TTX và PTBV có mối liên hệ tương hỗ, TTX là một phần của PTBV, có sự khác nhau về khía cạnh xã hội nhưng nhìn chung chỉ số đánh giá PTBV thuộc các khía cạnh kinh tế và môi trường về cơ bản được xem là chỉ số đánh giá TTX. Trong ngành sản xuất công nghiệp, việc xây dựng bộ tiêu chí TTX cũng cần tham khảo các chỉ số SXBV. Ngoài ra, ở khía cạnh hiệu quả nguồn lực, sản xuất cũng như hiệu quả sinh thái cũng đo lường phần nào đó dưới góc độ TTX. Do vậy, cần phải xem xét đến các chỉ số đo lường các vấn về PTBV, SXBV, hiệu quả sinh thái và nguồn lực…
Ở cấp độ quốc gia, bộ chỉ số đánh giá TTX đã được OECD đưa ra bao gồm 4 nhóm chỉ số: (i) nhóm chỉ số hiệu suất đa yếu tố; (ii) nhóm chỉ số nền tảng tài sản tự nhiên; (iii) nhóm chỉ số chất lượng môi trường sống; và (iv) nhóm chỉ số phản hồi chính sách và các cơ hội kinh tế [29]. Tại Việt Nam, tác giả Võ Thanh Sơn (2014) đưa ra bộ chỉ số TTX được xây dựng trên cơ sở bộ chỉ số TTX của OECD được rút gọn hơn để phù hợp với điều kiện Việt Nam [32].
Ở cấp độ địa phương/thành phố có bộ chỉ số PTBV tương ứng. Bộ chỉ số PTBV địa phương bao gồm 3 nhóm chỉ số: kinh tế (tỷ lệ thất nghiệp/có việc làm, tăng trưởng kinh tế); môi trường (không gian xanh, giảm GHG/hiệu quả năng lượng, vận tải, chất lượng không khí, chất thải/tái chế); và xã hội (tội phạm, giáo dục, sức khỏe..) [100]. Ngoài ra, chỉ số PTBV vùng/lãnh thổ cũng được đo lường trên các khía cạnh: mức sống, tính hiệu quả, sự tự do hoạt động, an ninh, khả năng thích nghi, nhu cầu tâm lý…trong nghiên cứu của tập đoàn Balonton.
Về chỉ số hiệu quả nguồn lực và châu Á xanh đưa ra các chỉ số giúp sản xuất bền vững và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả cho các quốc gia Châu Á. Các chỉ số hiệu quả nguồn lực chia thành 2 nhóm chỉ số [101]: (i) giám sát cải tiến hiệu quả tài nguyên (gồm 32 chỉ số trong 8 lĩnh vực) và (ii) tăng trưởng kinh tế và phát triển con người (11 chỉ số).
Ở cấp ngành công nghiệp, có bộ chỉ số PTBV ngành công nghiệp khai khoáng chia thành 4 nhóm theo 4 trụ cột bền vững: (i) phân tích dòng khối lượng; (ii) các tác động môi trường; (iii) năng lượng trong quá trình hoạt động; và (iv) thỏa mãn xã hội [102].
Ở cấp độ doanh nghiệp, trong nghiên cứu của Rahdari A. H & Anvary Rostamy A. A (2015) đã xác định được bộ chỉ số đánh giá bền vững ở cấp độ doanh nghiệp từ quá trình xử lý thông qua việc lọc các tiêu chí lựa chọn. Bộ chỉ số bền vững cấp doanh nghiệp được nhóm thành 3 khía cạnh: (i) môi trường; (ii) xã hội; và (iii) quản trị với 10 tiêu chí chính, 30 tiêu chí con và 70 chỉ số bền vững được lựa chọn [21]. Ngoài ra, bộ chỉ số ngân hàng xanh cũng được đề cập đến trong nghiên cứu của Rezwan (2016) [30].
Ở một số vấn đề khác như: sản xuất bền vững; thực hiện bền vững (xét trên khía cạnh quản lý doanh nghiệp) và một số phương pháp phân tích dòng NVL, chỉ số kết quả thực hiện chính (KPI) cũng có những chỉ số đánh giá ở mỗi khía cạnh đó. Đối với các công ty sản xuất sản phẩm, nghiên cứu của OECD đưa ra bộ chỉ số bao gồm 22 chỉ số sản xuất bền vững dựa trên 6 khía cạnh và mỗi chỉ số có đánh giá cấp độ [103]: cấp 1 gồm những tuân thủ với những quy định bắt buộc và các chuẩn công nghiệp, trong khi cấp 2 đo lường hiệu quả và năng suất của công ty đơn lẻ. Ở cấp 3 và 4 các công ty phải nhìn xa ra ngoài ranh giới công ty của họ và xem xét các tác động của các nhà cung cấp và phân phối. Hệ thống phân cấp này nhấn mạnh rằng việc phát triển các chỉ số cho sản xuất bền vững không phải là tĩnh mà là một quá trình liên tục và phát triển của việc thiết lập các mục tiêu và việc đo lường các kết quả thực hiện. Ở góc độ quản lý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ số thực hiện bền vững chia thành 2 khía cạnh [104]: (i) chỉ số thực hiện bền vững định tính (bao gồm 3 cấp độ: cao, trung bình và thấp); và chỉ số thực hiện bền vững định lượng (nhóm chỉ số kinh tế, môi trường và xã hội). Đối với một sản phẩm cụ thể, bộ chỉ số hiệu quả sinh thái đối với sản phẩm găng tay được đưa ra trong nghiên cứu của Rattanapan dựa trên phương pháp phân tích dòng NVL (MFA) và khái niệm hiệu quả sinh thái [105]. Đối với một doanh nghiệp cụ thể có
mục tiêu và chiến lược rõ ràng thì doanh nghiệp có thể đưa ra bộ chỉ số kết quả thực hiện chính (KPI) dựa trên mô hình KPI để đưa ra chỉ số kết quả thực hiện chính mang tính bền vững của tổ chức [103].
Để lại một bình luận