Qua nghiên cứu kinh nghiệm về hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn đối với các DN ngành điện Malaysia và các DN ngành năng lượng Kenya, tác giả rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn đối với các CTCP ngành điện niêm yết tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, việc hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn phải căn cứ vào các nhân tố tác động đến cơ cấu nguồn vốn của DN. Qua nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng cơ cấu nguồn vốn của các DN ngành điện Maylaysia cho thấy những nhân tố ảnh hưởng thuận chiều đến hệ số nợ vay gồm có quy mô kinh doanh, khả năng sinh lời, triển vọng tăng trưởng và tỷ trọng tài sản hữu hình. Những CTCP ngành điện niêm yết có đặc điểm quy mô tổng tài sản ở mức cao nên tận dụng lợi thế này để tiếp cận đối với các khoản nợ vay do có khả năng dùng những tài sản này làm tài sản thế chấp để gia tăng uy tín đối với các chủ nợ trong quyết định cấp tín dụng. Hơn nữa, ngành điện niêm yết là ngành còn đang trong giai đoạn tăng trưởng nên yêu cầu đặt ra đối với các DN cần phải nâng cao hiệu quả kinh doanh, gia tăng khả năng sinh lời nhằm thu hút nguồn tài trợ với quy mô lớn hơn trên thị trường tài chính.
Thứ hai, việc hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn phải gắn với quyết định xây dựng cơ cấu nguồn vốn mục tiêu. Nghiên cứu mối quan hệ giữ nợ vay và hiệu quả hoạt động của DN cho thấy biến số nợ vay dài hạn có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động của DN. Những CTCP ngành điện niêm yết với đặc thù tài sản dài hạn chiếm tỷ trọng cao nên việc huy động vốn cũng đặt ra áp lực về tỷ trọng cao trong các khoản nợ vay dài hạn. Bởi vậy, việc hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn đặt ra yêu cầu đối với các DN ngành điện niêm yết một mặt phải tính đến mối quan hệ giữa cơ cấu nguồn vốn và hiệu quả hoạt động mặt khác phải xây dựng được cơ cấu nguồn vốn mục tiêu để tối thiểu hoá chi phí sử dụng vốn qua đó tối đa hoá giá trị DN dựa trên cơ sở có sự chú trọng cao đối với các khoản nợ vay dài hạn.
Thứ ba, trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ không tồn tại một cơ cấu nguồn vốn mục tiêu cho tất cả các DN và ngày trong một DN thì cơ cấu nguồn vốn mục tiêu cũng có sự biến động theo các giai đoạn phát triển của DN. Bởi vậy, việc xây dựng cơ cấu nguồn vốn mục tiêu phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, đặc điểm hoạt động kinh doanh và sự dự báo vể bối cảnh kinh tế – xã hội gắn với chiến lược phát triển ngành điện.
Để lại một bình luận