai nền văn hoá khác nhau đó.
– Tôn giáo:
Tôn giáo có thể được định nghĩa như một hệ thống các tín ngưỡng và nghi thức liên quan đến lĩnh vực thần thánh. Mối liên hệ giữa tôn giáo và đời sống xã hội rất tinh tế và sâu sắc. Trên thế giới hiện nay tồn tại hàng nghìn tôn giáo khác nhau, nhưng có năm tôn giáo lớn nhất, đó là Đạo Thiên Chúa, Đạo Hồi, Đạo Hindu, Đạo Phật và Đạo Khổng. Tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực trong đời sống con người, kể cả kinh doanh. Các lễ nghi đạo giáo có thể cấm sử dụng một số hàng hoá hay dịch vụ nào đó (như thịt lợn ở các nước Hồi giáo).
Tôn giáo ảnh hưởng lớn đến vai trò của nam giới và nữ giới, cũng như các tập quán và đạo đức xã hội, chẳng hạn như các nghi lễ đám cưới, đám ma… Hầu hết các tôn giáo đều hạn chế vai trò của nữ giới trong xã hội, đặc biệt là đạo Hồi. Tại các nước theo đạo Hồi, vai trò của người phụ nữ bị giới hạn trong gia đình, mà ngay cả trong các quan hệ gia đình cũng vẫn có sự phân biệt đối xử. Ngoài ra, đàn ông là tín đồ đạo Hồi có thể lấy tới bốn vợ, nhưng phụ nữ chỉ được lấy một chồng.
Tôn giáo còn ảnh hưởng tới lối sống. Nó tạo ra các mối quan hệ quyền lực, trách nhiệm và bổn phận của mỗi cá nhân, kể cả trẻ em và người lớn. Giáo hội Thiên chúa giáo đến tận bây giờ vẫn tiếp tục cấm sử dụng các biện pháp tránh thai. Đạo Phật cấm sát sinh, nên các tín đồ trung thành thường mua cá để phóng sinh vào các ngày rằm và mồng một. Có thể nói, tôn giáo có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
– Các giá trị và thái độ:
Giá trị (value) là những niềm tin và chuẩn mực chung cho một tập thể người được các thành viên chấp nhận, còn thái độ (attitude) là sự đánh giá những giải pháp khác nhau dựa trên những giá trị này. Nền văn hoá Nhật đã dựng lên một bức tường vô hình, thường là không thể vượt qua để chống lại các gaijin (tức là người nước ngoài). Ví dụ: rất nhiều quan chức tuổi trung niên của Chính phủ và các công ty cho rằng dùng hàng nước ngoài là không yêu nước. Tương tự như vậy, những công ty nước ngoài thường gặp khó khăn trong việc thuê những nhân viên có trình độ đại học hay các nhân viên lâu năm do ý thức chống đối ông chủ nước ngoài của những người này.
– Phong tục tập quán và chuẩn mực đạo đức:
Phong tục tập quán và chuẩn mực đạo đức là những luật lệ xã hội để kiểm soát hành động của người này với người kia. Phong tục tập quán (folkways) là những quy ước thông thường của cuộc sống hàng ngày. Nói chung, phong tục tập quán là những hành động ít mang tính đạo đức. Phong tục tập quán chỉ là những quy ước xã hội có liên quan đến các vấn đề như: nên ăn mặc như thế nào trong từng hoàn cảnh cụ thể, như thế nào thì được coi là cách cư xử đúng đắn, cách sử dụng các đồ dùng ăn uống (dao, dĩa, đũa…) trong bữa ăn, cách xử sự với những người xung quanh…
Trong khi phong tục tập quán quy định các cách cư xử được coi là phù hợp thì vi phạm phong tục tập quán không phải là vấn đề nghiêm trọng. Người vi phạm phong tục tập quán chỉ bị coi là lập dị hoặc không biết cách cư xử, chứ ít khi bị coi là hư hỏng hay xấu xa. Ở nhiều nước, người nước ngoài có thể được tha thứ cho việc vi phạm phong tục tập quán lần đầu tiên.
Một ví dụ điển hình về tập quán là vấn đề thời gian ở các nước khác nhau. Ở Hoa Kỳ, mọi người rất coi trọng thời gian. Người Hoa Kỳ thường đến sớm vài phút trong các cuộc gặp gỡ kinh doanh. Khi họ mời ai ăn tối, đến đúng giờ hoặc chỉ trễ vài phút được coi là lịch sự. Nhưng ở các nước khác, quan niệm về thời gian có thể khác biệt hoàn toàn. Đến muộn một chút trong các buổi hẹn gặp vì công việc không nhất thiết bị coi là bất lịch sự. Khi được mời ăn tối, đến đúng giờ có thể bị coi là xử sự kém. Ví dụ, ở Anh, khi một người mời bạn đến ăn tối lúc 7h00 có nghĩa là bạn đến vào khoảng từ 7 – 8h00 tối. Nếu bạn đến lúc 7h00, bạn sẽ làm chủ nhà lúng túng vì chưa chuẩn bị xong. Tương tự như vậy, khi người Argentina nói “Mời anh đến dùng bữa lúc 8h00” có nghĩa là “Không nên đến lúc 8h00 tối, lúc đó là quá sớm”.
Tục lệ, tập tục (mores) là những quy tắc được coi là trọng tâm trong việc thực hiện các chức năng xã hội và của đời sống xã hội. Những tập tục này có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với tập quán. Do đó, việc làm trái tập tục có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng. Tập tục bao gồm các yếu tố như sự lên án các hành động trộm cắp, ngoại tình, loạn luân và giết người. Ở nhiều xã hội, một số tập tục đã được cụ thể hoá trong luật pháp. Hầu hết các xã hội phát triển đều có luật chống trộm cắp, loạn luân và giết người. Mặc dù vậy, có rất nhiều sự khác biệt giữa các nền văn hoá trong việc xây dựng các tập tục. Ví dụ, ở Hoa Kỳ việc uống rượu được coi là bình thường, trong khi đó ở Arab Saudi, việc uống rượu bị coi là vi phạm tục lệ nghiêm trọng và có thể bị bỏ tù.
– Đời sống vật chất:
Trong thời đại ngày nay, nền văn hoá vật chất được khởi đầu từ Hoa Kỳ và có xu hướng lan rộng khắp các nước trên thế giới. Một nền văn hoá vật chất thường được coi là kết quả của công nghệ và được liên hệ trực tiếp tới việc xã hội đó tổ chức hoạt động kinh tế của mình như thế nào. Văn hoá vật chất thể hiện qua đời sống vật chất của quốc gia đó. Chính vì vậy, nó cũng có ảnh hưởng to lớn đến trình độ dân trí, lối sống của các thành viên trong nền văn hoá đó.
– Mỹ học (Asthetic)
Mỹ học bao gồm những ngành nghệ thuật hội họa, điêu khắc, kịch, âm nhạc, dân ca, kiến trúc… Hoa Kỳ học chủ yếu nhằm chuyển tải khái niệm về cái đẹp trong một nền văn hoá. Mỗi một nền văn hoá có thể định ra một khái niệm hoàn toàn khác về cái đẹp. Quan niệm về vẻ đẹp của phụ nữ trên thế giới là một ví dụ điển hình. Mặc dù cả ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ, mẫu người thon thả đang là mốt, nhưng những chi tiết khác thì lại hoàn toàn không giống nhau. Ở châu Âu và châu Mỹ, người ta ưa chuộng những phụ nữ có dáng mạnh khoẻ, dẻo dai, gò má cao, miệng rộng, mắt xếch, da rám nắng và có thể tỏ ra khêu gợi, trong khi người Châu Á lại thích phụ nữ mảnh mai, dịu dàng với khuôn mặt trái xoan đều đặn, nước da trắng. Gò má cao và miệng rộng bị coi là nhược điểm ở Châu Á. Sự khác biệt còn lớn hơn nữa nếu chúng ta xem xét vẻ đẹp phụ nữ qua các bức tranh cổ. Theo quan niệm hiện đại, thật khó có thể cho rằng Mona Lisa là một người đẹp. Còn các người mẫu nổi tiếng hiện này như Claudia Schiffer và Naomi Campbell với chiều cao 1,8m và trọng lượng 50kg, nếu rơi vào thời của danh họa Rubens chắc sẽ thất bại thảm hại bên cạnh những người đẹp tóc vàng mũm mĩm mà thân hình tròn trĩnh của họ được coi là ưu điểm lớn nhất thời bấy giờ.
Chính quan niệm về cái đẹp, về sự đúng đắn hình thành nên ngôn ngữ giao tiếp tượng trưng (symbolic language of communication). Trong nhiều trường hợp, ngôn ngữ này còn quan trọng hơn lời nói. Vì vậy, khi tiếp xúc với thành viên của một nền văn hoá khác, chúng ta cần ý thức được sự khác biệt đó giữa các nền văn hoá và có cách cư xử cho phù hợp, nhằm tránh được những hiểu lầm đáng tiếc.
– Giáo dục:
Một nền giáo dục, dù chính quy hay không, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc vượt qua và chia sẻ những trở ngại về văn hoá. Giáo dục chính quy là nền giáo dục mà học viên, nhất là lớp trẻ, được tiếp nhận tại nhà trường, còn giáo dục không chính quy là những gì họ tiếp thu được ở gia đình và xã hội. Nền giáo dục chính quy đóng vai trò chủ chốt trong xã hội, thông qua đó các cá nhân có thể học được rất nhiều kỹ năng cần thiết trong xã hội hiện đại về ngôn ngữ, nhận thức hay toán học. Cùng với giáo dục gia đình, giáo dục chính quy có vai trò bổ sung vào việc giáo dục giới trẻ những giá trị và chuẩn mực xã hội. Nhà trường cũng giáo dục cho học sinh những nghĩa vụ cơ bản của công dân và những chuẩn mực xã hội như tôn trọng người khác, tuân thủ luật pháp, trung thực, gọn gàng, ngăn nắp, đúng giờ… Việc đánh giá kết quả học tập theo điểm cũng giáo dục cho học sinh thấy giá trị thành công của mỗi cá nhân và khuyến khích tinh thần cạnh tranh ở học sinh.
Trình độ giáo dục của một cộng đồng có thể đánh giá qua tỷ lệ người biết đọc biết viết, tỷ lệ người tốt nghiệp phổ thông, trung học hay đại học… Đây chính là yếu tố quyết định sự phát triển của văn hoá vì nó sẽ giúp các thành viên trong một nền văn hoá kế thừa được những giá trị văn hoá cổ truyền và học hỏi những giá trị mới từ các nền văn hoá khác.
– Cấu trúc xã hội:
Nói đến cấu trúc xã hội là nói đến cách thức tổ chức cơ bản của xã hội đó. Tuy cấu trúc xã hội bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng trong đó nổi lên hai đặc điểm đặc biệt quan trọng giúp ta phân biệt sự khác nhau giữa các nền văn hoá. Đặc điểm đầu tiên là mức độ coi trọng tính cá nhân (và đối lập với nó là tập thể ) của từng xã hội. Các xã hội phương Tây có xu hướng nhấn mạnh ưu thế của cá nhân, trong khi nhiều xã hội khác lại coi trọng tập thể hơn. Đặc điểm thứ hai là khoảng cách phân cấp của xã hội. Một số xã hội có khoảng cách phân cấp cao và mức độ linh hoạt chuyển đổi giữa các giai cấp thấp (ví dụ như Ấn Độ và trong chừng mực thấp hơn là Anh quốc). Trong khi đó, ở một số xã hội khác khoảng cách phân cấp ít hơn, nhưng lại linh hoạt hơn trong việc chuyển đổi giai cấp (ví dụ như Hoa Kỳ).
– Vai trò của cá nhân và tập thể trong xã hội:
Trong một số xã hội, đặc trưng cá nhân và những thành tích của cá nhân được coi là quan trọng hơn là tư cách thành viên tập thể, trong khi một số xã hội khác thì ngược lại. Chủ nghĩa cá nhân ảnh hưởng nhiều đến triết lý chính trị. Chủ nghĩa Tư bản được xây dựng trên cơ sở tôn trọng chủ nghĩa cá nhân, trong khi Chủ nghĩa Xã hội lại được xây dựng dựa trên lý thuyết về chủ nghĩa tập thể. Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân còn lớn hơn khái niệm chính trị trừu tượng. Ở nhiều nước phương Tây, cá nhân được coi là đơn vị cơ bản của xã hội. Điều này không chỉ được phản ánh trong các tổ chức chính trị, kinh tế mà còn ở cách mọi người nhận thức về mình và quan hệ với nhau trong các tập thể của mình. Chẳng hạn, hệ thống giá trị của nhiều nước phương Tây đánh giá cao thành quả cá nhân. Vị trí xã hội của một cá nhân không chỉ đánh giá qua việc họ làm gì, mà còn bằng việc họ đã làm việc mình chọn như thế nào.
Việc coi trọng thành tựu cá nhân của các nước phương Tây có cả mặt tốt và mặt không tốt của nó. Một mặt, nó khuyến khích tinh thần sáng tạo của mỗi cá nhân và làm xã hội trở nên năng động hơn. Nước Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình về vấn đề này. Sản phẩm mới và những phương thức làm ăn mới liên tục được các doanh nhân sáng tạo ra trên đất Hoa Kỳ. Có thể kể đến máy tính cá nhân, máy photocopy, phần mềm máy vi tính, công nghệ sinh học, siêu thị, và các cửa hàng bán lẻ có giảm giá… Người ta cho rằng tính năng động của nền kinh tế Hoa Kỳ có được là nhờ triết lý của chủ nghĩa cá nhân.
Mặt khác, triết lý của chủ nghĩa cá nhân cũng làm suy yếu mối liên hệ giữa các cá nhân, có thể gây ảnh hưởng xấu đến ý thức trách nhiệm của từng cá nhân với tập thể nói riêng và xã hội nói chung. Trong phạm vi một công ty, chủ nghĩa cá nhân làm suy giảm tinh thần hợp tác giữa các thành viên. Trên phạm vi toàn xã hội, sự thiếu hụt ý thức trách nhiệm của từng cá nhân với tập thể có nguy cơ làm tăng số vụ phạm pháp, tạo điều kiện cho các tệ nạn xã hội phát triển. Xã hội Hoa Kỳ cũng có thể coi là một ví dụ điển hình về vấn đề này. Mặc dù đạt được nhiều thành tích to lớn về kinh tế, nhưng Hoa Kỳ cũng là quốc gia có tỷ lệ số người phạm pháp cao nhất thế giới và phải đối mặt với nhiều tệ nạn xã hội nghiêm trọng.
Đối lập với sự nhấn mạnh vào chủ nghĩa cá nhân của phương Tây, ở nhiều xã hội khác, tập thể là đơn vị cơ bản của cấu trúc xã hội. Ví dụ ở Nhật Bản, địa vị xã hội của một cá nhân được xác định bằng vị thế của tập thể mà người ấy là thành viên cũng như bằng hoạt động của cá nhân. Trong xã hội Nhật Bản truyền thống, tập thể là gia đình, làng xã. Ngày nay, tập thể dần dần đồng nghĩa với tập thể làm việc hay công ty.
Người ta cho rằng việc được hoà nhập với tập thể của mình sẽ tạo điều kiện cho sự tương trợ lẫn nhau và các hoạt động tập thể. Nếu giá trị của một cá nhân được gắn với những thành quả của tập thể thì điều này sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để các thành viên trong tập thể làm việc với nhau vì lợi ích chung. Trong phạm vi một công ty, tư tưởng này góp phần làm tăng cường tinh thần hợp tác giữa các thành viên. Còn trên phạm vi toàn xã hội tư tưởng này góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cá nhân với xã hội. Nhờ vậy, số vụ phạm pháp sẽ giảm bớt và đời sống xã hội được ổn định hơn.
Tuy vậy, ưu thế này của tập thể cũng không phải luôn là điều có lợi. Xã hội Hoa Kỳ được coi là một xã hội có tính năng động và tinh thần kinh doanh cao nhờ tận dụng được ưu thế của chủ nghĩa cá nhân. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng, xã hội Nhật Bản có thể bị coi là thiếu tính năng động và tinh thần kinh doanh. Cho dù thật khó nói điều gì có thể xảy ra về mặt dài hạn, nhưng có thể Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tạo ra được nhiều ngành công nghiệp mới hơn Nhật Bản. Nói một cách khác, vì những lý do văn hoá, nước Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thành công hơn Nhật và đi đầu trong việc tạo ra những sản phẩm và phương thức kinh doanh mới.
– Phân cấp trong xã hội
Tất cả xã hội đều được phân cấp theo một trật tự nhất định. Sự phân cấp này được xác định dựa trên các tiêu chí như nền tảng gia đình, nghề nghiệp và thu nhập. Mỗi cá nhân đều được sinh ra trong một phân cấp nhất định nào đó. Cá nhân đó sẽ thuộc về phân cấp mà cha mẹ mình là thành viên. Những cá nhân thuộc về phân cấp cao trong xã hội có nhiều cơ hội có một cuộc sống tốt hơn là những cá nhân thuộc về phân cấp thấp. Những người thuộc tầng lớp cao được giáo dục tốt hơn, có sức khoẻ tốt hơn, điều kiện sống tốt hơn và cơ hội việc làm cũng tốt hơn. Mặc dù tất cả các xã hội đều được phân chia thành các giai cấp nhưng giữa các xã hội vẫn có sự khác nhau theo hai cách có liên quan đến vấn đề của chúng ta đang thảo luận: Thứ nhất, các xã hội khác nhau về tính linh hoạt chuyển đổi giữa các tầng lớp, và thứ hai, các xã hội khác nhau về ý nghĩa của các tầng lớp xã hội trong môi trường kinh doanh.
– Tính linh hoạt chuyển đổi về mặt xã hội
Thuật ngữ tính linh hoạt chuyển đổi về mặt xã hội đề cập đến mức độ các cá nhân có thể tách khỏi tầng lớp mình sinh ra. Tính linh hoạt này thay đổi đối với mỗi xã hội khác nhau. Hệ thống giai cấp cứng nhắc nhất là hệ thống đẳng cấp. Một hệ thống đẳng cấp là một hệ thống các tầng lớp khép kín, trong đó địa vị xã hội được xác định bằng gia đình nơi cá nhân sinh ra và sự chuyển đổi vị trí xã hội thường là điều không thể làm được trong cuộc đời của cá nhân ấy (có nghĩa là tính linh hoạt về mặt xã hội rất hạn chế). Mặc dù số lượng các xã hội phân chia theo đẳng cấp đã giảm đi nhanh chóng trong thế kỷ XX, song hình thức này vẫn còn tồn tại ở một quốc gia, đó là Ấn Độ. Xã hội Ấn Độ có bốn đẳng cấp chính và vài nghìn đẳng cấp nhỏ. Mặc dù chế độ đẳng cấp bị chính thức bãi bỏ năm 1949, hai năm sau khi nước này dành được độc lập, hệ thống đẳng cấp vẫn là một thế lực có sức mạnh ở các vùng nông thôn Ấn Độ, nơi cơ hội việc làm và cơ hội hôn nhân vẫn phụ thuộc phần lớn vào đẳng cấp.
Hệ thống giai cấp là một hình thức phân cấp xã hội ít khắc nghiệt hơn và trong đó sự chuyển đổi về mặt xã hội có thể diễn ra. Một hệ thống giai cấp là sự phân cấp mở trong đó địa vị xã hội mà cá nhân có được khi sinh ra có thể được thay đổi qua những thành tựu và / hoặc sự may mắn của cá nhân ấy. Một cá nhân sinh ra trong giai cấp dưới cùng của xã hội có thể đi lên giai cấp thượng lưu trong khi một cá nhân sinh ra trong một tầng lớp cao trong xã hội có thể bị tụt xuống giai cấp dưới cùng.
Ngay cả khi nhiều xã hội cùng có sự phân chia giai cấp thì tính chuyển đổi về mặt xã hội trong những xã hội như thế cũng khác nhau. Nước Anh là một xã hội có giai cấp nơi có tính chuyển đổi về mặt xã hội tương đối thấp. Xã hội Anh được phân thành ba giai cấp cơ bản: giai cấp thượng lưu gồm những cá nhân có gia đình danh tiếng, giàu có, có thế lực trong nhiều thế hệ; giai cấp trung lưu mà các thành viên là trí thức, doanh nhân… và giai cấp lao động gồm các thành viên là những người kiếm sống bằng công việc chân tay.
Những người sinh ra ở các tầng lớp thấp ở Anh rất khó có cơ hội vươn lên những tầng lớp cao hơn. Thành kiến xã hội và những quy định nghiêm ngặt về giọng nói, cách cư xử ngăn cản họ làm việc ấy. Ở Hoa Kỳ, tính linh hoạt trong chuyển đổi giai cấp lớn hơn nhiều. Hệ thống giai cấp ở Hoa Kỳ không cực đoan như ở Anh. ở Hoa Kỳ cũng có ba giai cấp là thượng lưu, trung lưu và giai cấp lao động. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ địa vị của một cá nhân được xác định chủ yếu bằng thành công của bản thân chứ không phải bằng học hành hay gốc gác của người đó. Do vậy, bằng thành công của mình, một cá nhân có thể dễ dàng di chuyển từ giai cấp lao động lên giai cấp thượng lưu. Thực tế là tại Hoa Kỳ người ta rất tôn trọng những người thành đạt có nguồn gốc thấp kém, trong khi ở Anh, những người như thế chỉ được coi là “trưởng giả học làm sang”, chứ không bao giờ được xã hội thượng lưu thực sự chấp nhận cả.
Sự phân chia giai cấp này có ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến các mối quan hệ giữa người với người và cơ hội tiến thân cho mỗi cá nhân. Tại Hoa Kỳ, tính linh hoạt trong chuyển đổi xã hội và sự chú trọng vào chủ nghĩa cá nhân đã hạn chế tác động của thành phần xuất thân vào cơ hội thành đạt của cá nhân. Điều này cũng đúng ở Nhật Bản, nơi phần lớn mọi người coi mình là thuộc tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, tại một nước như nước Anh hay Ấn Độ, tính linh hoạt trong chuyển đổi giai cấp tương đối thấp, cơ hội thành đạt của mỗi cá nhân sẽ bị hạn chế, làm ảnh hưởng đến tính bình đẳng và sự linh hoạt của xã hội.
Để lại một bình luận