Năm 2011, Chính phủ phê duyệt Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành sửa đổi các văn bản, gồm: ban hành 23 Nghị định và 02 Quyết định liên quan đến đổi mới, tổ chức quản lý và hoạt động đối với DNNN; 05 Nghị định và 05 Quyết định về hoạt động tái cơ cấu, CPH và thoái vốn tại DN.
Ngoài ra, Các bộ, ngành chức năng đã ban hành đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các Nghị định, Quyết định của Chính phủ trong việc tổ chức quản lý và sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Năm 2007-2010 số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa là 376 doanh nghiệp. Năm 2011-2015 đây là giai đoạn Chính phủ thực hiện đề án tái cấu trúc doanh nghiệp tổng số lượng doanh nghiệp sắp xếp lại, cổ phần hóa là 588 doanh nghiệp trong đó doanh nghiệp cổ phần hóa là 508 doanh nghiệp. Năm 2016, 2017 con số này lần lượt là 55, 45 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa gia tăng thì đồng nghĩa với việc tăng lượng các công ty niêm yết chứng khoán, tăng cung chứng khoán. Điều này sẽ tác động tới giá chứng khoán và gia tăng giá trị giao dịch chứng khoán và nguồn vốn huy động qua kênh thị trường chứng khoán.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh của các DNNN, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến cổ phần hóa DNNN. Với việc thực hiện quyết liệt các chính sách cổ phần hóa của Chính phủ nên tính từ năm 2007 -2017 tổng số DNNN cổ phần hóa là 984 doanh nghiệp. Điều này sẽ làm tăng số công ty tham gia thị trường chứng khoán, gia tăng hàng hóa chứng khoán và tăng mức vốn hóa thị trường. Năm 2007, số lượng công ty niêm yết chứng khoán là 253, đến năm 2017 là 717 công ty, mức vốn hóa 492.900 tỷ đồng năm 2007 và đến năm 2017 là 1.642.299 tỷ đồng.
Sau khi thực hiện cổ phần hóa, các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả hơn. Hầu hết các công ty hoạt động kinh doanh có lãi, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, đặc biệt với những doanh nghiệp niêm yết và việc gia tăng lợi tức cổ phiếu đã hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Như vậy chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp làm tăng quy mô thị trường như gia tăng hàng hóa chứng khoán, số lượng công ty niêm yết, mức vốn hóa và góp phần tăng trưởng nền kinh tế. Và ngược lại thị trường chứng khoán cũng có tác động giúp các doanh nghiệp sau niêm yết gia tăng doanh thu, lợi nhuận và điều này tăng cổ tức phát hành cổ phiếu từ đó tác động tới quyết định đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư.
Để lại một bình luận