Mối quan hệ giữa tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
Dựa trên nguồn gốc của TTX và mối quan hệ giữa TTX với PTBV (mục 1.1.4) có thể thấy rằng xu thế hiện nay là TTX bởi vì TTX xét trong thời gian ngắn hạn, dễ đạt được hơn so với PTBV. Điểm giống nhau giữa TTX và PTBV đó là TTX là một phần của PTBV, là phương thức để đạt được PTBV. TTX và PTBV cùng đo lường các khía cạnh kinh tế và môi trường.
Điểm khác nhau giữa TTX và PTBV là TTX xem xét trong ngắn hạn, tương lai gần từ 5-20 năm trong khi PTBV hướng đến tương lai dài hạn. TTX có phạm vi hẹp hơn so với PTBV, TTX chỉ xem xét mối quan hệ giữa 2 trong 3 trụ cột của PTBV là kinh tế và môi trường. PTBV ngoài khía cạnh kinh tế, môi trường còn xét đến khía cạnh xã hội. Cụ thể, PTBV ngoài các vấn đề của TTX còn xét đến một số yếu tố khác như: chất lượng sống (của con người); vốn con người, xã hội và tài chính (khác với các khía cạnh xanh); các tác động tới các nước khác (khác với vốn tự nhiên).
Lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh doanh nghiệp
Dựa trên mô hình bền vững cấp doanh nghiệp (mục 1.2.2.4), doanh nghiệp có thể lựa chọn mô hình TTX theo mô hình bền vững mạnh có thể được xem như mô hình TTX của doanh nghiệp. Doanh nghiệp theo đuổi mô hình TTX tập trung vào 2 khía cạnh kinh tế và môi trường sẽ có cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc xác định mục đích chuyển đổi mô hình kinh doanh (các rủi ro về danh tiếng và kiện tụng từ các vấn đề xã hội và quản trị có thể là rất lớn). Doanh nghiệp theo đuổi mô hình TTX cần áp dụng viễn cảnh tổng hợp, toàn diện trên các khía cạnh bền vững về kinh tế, môi trường và mà không nhất thiết bắt buộc đặt các lợi ích xã hội lên mối quan tâm hàng đầu như trong mô hình bền vững mạnh.
Mối quan hệ sản xuất bền vững, sản xuất xanh và tăng trưởng xanh
Sản xuất bền vững là việc tạo ra hàng hóa và dịch vụ sử dụng các quy trình và hệ thống không gây ô nhiễm; bảo tồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; khả thi về kinh tế; an toàn và sức khỏe cho nhân viên, cộng đồng và người tiêu dùng; và khen thưởng về mặt xã hội và sáng tạo [85].
Dựa trên khái niệm, nội dung sản xuất xanh, sản xuất bền vững, và TTX cho thấy rằng: sản xuất xanh, sản xuất bền vững có phạm vi trong doanh nghiệp và ngành; và TTX có phạm vi rộng hơn ở cấp Bộ/ngành, địa phương, quốc gia.
Sản xuất xanh (SXX) và sản xuất bền vững (SXBV) có thể giúp hệ thống sản xuất của doanh nghiệp tốt hơn, sản xuất xanh xem xét hệ thống trong thời gian ngắn hạn trong khi sản xuất bền vững xét trong thời gian dài hạn. SXX và SXBV đều có thể giúp cho ngành sản xuất phát triển hướng tới TTX của ngành. Tuy vậy, cũng có những điểm giống và khác nhau giữa SXX và SXBV. Căn cứ theo định nghĩa về SXX, SXBV có thể thấy điểm giống nhau giữa hai khái niệm này đó là cùng là phương thức sản xuất giúp bảo tồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; an toàn sức khỏe với người lao động và người tiêu dùng; và cùng nâng cao hiệu quả nguồn lực cũng như khả thi về mặt kinh tế. Điểm khác nhau giữa SXX và SXBV đó là SXX có đề cập đến vấn đề tái chế, tái sử dụng trong khi SXBV không đề cập đến vấn đề này; SXX không xét đến yếu tố cộng đồng; SXBV không gây ô nhiễm môi trường trong khi SXX giảm thiểu nguồn chất thải ra ngoài môi trường.
Tăng trưởng xanh trong ngành công nghiệp
Hiện nay chưa có khái niệm chính thức về TTX cấp ngành. Dựa trên khái niệm TTX cấp quốc gia, mối quan hệ giữa TTX với PTBV, mục tiêu của ngành ngành sản xuất công nghiệp cũng như các doanh nghiệp trong ngành là hướng tới TTX, luận án đưa ra khái niệm về TTX cấp ngành:
“Tăng trưởng xanh cấp ngành công nghiệp là sự đạt được hoặc duy trì tăng trưởng kinh tế của ngành về những kết quả kinh doanh đồng thời giảm thiểu những tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất, đảm bảo phúc lợi của người lao động doanh nghiệp trong ngành thông qua việc cung cấp những sản phẩm có chất lượng; có khả năng tái chế tái sử dụng và nâng cao sự hài lòng của các bên hữu quan”.
Tiêu chí đánh giá tăng trưởng xanh cấp ngành công nghiệp
Việc xác định các tiêu chí đánh giá TTX đối với ngành sản xuất công nghiệp là rất cần thiết. Xác định rõ các tiêu chí đánh giá TTX giúp cho việc xem xét các tiêu chí đánh giá được đầy đủ và toàn diện các vấn đề cần đánh giá; tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và sắp xếp các chỉ số; giúp cho việc đánh giá, đo lường không bị chồng chéo cũng như đảm bảo nguyên tắc xây dựng chỉ số (cấu trúc thứ bậc). Các tiêu chí TTX cấp ngành công nghiệp ngoài 2 tiêu chí về kinh tế và môi trường (2 khía cạnh của TTX phân biệt với khía cạnh xã hội của PTBV) còn có một số tiêu chí khác nữa mà luận án đề cập đến dưới đây. Để xác định các tiêu chí đo lường TTX cho ngành sản xuất công nghiệp, luận án phân tích tổng hợp chủ yếu 2 vấn đề: (1) khái niệm TTX và khung TTX; (2) sản xuất xanh. Ngoài ra, mối quan hệ TTX với PTBV cũng sẽ được xem xét đến. Dưới đây là các phân tích và nhận định về các vấn đề đó:
Về khái niệm TTX, luận án sử dụng định nghĩa TTX của OECD để làm căn cứ xác định tiêu chí đo lường. TTX dựa trên hai trụ cột chính là kinh tế và môi trường. Khung TTX (Hình 1.2) bao gồm 4 khía cạnh: (i) hiệu quả sản xuất và tiêu dùng; (ii) nền tảng tài nguyên thiên nhiên; (iii) chất lượng môi trường sống; (iv) các phản hồi chính sách và cơ hội kinh tế. Tăng trưởng và sản xuất kinh tế phụ thuộc vào môi trường đối với các đầu vào tài nguyên thiên nhiên như năng lượng, nước và NVL thô trong đó môi trường là đích đến các đầu ra ở dạng chất thải và khí thải. Vì vậy, hiệu quả về môi trường là các đo lường trọng tâm của TTX. Nền tảng tài sản thiên nhiên, đó là đảm bảo rằng gánh nặng không vượt quá khả năng chịu đựng của thiên nhiên bên cạnh việc giám sát các mối quan hệ giữa gánh nặng môi trường và tăng trưởng kinh tế. Nền tảng tài sản tự nhiên được theo dõi bằng cách lượng dự trữ của các tài sản có thể tái tạo, và các tài sản không thể tái tạo (dự trữ năng lượng hóa thạch) cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng môi trường sống, môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân cần được quan tâm thông qua xử lý các vấn đề ô nhiễm địa phương đặc biệt ở khu vực dân cư. Các phản hồi chính sách và cơ hội kinh tế, bao gồm các phương tiện chính sách như thuế, trợ cấp và các quy định để chỉ đạo phát triển theo hướng ưu tiên. Các công cụ này cũng sẽ tạo các cơ hội mới cho các hoạt động kinh tế có thể tạo ra việc làm mới và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Về sản xuất xanh, luận án cho rằng đánh giá TTX của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp gắn liền với việc đánh giá quá trình sản xuất. Điều này đã được thể hiện rõ ở khía cạnh thứ nhất đó là hiệu quả sản xuất và tiêu dùng trong khung TTX của OECD. Vì vậy, đo lường TTX đối với doanh nghiệp công nghiệp cần phải có yếu tố sản xuất xanh. Sản xuất xanh như định nghĩa (mục 1.1.1.3) bao gồm các vấn đề hiệu quả nguồn lực, bảo tồn năng lượng và tài nguyên, giảm nguồn chất thải (như tối thiểu hóa cũng như ngăn ngừa chất thải hoặc ô nhiễm), tái chế, an toàn và sức khỏe đối với người lao động và người tiêu dùng, và thiết kế sản phẩm xanh.
Vấn đề cuối cùng, điểm khác biệt lớn nhất, các vấn đề của TTX không bao gồm các lĩnh vực sau (mục 1.1.4): chất lượng, vốn con người, xã hội và tài chính, các tác động tới các nước khác.
Do đó, luận án xác định các tiêu chí đo lường TTX đối với ngành sản xuất công nghiệp bao gồm:
Tiêu chí năng lượng và tài nguyên: năng lượng và tài nguyên không chỉ quan trọng trong quá trình sản xuất cũng như TTX. Sự khan hiếm về NVL và năng lượng càng tăng lên trong quá trình sản xuất theo phương thức truyền thống và cần phải được bảo tồn. Tầm quan trọng của năng lượng và NVL thể hiện ở khía cạnh thứ nhất và thứ hai trong khung TTX của OECD. Do đó, các chỉ số TTX cần phản ánh các vấn đề về năng lượng và NVL cả về tiêu hao đơn vị sản phẩm và các dạng của năng lượng và NVL.
Tiêu chí môi trường tự nhiên: môi trường tự nhiên ngày càng ô nhiễm dưới tác động của quá trình sản xuất và hoạt động của con người. Các vấn đề về môi trường trong quá trình sản xuất công nghiệp bao gồm chất lượng nước và không khí, chất thải trong quá trình sản xuất và phế phẩm, ô nhiễm tiếng ồn trong quá trình sản xuất. Các chỉ số TTX doanh nghiệp cần phản ánh các vấn đề này và các vấn đề về môi trường tự nhiên cũng được thể hiện rõ trong khía cạnh thứ ba trong khung TTX của OECD (Chất lượng môi trường sống).
Tiêu chí kết quả kinh tế: duy trì tăng trưởng kinh tế của hệ thống sản xuất (cùng với vấn đề về môi trường) là yếu tố chính trong TTX quốc gia. Đối với doanh nghiệp, vấn đề kinh tế là vấn đề sống còn bên cạnh việc bảo đảm vấn đề môi trường trong quá trình sản xuất. Đó là việc tăng trưởng cũng như duy trì kinh tế của doanh nghiệp thông qua doanh thu, lợi nhuận nhằm đảm bảo việc làm, phát triển doanh nghiệp và địa phương.
Tiêu chí lao động: lao động là yếu tố chính của hệ thống sản xuất. Các chỉ số TTX ngành công nghiệp cần phản ánh vấn đề về lao động. Trong quá trình tham gia vào sản xuất doanh nghiệp, người lao động có thể gặp rủi ro về sức khỏe và an toàn lao động do sự bất cẩn, sự an toàn của hệ thống sản xuất, các chất thải và ô nhiễm ảnh hưởng đến người lao động, sự hài lòng của người lao động đối với doanh nghiệp. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có những cơ quan về quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OSHA) như ở các nước phát triển nhưng vấn đề về an toàn sức khỏe nghề nghiệp của người lao động cũng phải đặc biệt chú trọng và cũng là để đảm bảo quá trình sản xuất được ổn định bởi vì con người là yếu tố chính của quá trình sản xuất. Các chỉ số về lao động như tỉ lệ chất thương, tai nạn, bỏ việc hay sự hài lòng của người lao động, đào tạo lao động…cần được phản ánh trong chỉ số TTX doanh nghiệp.
Tiêu chí sản phẩm: sản phẩm có mối liên hệ trực tiếp tới tác động môi trường và kinh tế doanh nghiệp. Trong quá trình tiêu thụ sản phẩm sản phẩm có thể trở thành chất thải và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Một số sản phẩm trong quá trình sử dụng phát thải ra môi trường nhiều hơn trong quá trình tạo ra sản phẩm. Các chỉ số về sản phẩm có thể giúp doanh nghiệp tập trung và tối ưu hóa vào khâu thiết kế và quản lý cũng như sản xuất sản phẩm.
Tiêu chí tái chế: tái chế là khả năng sử dụng lại sản phẩm, NVL lỗi bị thu thồi lại trong quá trình sản xuất. doanh nghiệp có khả năng tái chế cao sẽ giảm được chất thải ra môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tránh lãng phí. Tái chế cũng là một vấn đề quan trọng trong sản xuất xanh. Các chỉ số TTX doanh nghiệp cần phản ánh khả năng tái chế trong quá trình sản xuất doanh nghiệp.
Tiêu chí chính sách doanh nghiệp: mặc dù chính sách doanh nghiệp không được phản ánh trong chỉ số sản xuất bền vững. Tuy nhiên, quan điểm luận án đồng thuận với khía cạnh thứ tư trong khung TTX của OECD, đó là các chính sách của doanh nghiệp đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng địa phương và chính sách đối với các biện pháp phòng ngừa môi trường cũng cần được tính đến. Do đó, các chỉ số TTX ngành công nghiệp phải phản ánh chính sách của ngành về các lĩnh vực trợ cấp địa phương, đầu tư vào các biện pháp phòng ngừa môi trường, hệ thống đánh giá và xử lý môi trường.
Thông qua 7 tiêu chí đánh giá thực hiện TTX của ngành công nghiệp có thể giúp đạt được hai trong số ba nội hàm của TTX đó là: (i) giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và (ii) xanh hóa sản xuất; còn nội hàm thứ ba “xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững” không thuộc phạm vi đánh giá TTX ngành công nghiệp.
Để lại một bình luận