Sau một thời kỳ dài gần bảy năm từ năm 2007 thị trường chứng khoán Trung Quốc đi ngang và tích lũy, để thúc đẩy đầu tư chứng khoán, tăng trưởng thị trường chứng khoán, phát triển kinh tế thì Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một số chính sách kích thích kinh tế.
a) Thực thi một số chính sách tiền tệ
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thực hiện chính sách liên tiếp giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Kể từ 11/2014, lãi suất cho vay chủ chốt giảm xuống còn 5,1%; lãi suất tiền gửi chủ chốt xuống mức 2,25%. Điều này làm cho các luồng vốn tiết kiệm trong dân cư vốn đang chảy vào ngân hàng hoặc các quỹ tiết kiệm được chuyển hướng tới thị trường chứng khoán do có tỷ lệ sinh lời cao hơn lãi suất tiền gửi, giúp đẩy giá cổ phiếu tăng nhanh trên thị trường.
Duy trì lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp, giá vàng, giá bất động sản giảm đã khiến dòng tiền trong cư dân đổ dồn sang thị trường thay thế là đầu tư cổ phiếu. Tính đến hết tháng 5/2015, nước này có thêm 40 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán mới được mở. Bên cạnh việc tăng giá, thanh khoản thị trường cũng đã tăng trưởng đột biến. Giá trị giao dịch trong giai đoạn 2016-2017 đạt gần 400 tỷ USD tăng gấp 10 lần so với năm 2015 và vượt qua thị trường chứng khoán Mỹ.
Tuy nhiên, do một số lý do mà thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đổ vỡ khi TTCK quay đầu sụt giảm mạnh kể từ ngày 15/06/2015 với tổng mức giảm lên tới trên 30%. Đó là (1) TTCK tăng trưởng không đồng bộ với tăng trưởng kinh tế nên giá cổ phiếu tăng không đi kèm với sự cải thiện trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã khiến chỉ số P/E thị trường bị đẩy lên quá cao (2) Chất lượng nhà đầu tư ở mức thấp do tỷ trọng nhà đầu tư nhỏ lẻ, là nhà đầu tư cá nhân và trình độ học vấn ở mức thấp tham gia thị trường cao. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút dần ra khỏi thị trường trong quá trình tăng điểm (3) Tỷ lệ đòn bẩy tài chính (vay margin) ở mức cao và khi tâm lý đảo chiều, giá cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh do áp lực giải chấp margin rất lớn của thị trường.
Chính phủ Trung Quốc bắt buộc thực hiện các biện pháp để giúp chặn đà lao dốc của TTCK nước này, bao gồm: (i) Cấm cổ đông lớn và lãnh đạo của công ty niêm yết bán ra cổ phiếu trong 6 tháng tới; (ii) Yêu cầu các công ty mua vào cổ phiếu và (iii) Điều tra hoạt động bán khống…
Những biện pháp nêu trên giúp cải thiện tâm lý thị trường trong ngắn hạn, tuy nhiên với mức định giá (P/E) còn rất cao, việc điều chỉnh giảm của TTCK Trung Quốc để về sát hơn giá trị thực là điều cần thiết sau khi thị trường này đã tăng quá nóng trong một thời gian.
b) Chính sách thu hút FPI
Giai đoạn 1982 – 2004: dòng vốn FPI vào Trung Quốc không có sự phát triển vượt bậc và bứt phá như dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI). Đến hết năm 2004, Trung Quốc đã thu hút khoảng 7 tỷ USD dòng vốn FPI. Mức tăng trưởng FPI hàng năm là khá chậm, tỷ trọng FPI/GDP khoảng 2,94% cho thấy FPI đóng góp vào tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc là không đáng kể.
Giai đoạn 2005-2017 là giai đoạn dòng vốn gia tăng một cách đột biến gắn liền với việc tự do hoá tài khoản vốn cũng như sự hội nhập của nền kinh tế Trung Quốc. Chính phủ chủ động giảm bớt các biện pháp kiểm soát, đẩy mạnh các biện pháp thu hút dòng vốn FPI bên cạnh dòng vốn FDI; cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua bán các cổ phiếu và các công cụ nợ được định danh bằng đồng nội tệ trên cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư đầu tư mạnh vào TTCK Trung Quốc, với dòng vốn FPI rất lớn. Quá trình CPH các DNNN có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều DN lớn, có vị trị độc quyền trong nền kinh tế quốc dân được tiến hành IPO.
Điều xuất phát từ đặc điểm chung của các quốc gia đang phát triển là thường có sự mất cân đối giữa thu hút FPI và FDI. Tuy nhiên, nguyên nhân căn bản và sâu xa là do mức độ tự do hoá tài khoản vốn của Trung Quốc còn thấp, Chính phủ đặt ra nhiều biện pháp kiểm soát vốn khá chặt chẽ theo chủ trương thu hút chậm rãi dòng vốn FPI. Nhìn chung, các giải pháp thu hút vốn FPI là rất thận trọng, Trung Quốc chủ trương hạn chế thu hút dòng vốn này. Các biện pháp quản lý vốn FPI được đánh giá là có hiệu quả, Trung Quốc nhờ đó đã đứng vững trước cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực châu Á năm 1997 và năm 2008.
c) Thành công và hạn chế trong chính sách thúc đẩy đầu tư chứng khoán của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam
Thành công:
– Các giải pháp thu hút FPI mang tính đồng bộ, có lộ trình cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của Trung Quốc, kết hợp chặt chẽ với các biện pháp phát triển kinh tế, hoàn thiện và phát triển TTCK, nâng cao khả năng quản lý của Chính phủ.
– Trung Quốc đã xác định chiến lược, mục tiêu, phương hướng thu hút vốn FPI đúng đắn, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế, xác định rõ muốn thu hút FPI có hiệu quả, trước hết phải cải thiện môi trường trong nước, dựa vào trong nước; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng hàng hoá trên TTCK Trung Quốc.
– Trung Quốc đã biết kết hợp thu hút FPI và quản lý dòng vốn này một cách hiệu quả, không thu hút FPI với mọi giá. Khi thu hút FPI, có tính toán những giải pháp quản lý phù hợp, kết hợp chặt chẽ việc thu hút FPI với chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt là chính sách quản lý ngoại hối và tiền tệ. Đồng thời, có những giải pháp quản lý, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của dòng vốn này với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Hạn chế:
– Hệ thống pháp luật liên quan đến dòng vốn này vẫn còn nhiều sơ hở, thiếu sót, cần tiếp tục hoàn thiện và vẫn tồn tại nhiều hạn chế đối với NĐTNN.
– Nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK vẫn chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư có tổ chức chiếm tỷ trọng nhỏ. Công tác quản lý của Chính phủ vẫn chưa theo kịp sự phát triển của dòng vốn này: còn áp dụng nhiều biện pháp hành chính trong việc thu hút và quản lý dòng vốn và tỷ trọng vốn FPI trong tổng nguồn vốn đầu tư xã hội còn ở mức rất thấp.
– Vấn nạn tin đồn vẫn chưa thể được giải quyết và gây ra nhiều hệ lụy cho TTCK Trung Quốc. Năm 2007, khi tin đồn về việc Chính phủ sẽ đánh thuế 20% lên lợi tức chứng khoán, tác động đến TTCK Trung Quốc và các TTCK khác trên thế giới. NĐT trong nước và NĐTNN nhanh chóng bán tháo cổ phiếu để rút vốn khỏi TTCK. Chỉ số chứng khoán trên Sở giao dịch Thượng Hải giảm 8,8%, tương đương với khoảng 100 tỷ USD trong 1 ngày.
Những kinh nghiệm của Trung Quốc trong thu hút và quản lý dòng vốn FPI là những bài học bổ ích cho Việt Nam trong việc thu hút và quản lý có hiệu quả nguồn vốn này.
Để lại một bình luận