Ngoài các chính về kìm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế, điều hành lãi suất, tỷ giá, cung tiền, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài có tác động tới hoạt động đầu tư của nhà đầu tư, tới sự biến động thị trường chứng khoán thì còn có các chính sách liên quan tới thị trường vàng, thị trường bất động sản và giá trị sản lượng công nghiệp, có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, tới chính sách thúc đẩy đầu tư chứng khoán.
Chính sách về thị trường vàng
Ở nước ta, TTCK và thị trường bất động sản đang là kênh nhà nước đã áp dụng biện pháp quản lý, trong khi thị trường vàng đang thiếu các chế tài quản lý và luồng tiền đầu tư đổ vào thị trường vàng là điều tất yếu. Việc vàng tăng giá mạnh có thể tác động đến TTCK và làm cho tiền gửi trong dân cư giảm và như vậy sẽ ảnh hưởng giảm cung quỹ cho vay đối với nền kinh tế. Huỳnh Thanh Bình và Nguyễn Minh Hà (2012) chỉ ra rằng giá vàng thế giới có tác động tích cực cùng chiều tới chỉ số giá VN-Index [4]. Nghiên cứu thực nghiệm cũng đã chỉ ra rằng giá vàng có quan hệ tác động cùng chiều tới giá chứng khoán, khi giá vàng trong nước tăng 1% thì chỉ số giá chứng khoán tăng lên khoảng 1,54% và chỉ ra rằng giá vàng có tác động tới thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của các công ty phải cạnh tranh với sự thu hút vốn đầu tư với vàng trên thị trường. Khi giá vàng có xu hướng tăng thì các nhà đầu tư sẽ đổ dồn vào đầu tư thị trường vàng do đó lượng vốn đầu tư chuyển dịch sang thị trường vàng và ngược lại.
Để kiểm soát giá vàng, ổn định nền kinh tế, Chính phủ phải có các chính sách về quản lý hoạt động thị trường vàng. Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh, sản xuất vàng miếng, bình ổn thị trường vàng. Với việc chủ động linh hoạt trong quản lý điều hành thị trường vàng trong giai đoạn hiện nay nên thị trường vàng trở nên ổn định hơn, cung tiền được kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô nhất là giai đoạn 2015-2016. Sự ổn định của thị trường vàng sẽ góp phần ổn định nền kinh tế, ổn định thị trường chứng khoán.
Giá trị sản lượng công nghiệp
Các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng chỉ tiêu này có tác động tới thị trường chứng khoán tới quyết định đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư. Khi giá trị sản lượng tăng thì có nghĩa là các doanh nghiệp làm ăn có lãi lợi nhuận tăng, giá cổ phiếu tăng và do đó sẽ tác động tới các nhà đầu tư mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Thực tế cho thấy giá trị sản lượng ngành công nghiệp của Việt Nam giai đoạn 2010- 2017 có sự tăng trưởng tuy nhiên tốc độ không cao.
Biểu đồ 2.32, chỉ số Vn-Index và giá trị công nghiệp có sự tương quan. Giá trị công nghiệp tăng thì chỉ số Vn-Index tăng và ngược lại. Tuy nhiên tốc độ tăng, giảm giữa giá trị công nghiệp và VN-Index có sự khác nhau nhất là năm 2016 giá trị sản lượng công nghiệp giảm mạnh hơn so với chỉ số Vn-Index. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Thân Thị Thu Thủy và Võ Thị Thùy Dương (2015) cũng chỉ ra rằng giá trị sản lượng công nghiệp có tác động tích cực cùng chiều tới chỉ số VNMidcap-Index và giá trị sản lượng công nghiệp tăng 1% thì VNMidcap-Index tăng 0.002 điểm [21].
Như vậy, giá trị sản lượng có tác động tích cực tới giá cổ phiếu. Khi giá trị sản lượng tăng thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả lợi nhuận tăng, cổ tức tăng, kinh tế tăng trưởng và do đó thu hút các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán từ đó sẽ thu hút lượng vốn lớn cho nền kinh tế.
Chính sách thu hút và bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán
Ngay từ khi mới thành lập TTCK, chính phủ đã có chính sách hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhưng có sự kiểm soát và giám sát chặt chẽ. Cụ thể:
– Quyết định số 139/1999/QĐ-TTg ngày 10/6/1999 của Thủ tướng Chính phủ quy định tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam;
– Quyết định số 146/2003/QĐ-TTg ngày 17/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng mức nắm giữ cổ phiếu của bên nước ngoài trong các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường giao dịch tập trung lên 30% vốn cổ phần của công ty; đồng thời cho phép nâng tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài lên tối đa 49% vốn điều lệ trong các CTCK liên doanh, công ty quản lý quỹ liên doanh nhằm tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam.
– Quyết định số 189/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thành lập Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLKCK) với nhiệm vụ thực hiện đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ việc giao dịch mua, bán chứng khoán.
– Nhằm kiểm soát hoạt động đầu tư và dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 238/2005/QĐ-TTg quy định tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam, trong đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 49% cổ phiếu, chứng chỉ quỹ của tổ chức niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK Việt Nam (ngoại trừ tổ chức niêm yết/đăng ký giao dịch thuộc khối ngân hàng, tỷ lệ nắm giữ tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 30%) và tối đa 30% cổ phiếu của công ty/tổ chức chưa niêm yết; tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, góp vốn liên doanh thành lập CTCK hoặc công ty quản lý quỹ liên doanh tối đa là 49% vốn điều lệ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 160/2009/TT-BTC quy định miễn thuế thu nhập cá nhân có thu nhập từ đầu tư vốn, từ chuyển nhượng vốn; cho phép nhà đầu tư có thể mở nhiều tài khoản tại công ty chứng khoán; thực hiện các giao dịch ngược chiều (mua, bán) cùng một loại chứng khoán trong ngày giao dịch; cho phép giao dịch vay mua ký quỹ; hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán nhằm thu hút dòng vốn chuyển ra nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chứng khoán tham gia hoạt động mua bán, không phải đến các sàn giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, Luật Chứng khoán năm 2006 đã nêu nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán là (1) Tôn trọng quyền tự do mua, bán, kinh doanh và dịch vụ chứng khoán của tổ chức, cá nhân (2) Công bằng, công khai, minh bạch (3). Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Trong Luật chứng khoán cũng nêu rõ những hành vi vi phạm ảnh hưởng tới giá chứng khoán, tới quyết định đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Thực trạng cho thấy số lượng, giá trị giao dịch các nhà đầu tư chứng khoán ngày càng gia tăng trong 10 năm gần đây, chính sách thu hút đầu tư được đẩy mạnh và nền kinh tế sự tăng trưởng, lạm phát kìm chế nên tổng vốn đăng ký mới và góp vốn mua cổ phần của đầu tư nước ngoài, khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch, giá trị ròng đầu tư nước ngoài năm 2017 tăng kỷ lục so với năm 2016. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất nhỏ trong khi thực tế số lượng tài khoản hoạt động chỉ đạt khoảng 30-40%. Do vậy, cần phải có chính sách khai thác số lượng nhà đầu tư tiềm năng lớn của Việt Nam và thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư chứng khoán ở Việt Nam.
Chính sách đối với công ty phát hành và hàng hóa thị trường chứng khoán
Để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia trên thị trường chứng khoán và nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển đòi hỏi phải phát triển TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, Luật Chứng khoán ngày 29/6/2006, Luật chứng khoán số 62/2010/QH12 năm 2010, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán số 70/2006/QH11, quy định rõ các điều kiện công ty cổ phần phải đáp ứng để thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng, gồm:
– Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
– Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán;
– Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Việc thực thi chính sách trên đã góp phần gia tăng số lượng công ty niêm yết chứng khoán, gia tăng số lượng hàng hóa, giá trị giao dịch và thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn cho nền kinh tế.
Về chính sách chi trả cổ tức
Các nghiên cứu đều cho thấy, chính sách cổ tức là một trong những nhân tố lớn tác động đến giá doanh nghiệp cả trong ngắn hạn và dài hạn, mặc dù cách thức tác động đối với mỗi doanh nghiệp và trong mỗi thời kỳ là khác nhau. Khi tỷ suất cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu có tác động cùng chiều tới giá cổ phiếu và chỉ số chứng khoán và giá cổ phiếu và cổ tức tại những doanh nghiệp có quy mô lớn có biến động ít hơn những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Thực tế theo số liệu thống kê về tỷ lệ chi trả cổ tức bình quân trên thị trường chứng khoán và chỉ số giá VN-Index có mối quan hệ tương quan với nhau. Giai đoạn năm 2007-2013, tỷ lệ chi trả cổ tức có xu hướng giảm từ 60,1 vào năm 2007 và giảm còn 46,7 năm 2013 và cũng ở giai đoạn này giá chứng khoán có xu hướng giảm chỉ số VN-Index từ 1170,67 năm 2007 và 488,07 năm 2012 và năm 2013 là 531,71. Năm 2014 tỷ lệ chi trả cổ tức tăng lên là 48,9% nhưng năm 2015 giảm còn 45,2% và thực tế chỉ số VN-index năm 2014 và 2015 cũng có xu hướng biến động với chỉ số tương ứng là 640,75 và 606,58. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2016, 2017 có xu hướng giảm, nhưng đảm bảo tính ổn định và phủ hợp hơn với lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp.
Nghị định số 86/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán mà tổ chức, cá nhân phải đáp ứng khi thực hiện đầu tư, kinh doanh trên thị trường chứng khoán Việt Nam; Đồng thời, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán như Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán nhà nước đã ban hành nhiều hướng dẫn, quy định chi tiết để triển khai các văn bản chính sách của Chính phủ.
– Thông tư số 197/2015/TT-BTC ngày 3/12/2015 của Bộ Tài chính ban hành quy định về hành nghề chứng khoán; Thông tư số 147/2012/TT-BTC ngày 10/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hành nghề chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 15/2008/QĐ-BTC ngày 27/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thông tư số 87/2017/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính nhằm quy định các chỉ tiêu an toàn tài chính, tăng cường năng lực quản trị điều hành của các công ty chứng khoán và tái cơ cấu hàng hóa, nhà đầu tư. Các quy đinh này đảm bảo cho thị trường chứng khoán hoạt động có hiệu quả với đội ngũ trung gian chứng khoán có nghiệp vụ chuyên môn cao và chuyên nghiệp.
– Ủy ban chứng khoán nhà nước đã chủ động, tích cực xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán: Thông tư hướng dẫn Nghị định 135/2015/NĐ-CP về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của các tổ chức kinh doanh chứng khoán; Thông tư hướng dẫn phát hành và giao dịch sản phẩm Covered Warrant niêm yết trên SGDCK; Quyết định số 106/QĐ-UBCK ngày 8/2/2010 của Ủy ban chứng khoán nhà nước hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho Công ty chứng khoán nhằm thiết lập và vận hành hệ thống quản trị, hạn chế rủi ro.Thực hiện đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, số công ty chứng khoán đã giảm từ 105 công ty năm 2012 xuống còn 77 công ty năm 2017.
Tỷ lệ vốn khả dụng bình quân hệ thống CTCK đạt 399,5% cao hơn mức chuẩn an toàn quy định là 180%; lợi nhuận của các công ty chứng khoán năm 2017 đã tăng 70% so với năm 2016.
Các quy định về giám sát và xử lý vi phạm trong đầu tư chứng khoán
Để thị trường chứng khoán hoạt động tuân thủ các quy định của pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành các văn bản xử lý các vi phạm.
– Thông tư 97/2007/TT-BTC ngày 08/08/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; Thông tư số 36/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 217/2013/TT-BTC; Thông tư số 97/007/TT-BTC hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Việc ban hành quy định việc xử phạt hành chính với hoạt động kinh doanh chứng khoán đảm bảo cho các cá nhân tổ chức tham gia thị trường chứng khoán tuân thủ các quy định trong hoạt động kinh doanh, tạo lập thị trường hiệu quả hơn và tránh rủi ro.
Theo đó, các tổ chức kinh doanh chứng khoán có tỷ lệ vốn khả dụng dao động từ 120% đến 150% liên tục trong tất cả các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục thì sẽ bị kiểm soát và có biện pháp khắc phục theo hướng dẫn, tổ chức kinh doanh chứng khoán cỏ tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%, không khắc phục được tình trạng kiểm soát trong thời gian quy định thì bị kiểm soát đặc biệt.
Tuy nhiên, mặc dù nhà nước đã có các quy định xử lý các trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh chứng khoán nhưng số các trường hợp vi phạm vẫn tăng.
Để lại một bình luận