Lý thuyết trật tự phân hạng được đề xuất bởi Gordon Donaldson (1961) và hoàn thiện bởi Stewart C.Myers và Nicolas Majluf (1984). Giả thuyết của lý thuyết bao gồm: (i) Tồn tại vấn đề bất cân xứng thông tin giữa nhà quản trị DN và nhà đầu tư bên ngoài; (ii) Nhà quản trị DN sẽ hành động vì lợi ích tốt nhất cho chủ sở hữu hiện hành.
Lý thuyết này không đi tìm cơ cấu nguồn vốn tối ưu mà thay vào đó đi xác định một thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn nguồn vốn trong quyết định tài trợ. Theo lý thuyết này, DN ưa thích lựa chọn tài trợ bằng nguồn vốn bên trong hơn so với nguồn vốn bên ngoài. Trong trường hợp phải lựa chọn nguồn vốn bên ngoài, DN sẽ lựa chọn theo một thứ tự sao cho đạt được mục tiêu tối thiểu hoá sự gia tăng chi phí do thông tin bất đối xứng. Lý thuyết trật tự phân hạng cho rằng các nhà quản trị DN sẽ có lợi thế hơn nhà đầu tư bên ngoài trong việc biết nhiều thông tin về triển vọng, rủi ro và giá trị DN.
Thứ tự ưu tiêu trong lựa chọn nguồn vốn bao gồm: (1) Nguồn vốn bên trong; (2) Nợ vay; (3) Vốn góp của chủ sở hữu.
Nợ vay được lựa chọn trước vốn góp của chủ sở hữu vì: (i) Chi phí sử dụng nợ vay thấp hơn so với chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu. Do vậy, quyền kiểm soát của chủ sở hữu hiện tại không bị phân tán, chia sẻ; (ii) Mặc dù nhà quản trị DN có trách nhiệm cung cấp thông tin DN cho chủ nợ. Tuy nhiên, vấn đề thông tin bất cân xứng mang lại lợi thế cho DN để phát đi những tín hiệu tích cực rằng các khoản đầu tư đang được kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao và nhà quản trị muốn tận dụng lợi thế của đòn bẩy tài chính
Vốn góp của chủ sở hữu là lựa chọn cuối cùng vì: (i) Chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu cao và sự lựa chọn nguồn tài trợ này thường phát đi tín hiệu tiêu cực; (ii) Các cổ đông tiềm năng sẽ tạo ra thách thức cho giá trị thực của cổ phiếu do họ phải tùy thuộc vào thông tin do nhà quản trị cung cấp, cổ đông thư̛ờng yêu cầu một mức giá thấp đối với cổ phiếu được phát hành mới vì họ không thể chắc chắn cổ phiếu được đánh giá đúng giá trị thực.
Qua nghiên cứu một số lý thuyết về cơ cấu nguồn vốn, một số kết luận được rút ra như sau:
Thứ nhất, quy mô và tỷ trọng nợ vay đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn cơ cấu nguồn vốn tối ưu. Mặc dù sử dụng nợ vay có thể làm gia tăng mức độ rủi ro tài chính của DN trong hoạt động kinh doanh nhưng nếu sử dụng hiệu quả có tác dụng khuyếch đại tỷ suất sinh lời vốn chủ sở hữu. Việc hoạch định cơ cấu nguồn vốn tối ưu nhất thiết phải nắm vững nguyên tắc về sự cân bằng giữa lợi ích và rủi ro. Cơ cấu nguồn vốn tối ưu là mức cơ cấu mà tại đó rủi ro và lợi ích của việc sử dụng nợ vay được cân bằng và là mức cơ cấu tác động làm giảm thiểu rủi ro tài chính, tối thiểu hoá chi phí sử dụng vốn bình quân và tạo ra sự tối đa hoá giá trị DN.
Thứ hai, trong thực tế việc xác định một cơ cấu nguồn vốn tối ưu là điều khó khăn do sự biến động đối với tình hình kinh doanh cũng như sự khác nhau về đặc điểm kinh doanh giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Bởi vậy, thực tiễn khái niệm cơ cấu nguồn vốn mục tiêu thường được sử dụng. Cơ cấu nguồn vốn mục tiêu là cơ cấu nguồn vốn được xác định dựa trên các lý thuyết của cơ cấu nguồn vốn tối ưu và có sự cân nhắc giữa các yếu tố rủi ro tài chính, tỷ suất sinh lời trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Khi điều kiện và hoàn cảnh kinh tế có sự thay đổi thì cơ cấu nguồn vốn mục tiêu cũng có sự thay đổi. Yêu cầu đặt ra đối với từng doanh nghiêp là phải xác định một cơ cấu nguồn vốn mục tiêu cho DN của mình trong từng thời kỳ để công tác tổ chức, huy động và sử dụng nguồn vốn luôn hướng tới cơ cấu nguồn vốn mục tiêu này.
Để lại một bình luận