Thuật ngữ CSR chính thức xuất hiện trong nghiên cứu của Bowen (1953) nhằm mục đích kêu gọi DN không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích của người khác. Từ đó đến nay các nghiên cứu TNXH tập trung vào một số lý thuyết nền tảng:
Lý thuyết các bên liên quan: Trong TNXH nhiều học giả đã đề xuất các quyết định quản lý không nên chỉ thiết kế để làm hài lòng các cổ đông, mà còn hài lòng cả các bên liên quan như NLĐ, khách hàng, nhà cung cấp [109]. Freenam (1984) nhận định: “vì có những hành động tiêu cực, như làm ô nhiễm môi trường, lạm dụng nhân viên sẽ dẫn tới những phản ứng dữ dội từ các bên liên quan”. Carroll, (1991) cho rằng các bên liên quan được chia thành hai nhóm: nhóm liên quan chủ yếu là những cá nhân/tổ chức liên quan trực tiếp đến DN trong hoạt động kinh tế và có một hợp đồng công khai (cổ đông, NLĐ, khách hàng, nhà cung ứng) và nhóm bên liên quan thứ yếu là những đối tượng có quan hệ tự nguyện/không tự nguyện với DN mang tính đạo đức (hiệp hội, cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, địa phương). Các bên liên quan đều mong muốn DN thực hiện tốt các quyền lợi cho họ (xem hình 2- phụ lục 07). Trong đó trách nhiệm với NLĐ chính là trách nhiệm nội tại quan trọng nhất của DN; Cũng như vậy, ở Việt Nam nghiên cứu của: Nguyễn Đình Cung và Lưu Minh Đức (2008) nhận định việc cân bằng lợi ích của các bên liên quan được đặt ra như một nội dung then chốt trong quản trị DN. Người quản lý DN phải điều hòa lợi ích của các bên như NLĐ, cổ đông, khách hàng, chính quyền, cộng đồng, chủ nợ, nhà phân phối nhà cung cấp, hiệp hội ngành nghề… Mỗi bên liên quan có lợi ích đặc thù ở các mức độ khác nhau; lý đề xuất các bên liên quan mà các DN phải quan tâm là NLĐ, khách hàng, nhà cung ứng, cộng đồng. Trong đó NLĐ là một đối tượng cốt cán bên trong DN với việc cải thiện điều kiện làm việc, ATVSLĐ, đãi ngộ lương, phúc lợi xứng đáng để họ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; Nguyễn Thị Minh Châu, (2013) và nhiều nghiên cứu có liên quan cho rằng mặc dù DN với điều kiện nguồn lực bị giới hạn nhưng các bên liên quan chủ yếu vẫn dành được nhiều sự quan tâm của DN trong đó NLĐ rất quan tâm đến trong các bên liên quan của DN.
Lý thuyết cấp độ trách nhiệm: Carroll (1999) cho rằng, TNXH bao hàm các thành tố trách nhiệm: kinh tế, luật pháp, đạo đức và thiện nguyện – những nội dung này đã được A.Carroll thiết kế thành kim tự tháp TNXH với 4 nấc tầng (xem hình 3- phụ lục 07). Kế thừa ý tưởng của Carroll, Maignan& Ferrell (2005) và nhiều tác giả sau này rất ủng tiếp cận này. Tại Việt Nam lý thuyết của Carroll được vận dụng vào những điều kiện khác nhau của các ngành, lĩnh vực, các loại hình DN từ những năm 2000, như trong nghiên cứu của: Nguyễn Đình Cung và Lưu Minh Đức (2008) bao gồm trách nhiệm kinh tế – tối đa hóa lợi nhuận, cạn tranh, hiệu quả và tăng trưởng là điền kiện tiên quyết, hàng đầu, trách nhiệm tuân thủ pháp luật là một phần bản kế ước giữa DN và xã hội, trách nhiệm đạo đức là những quy tắc, giá trị được xã hội chấp nhận nhưng chưa được mã hóa vào văn bản luật. Hơn nữa, trong đạo đức xã hội luôn tồn tài những khoảng “xám”, đúng – sai không rõ ràng nên chúng chưa thể được cụ thể hóa vào luật. Trách nhiệm từ thiện là những hành vi của DN vượt ra khỏi sự mong đợi của xã hội như là trả mức lương cạnh tranh hay hỗ trợ nhà ở cho NLĐ; Nghiên cứu của Trương Nam Thắng và Margaret (2014); Nguyễn Ngọc Thắng (2015) với các nghĩa vụ kinh tế, pháp lý, đạo đức và nhân văn. DN cần có trách nhiệm hoàn toàn với xã hội đồng thời đáp ứng cả 4 loại nghĩa vụ có nghĩa là DN phải làm ăn có lãi, tuân thủ pháp luật, hành vi có đạo đức và là một công dân tốt của xã hội; Lê Thị Thu Thủy (2013) và các nghiên cứu có liên quan khẳng định trách nhiệm kinh tế và trách nhiệm pháp lý là hai bộ phận cơ bản, bắt buộc không thể thiếu của TNXH. Trách nhiệm đạo đức, từ thiện là sự tự nguyện của DN và trách nhiệm từ thiện đứng ở vị trí cao nhất trong TNXH của DN, thể hiện rõ tầm quan trọng của yếu tố này trong việc thực hiện hình tượng của một DN công dân gương mẫu trong xã hội.
Để lại một bình luận