TTX không bắt nguồn từ lý thuyết kinh tế mà là một tầm nhìn được đưa ra bởi các nhà hoạch định chính sách trong nỗ lực để tìm ra phương thức vừa tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo môi trường vẫn bền vững [60]. TTX là khái niệm chính sách có nguồn gốc từ Khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Khái niệm TTX lần đầu tiên xuất hiện trong Hội nghị Bộ trưởng lần thứ năm về môi trường và phát triển (MCED) được thực hiện bởi UNESCAP (Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc) tại Hàn Quốc vào năm 2005. Hội nghị này tập trung vào sự bền vững môi trường và tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng kinh tế bền vững về môi trường được gọi là “tăng trưởng xanh”.
Năm 2008, Hàn Quốc thông qua tầm nhìn phát triển quốc gia “Tăng trưởng xanh các bon thấp”, Chiến lược quốc gia về TTX và kế hoạch 5 năm TTX. Năm 2010, Hàn Quốc ban hành khung TTX các bon thấp. Kể từ đó, Hàn Quốc thúc đẩy khái niệm TTX rộng rãi hơn. Hàn Quốc đóng góp lớn trong việc thiết lập Viện TTX toàn cầu (GGGI) có trụ sở tại Seoul và có vai trò tiên phong, khuếch tán mô hình mới về tăng trưởng kinh tế trong phát triển đất nước (tăng trưởng xanh), đồng thời hướng vào khía cạnh quan trọng của các hoạt động kinh tế như xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và hòa nhập xã hội, và những khía cạnh bền vững môi trường như giảm biến đổi khí hậu và suy giảm dạng sinh học và bảo đảm tiếp cận năng lượng và nước sạch.
Các tổ chức quốc tế khác cũng đóng góp đáng kể vào việc phổ biến của các khái niệm TTX. Tại Hội nghị hội đồng Bộ trưởng Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tháng 6 năm 2009, 30 nước OECD và 5 nước thành viên tương lai thông qua tuyên bố về TTX, cho rằng xanh và tăng trưởng có thể cùng đạt được, và giao cho OECD phát triển chiến lược TTX. Từ đó, OECD đã trở thành một tổ chức chuyên trách về TTX. OECD đã ban hành một số nghiên cứu, điển hình như “Hướng tới Tăng trưởng xanh” trong đó thảo luận về khung chính sách và các khía cạnh đo lường.
Nhóm quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G8) và nhóm các nền kinh tế lớn (G20) cũng cam kết sự hỗ trợ cho TTX. Trong công bố của G8 có nói rằng “những thách thức liên quan tới biến đổi khí hậu, bảo tồn năng lượng và sử dụng bền vững và hiệu quả các nguồn năng lượng tự nhiên nằm trong những vấn đề quan trọng nhất cần được giải quyết trong bối cảnh chiến lược về đảm bảo tính bền vững toàn cầu. Sự thay đổi theo hướng TTX sẽ cho đóng góp quan trọng vào sự phục hồi khủng hoảng kinh tế và tài chính”. Trong tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo G20 cho rằng “TTX bền vững, vốn là một phần của PTBV, là một chiến lược phát triển chất lượng, cho phép các nước bỏ qua những công nghệ cũ trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả việc thông qua sử dụng hiệu quả năng lượng và công nghệ sạch”.
Năm 2011, UNEP đã đưa ra báo cáo, “Hướng tới nền kinh tế xanh: Con đường tới Phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo”. Nền kinh tế xanh trong bối cảnh PTBV và xóa đói giảm nghèo là một trong hai chủ đề của Hội nghị Liên Hợp Quốc về PTBV (Rio+20). Năm 2012, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra báo cáo về TTX, Tăng trưởng xanh: Con đường tới Phát triển bền vững. Cùng năm đó, UNESCAP và KOICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc) xây dựng quan điểm về TTX trong báo cáo “Lộ trình Tăng trưởng xanh các bon thấp Khu vực Châu Á Thái Bình Dương: Biến những ràng buộc về nguồn lực và rủi ro khí hậu thành các cơ hội trăng trưởng kinh tế”. UNESCAP, ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) và UNEP (Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc) cũng phối hợp thực hiện báo cáo về TTX khu vực châu Á Thái Bình Dương, Tăng trưởng xanh, nguồn lực, và sự phục hồi: Bền vững môi trường Châu Á Thái Bình Dương”. Năm 2012, GGGI, UNEP, OECD và WB phối hợp thực hiện Diễn đàn kiến thức về TTX (GGKP), một mạng lưới toàn cầu của các tổ chức và các chuyên gia quốc tế để xác định và giải quyết những khoảng trống kiến thức về lý thuyết và ứng dụng TTX… cung cấp cho học viên và các nhà xây dựng chính sách những hướng dẫn chính sách, thực tiễn tốt, các công cụ và dữ liệu cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi tới nền kinh tế xanh. Năm 2013, ADB và ADBI (Viện Ngân hàng Phát triển châu Á) phối hợp xuất bản báo cáo TTX, Tăng trưởng xanh các bon thấp ở Châu Á: Các chính sách và thực tiễn.
Để lại một bình luận