Khu vực công nói chung và các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) nói riêng được cho là diễn ra mức độ tham nhũng cao. Mức độ tham nhũng cao ở khu vực công là vấn đề nghiêm trọng ở các quốc gia đang phát triển (Beekman & ctg, 2013; Jain, 2001; Stiglitz, 2002). Tham nhũng ở khu vực công có thể tồn tại dưới nhiều hình thái khác nhau như: thói tham nhũng quan liêu nhà nước, nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền, quyền hạn nhà nước để trục lợi cá nhân (Scott, 1972). Ảnh hưởng của tham nhũng lên hiệu quả các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA là một trong những đề tài được rất nhiều nhà nghiên cứu chú trọng quan tâm. Các nghiên cứu thực nghiệm tiêu biểu liên quan đến đề tài này gồm có Mauro (1995), Dreher & Herzfeld (2005), hầu hết các nghiên cứu đã chứng minh tham nhũng có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến quá trình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA qua đó làm giảm hiệu quả nguồn vốn này. Một quốc gia có mức độ tham nhũng cao sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA đồng thời tác động tiêu cực đến công tác thu hút nguồn vốn này. Bởi vì, khi mức độ tham nhũng cao sẽ làm thất thoát vốn, một phần vốn phải sử dụng vào chi phí không cần thiết dùng để đút lót hối lộ dẫn đến làm tăng tổng chi phí đầu tư, hậu quả là giảm lợi nhuận, lợi ích của các chương trình dự án ODA, qua đó tham nhũng ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA. Ngoài ra, quốc gia có mức độ tham nhũng cao sẽ gây ra méo mó môi trường tài chính kinh tế, tạo ấn tượng không tốt đối với nhà tài trợ, gây ra ảnh hưởng bất lợi đến công tác thu hút nguồn vốn ODA, hậu quả các nhà tài trợ vốn ODA sẽ chuyển hướng sang tài trợ cho các quốc gia có mức độ tham nhũng thấp hay quản trị tham nhũng tốt. Qua đó, Chính phủ các quốc gia trên thế giới đặc biệt là các quốc gia đang phát triển với sự cần thiết của nguồn vốn ODA sẽ cần phải chú trọng đến cải thiện chất lượng quản trị tham nhũng.
Chất lượng quản trị tham nhũng của một quốc gia thể hiện ở mức độ quản trị tham nhũng hoặc đánh giá mức độ tham nhũng ở quốc gia đó, do đó một số chỉ số đo lường chất lượng quản trị tham nhũng bao gồm: chỉ số quản trị toàn cầu – kiểm soát tham nhũng (WGI-CC), chỉ số tham nhũng (ICRG), chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI), chỉ số liêm chính toàn cầu (GII).
Chỉ số quản trị toàn cầu – kiểm soát tham nhũng (WGI-CC, World Governance Indicators-Control of Corruption) của các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng vào cuối những năm 1990, đây là chỉ số được sử dụng nhiều nhất trong các nghiên cứu thực nghiệm. Chỉ số kiểm soát tham nhũng đo lường cảm nhận mức độ khả năng quyền lực công chúng chống lại lợi ích cá nhân, bao gồm cả chống tham nhũng dưới hình thức nhỏ lẻ và quy mô lớn. Chỉ số kiểm soát tham nhũng WGI-CC có thang đo từ -2,5 đến 2,5 tương ứng với mức độ chất lượng quản trị tham nhũng từ yếu kém đến rất tốt.
Chỉ số tham nhũng của Tổ chức Hướng dẫn Quốc tế về Rủi ro Quốc gia (ICRG – International Country Risk Guide). Đây là chỉ số đánh giá tham nhũng trong hệ thống chính trị, chỉ số này đo lường mức độ thực tế và tiềm năng xảy ra tham nhũng dưới các hình thức: sự bảo trợ quá mức, lạm dụng chức quyền, đút lót hối lộ và nghi ngờ mối quan hệ mật thiết giữa chính trị và kinh tế. Chỉ số này có thang điểm từ 0 đến 6 theo mức độ rủi ro tham nhũng từ cao đến thấp. Quốc gia có chỉ số ICRG điểm bằng 0 đồng nghĩa rủi ro tham nhũng cao nhất.
Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI- Corruption Perceptions Index) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International). Chỉ số này được đưa ra vào năm 1990 khi lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tiến hành cuộc khảo sát dân cư có quy mô lớn diễn ra ở các quốc gia khắp thế giới, tổ chức này tìm cách tập hợp các chỉ số về nhận thức tham nhũng thông qua các câu hỏi về nhận thức và trải nghiệm cấn đề tham nhũng, đánh giá cảm nhận của những người có thông tin về mức độ tham nhũng và được chấm điểm theo thang đo từ 0 đến 10 tương ứng với mức độ tham nhũng cao đến tham nhũng thấp. Mức độ tham nhũng này phản ánh mức độ chi trả tham nhũng và các rào cản bị áp đặt trong hoạt động kinh doanh (Lambsdorff, 2003).
Chỉ số liêm chính toàn cầu của Tổ chức Liêm chính Toàn cầu (GII – Global Integrity Index). Chỉ số GII sử dụng phương pháp đánh giá chuyên gia nhằm tập trung vào đánh giá yếu tố chính sách và khía cạnh thể chế của chống tham nhũng để thúc đẩy liêm chính công khai, chỉ số này do chính các nhóm nhà nghiên cứu và các nhà báo tại nước được đánh giá thực hiện. Chỉ số GII đánh giá sự tồn tại và hiệu quả của cơ chế chống tham nhũng dựa trên hơn 290 chỉ số riêng rẽ đƣợc phân thành 6 nhóm chính đó là: (i) xã hội dân sự, thông tin công khai và báo chí, (ii) bầu cử, (iii) trách nhiệm giải trình của chính phủ, (iv) quản trị và dịch vụ dân sự, (v) giám sát và điều hành, (vi) chống tham nhũng và pháp quyền.
Để lại một bình luận