Trách nhiệm xã hội đối với NLĐ là trách nhiệm đối với bên liên quan quan trọng nhất của DN. Khái niệm về TNXH đối với NLĐ đã được đề xuất bởi các tác giả khác nhau, có thể kể đến:
Theo Thái Thị Hồng Minh (2007): “TNXH trong lĩnh vực lao động được hiểu là việc các DN thực hiện quyền lợi dành cho cán bộ, công nhân viên, NLĐ nói chung trong DN”. Quyền lợi này chính là sự quan tâm đến HĐLĐ, điều kiện làm việc, nghỉ ngơi, sự tôn trọng, công bằng về tiền lương, tiền công, chăm sóc sức khỏe cũng như đời sống vật chất và tinh thần.
Remišová Anna, Zuzana Búciová (2012) cho rằng: “TNXH đối với NLĐ là thực thi tốt các cam kết đảm bảo quyền và lợi ích của nhân viên về: giờ làm việc, sức khỏe và an toàn lao động, tiền lương, thương lượng tập thể cũng như quan hệ công việc cá nhân và sự giao tiếp nội bộ.” Như vậy, TNXH đối với NLĐ là thực hiện, tuân thủ các cam kết cả về pháp lý về quyền và trên quyền là lợi ích cho NLĐ. Anber Abrabee và cộng sự (2014) nhận định: “TNXH đối với NLĐ là việc DN định hướng các hành vi của họ nhằm tuân thủ pháp luật, đảm bảo lợi ích kinh tế theo hướng hài hòa lợi ích của NLĐ và theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững”.
Nghĩa là để NLĐ được làm việc trong những điều kiện phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần thì tuân thủ pháp luật, đảm bảo các lợi ích cho NLĐ là phương cách hữu hiệu giúp hài hòa lợi ích của NLĐ và phát triển bền vững của DN.
Lê Thị Hướng (2017) khẳng định: “TNXH đối với NLĐ là việc đảm bảo lợi ích chính đáng cho NLĐ”. Để đảm bảo lợi ích chính đáng cho NLĐ, trước hết DN có trách nhiệm chấp hành nghiêm các văn bản luật liên quan đến lao động, ngoài ra DN cũng có trách nhiệm đáp ứng những lợi ích cao hơn ngoài phạm vi luật định.
Trên cơ sở những khái niệm nêu trên, nghiên cứu xác lập khái niệm:
Trách nhiệm xã hội đối với người lao động của doanh nghiệp là thực hiện cam kết đối với người lao động thông qua trách nhiệm đảm bảo quyền và lợi ích từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững.
Khái niệm cho thấy những vấn đề cốt lõi về TNXH đối với NLĐ là:
Một là, các cam kết liên quan đến tuân thủ các quy định của PLLĐ chính là TNXH đảm bảo quyền, vượt trên PLLĐ hay là lợi ích của NLĐ. Trong đó, quyền của NLĐ là những việc mà NLĐ được làm khi làm việc tại DN. NSDLĐ phải đảm bảo các quyền cụ thể đối với NLĐ dựa trên quy định của PLLĐ và HĐLĐ mà hai bên đã ký kết. Quyền của NLĐ có thể được thiết lập ở nhiều cấp độ (xem Hình 1- phụ lục 07) cụ thể trong: Các công ước quốc tế, các FTAs, các CoC, Luật pháp quốc gia, TƯLĐTT, HĐLĐ…; Lợi ích của NLĐ là sự tự nguyện thực hiện của DN vượt trên những quyền. Điều này được ghi nhận, khuyến khích trong các văn bản pháp lý quốc tế, hệ thống pháp luật của các quốc gia cũng như văn bản của các tổ chức ILO, IFC, PLLĐ. DN đảm bảo lợi ích đối với NLĐ sẽ có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ để NLĐ nâng cao năng suất, chất lượng công việc, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề lợi ích của NLĐ ngày càng được coi trọng. TNXH đảm bảo quyền và lợi ích với các nội dung cốt lõi: HĐLĐ, giờ làm việc, ATVSLĐ và sức khỏe nghề nghiệp, lương và phúc lợi, tự do hiệp hội và thương lượng tập thể.
Hai là, thực hiện cam kết của DN đối với NLĐ là quá trình mà khi DN thực hiện bất kỳ hoạt động nào đều quan tâm đến hiệu quả thực thi hay mục tiêu đề ra. Muốn đạt được điều này cần phải tiến hành quá trình thực hiện TNXH đối với NLĐ một cách bài bản, khoa học để cả DN và NLĐ đạt được lợi ích của mình. DN phải xác định xem mình muốn đạt được điều gì trước mắt và tương lai, để đạt được những kết quả mong muốn đó cần có những kế hoạch gì? và lập kế hoạch ra sao? Để thực hiện những kế hoạch này cần phải có bộ máy, con người và xác định quyền hạn của những con người đó. Từ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đánh giá thực hiện. Bên cạnh đó, thực hiện hóa các cam kết của DN đối với NLĐ là quá trình tiến hành theo một trình tự nhất định đi từ khâu xây dựng kế hoạch, triển khai và đánh giá thực hiện TNXH đối với NLĐ.
Ba là, TNXH đối với NLĐ đảm bảo phát triển bền vững cho DN cũng như xã hội. Bởi lẽ, mỗi DN đều có chiến lược phát triển và các nguồn lực nhất định. Từ đó nhìn bề ngoài, TNXH thực hiện vì NLĐ, là thể hiện cái “tâm” của chủ DN đối với NLĐ. Điều này có vẻ như là lý do tại sao hiện ở Việt Nam, số DN tự giác thực thi TNXH đối với NLĐ còn chưa nhiều. Do vậy, thực chất thực hiện TNXH đối với NLĐ là vì sự phát triển lâu dài của DN hay chính là đảm bảo phát triển bền vững của DN cũng như góp phần “kiến tạo” xã hội tốt đẹp hơn.
Để lại một bình luận