a- Thức ăn tự nhiên.
Nguồn thức ăn sẵn có của tự nhiên như đồng cỏ tự nhiên ở các vùng đồi núi, các bãi đất oang bãi bồi, đê, ven đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng. Thức ăn tự nhiên còn bao gồm các loại sinh vật và động vật làm thứ ăn cho gia cầm (gà, vịt) chăn thả tự nhiên. Nguồn thức ăn tự nhiên nhìn chung là phong phú và sẵn có ở khắp mọi nơi, nguồn thức ăn tự nhiên không đòi hỏi đầu tư chi phí sản xuất của con người nên giá thành thức ăn thấp. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào điều kiện của tự nhiên nên nguồn thức ăn tự nhiên thường cung cấp không ổn định về số lượng mang tính chất thời vụ cao và thường xuyên không cân đối về thành phần dinh dưỡng. Nhờ ưu điểm về chi phí sản xuất thấp và điều kiện sẵn có ở mọi nơi, nên thức ăn tự nhiên đã và đang là nguồn cung cấp thức ăn quan trọng cho phương thức chăn thả tự nhiên cũng như chăn nuôi qui mô nhỏ phân tán ở nhiều vùng nông thôn hịên nay. Trong chăn nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên nếu biết kết hợp với việc qui hoạch cải tạo phát triển các nguồn sẵn có của tự nhiên và cung cấp thêm các nguồn thức ăn sản xuất thì cơ sở thức ăn cho chăn nuôi vẫn bảo đảm và hiệu quả phát triển chăn nuôi cao.
b- Nguồn thức ăn từ sản xuất trồng trọt.
Nguồn cung cấp thức ăn từ các hoạt động trồng trọt ngày càng trở thành nguồn cung cấp thức ăn chủ lực cho ngành chăn nuôi. Trước hết một bộ phận sản phẩm trồng trọt sử dụng làm nguồn cung cấp thức ăn cho chăn nuôi là các sản phẩm phụ của trồng trọt (thân, lá); một phần sản phẩm chính của trồng trọt có chất lượng thấp không sử dụng cho người. Những sản phẩm phụ của trồng trọt dùng cho chăn nuôi được coi là các sản phẩm tận dụng nên chi phí rất thấp song chất lượng thức ăn lại tương đối cao. Tuy nhiên, lượng cung cấp sản phẩm phụ làm thức ăn chăn nuôi thường không nhiều, không ổn định và mang tính thời vụ. Do vậy, khi chăn nuôi trở thành hoạt động sản xuất chính, chăn nuôi tập trung với qui mô lớn thì không thể trông chờ đơn thần vào thức ăn tự nhiên và sản phẩm phụ trồng trọt. Khi đó hoạt động sản xuất thức ăn gia súc hình thành và phát triển. Bước đầu là các hoạt động của sản xuất mang tính tận dụng các điều kiện sản xuất của đất đai, mặt nước để trồng, thả tạo nguồn thức ăn xanh cho chăn nuôi. Qui mô rộng hơn có thể khoanh nuôi các vùng cỏ tự nhiên, đầu tư cải tạo chăm sóc để tạo nguồn thức ăn gia súc. Khi nhu cầu cung cấp thức ăn lớn và ổn định, cần phải qui hoạch các vùng trồng cây thức ăn gia súc tập trung. Các cây trồng làm thứ ăn gia súc bao gồm cả các loại cây trồng cung cấp thức ăn xanh như các loại rau cho chăn nuôi gia súc, các loại cỏ cho chăn nuôi đại gia súc; và các cây trồng ngũ cốc để cung cấp thức ăn tinh. Hoạt động chăn nuôi chỉ có thể đi vào tập trung, với phương thức sản xuất thâm canh, ổn định trên cơ sở có được các vùng qui hoạch sản xuất thức ăn ổn định. Ngay nay mặc dù có sự tác động của công nghiệp, chăn nuôi sử dụng nhiều thức ăn chế biến sẵn, nhưng các hoạt động trồng trọt các cây thức ăn cho chăn nuôi vẫn luôn luôn đóng vai trò quan trọng để cung cấp nguyên liệu chủ yếu của công nghiệp chế biến thức ăn gia súc và giảm trọng hơn các hoạt động chăn nuôi sử dụng trực tiếp thức ăn tươi từ sản phẩm trồng trọt. Vì vậy ngành trồng trọt cây thức ăn gia súc đang là ngành có nhiều tiềm năng và đang được chú trọng phát triển.
c- Chế biến thức ăn chăn nuôi.
Việc chế biến thức ăn cho chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích khác nhau. Thứ nhất, thông qua chế biến các nguồn thức ăn sẵn có, nhất là các phụ phẩm của ngành trồng trọt được tận dụng triệt để. ở các vùng sản xuất thức ăn tập trung, nhưng không có điều kiện phát triển chăn nuôi tại chỗ thì chế biến là biện pháp cơ bản để giải quyết khâu tiêu thụ cho các sản phẩm của các hoạt động trồng cây thức ăn gia súc. Thứ đến, thông qua chế biến, thành phần thức ăn được cung cấp đầy đủ và cân đối các yếu tố và thành phần dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi nhất là các thành phần đạm, khoáng, và các yếu tố vi lượng khác. Nhờ đó mà năng suất sản phẩm chăn nuôi sử dụng thức ăn chế biến thường cao và tăng nhanh hơn nhiều so với chăn nuôi tự nhiên. Cuối cùng, việc phát triển hoạt động chế biến thức ăn gia súc sẽ đảm bảo có nguồn cung cấp thức ăn ổn định đều đặn, không phụ thuộc vào mùa vụ và thời tiết. Vì vậy, để phát triển chăn nuôi tập trung mang tính công nghiệp thì không thể thiếu các hoạt động chế biến thức ăn gia súc. Chế biến thức ăn gia súc thường được phân thành 2 dạng. Chế biến thức ăn thô và chế biến thức ăn tinh. Việc chế biến thức ăn thô chủ yếu nhằm mục đích dữ trữ các nguồn thức ăn xanh sẵn có không sử dụng hết tại thời điểm thu hoạch. Do vậy việc chế biến thức ăn thô phải hướng tới việc giảm sự hao hụt về số lượng, giảm xuống cấp về chất lượng, giữ được tối đa các đặc tính tự nhiên của sản phẩm. Các công nghệ thường được sử dụng là chế biến khô (phơi khô, sấy khô) hoặc ngâm ủ yếm khí dưới dạng muối. Chế biến thức ăn tinh là hoạt động chế biến phát triển đòi hòi một trình độ kỹ thuật cao hơn. Nó không chỉ nhằm bảo quản duy trì các nguồn thức ăn tinh sẵn có mà nó còn tạo ra các loại thức ăn tinh có cơ cấu thành phần dinh dưỡng phù hợp với đặc tính yêu cầu của từng loại vật nuôi, từng thời kỳ dinh dưỡng và phát triển của đàn vật nuôi. Chế biến thức ăn tinh sử dụng tổng hợp nguồn nguyên liệu tinh bột, đạm động thực vật, các yếu tố can xi và các yếu tố vi lượng, tăng trọng và kích thích sinh trưởng để tạo nên thức ăn tổng hợp theo các công thức khác nha. Hoạt động chế biến thức ăn tinh, có vai trò hết sức quan trọng đối với các hoạt động chăn nuôi tập trung, chăn nuôi theo phương thức công nghiệp thâm canh cao.
Để lại một bình luận