Để cho thị trường chứng khoán, hoạt động kinh doanh chứng khoán ngày càng phát triển và trở thành kênh huy động vốn với nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế đất nước thì cần phải ban hành cơ chế, chính sách. Các cơ chế, chính sách phát triển chứng khoán luôn được xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, phù hợp trong từng giai đoạn, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Để thị trường chứng khoán hoạt động có hiệu quả là kênh thu hút vốn thì các cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên kiểm tra giám sát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tạo một môi trường đầu tư cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. Điều này sẽ thúc đẩy đầu tư và phát triển thị trường chứng khoán.
Nghiên cứu của Rafael La Porta, Florencio Lopez- De-Silanes and Andrei Shleifer (2006) xem xét ảnh hưởng của các luật chứng khoán tới sự phát triển của thị trường chứng khoán tại 49 quốc gia cho thấy bằng chứng kém rõ nét mà các quy tắc công đã tạo ra lợi ích cho các thị trường chứng khoán, nhưng bằng chứng rõ ràng là các luật định về chứng khoán đã chế tài áp đặt đối với việc tiết lộ thông tin và tạo điều kiện cho các ảnh hưởng cá nhân tự do thông qua các quy tắc trách nhiệm đã mang lại lợi ích lớn cho thị trường chứng khoán. Nghiên cứu tiến hành khảo sát luật chứng khoán của 49 quốc gia, đặc biệt tập trung vào việc lý giải các luật này điều chỉnh như thế nào đối với việc phát hành cổ phiếu mới ra công chúng.
Ngoài ra các chính sách tạo việc làm, chính sách nhà ở và bất động sản, chính sách giá cả và tiền lương, chính sách quản lý ngoại hối, chính sách điều tiết thu nhập… và các chính sách xã hội khác cũng trực tiếp hoặc gián tiếp tác động và ảnh hưởng đến đầu tư chứng khoán.
Như vậy, các chính sách nếu được thực thi hiệu quả và phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình thực hiện, sẽ tạo ra môi trường thuận lợi hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán; từ đó sẽ thúc đẩy sự phát triển thị trường chứng khoán và tăng trưởng nguồn vốn cho nền kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong dài hạn.
Để lại một bình luận