Lao động phân bố không đồng đều
Các DN may có sự gia tăng về số lượng qua các năm do nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Số lượng các DN may từ năm 2010 là 1822 DN đến năm 2017 là 5985 DN tăng 3,285 lần so với năm 2010 (xem hình 2- phụ lục 9). Câu trả lời cho việc gia tăng mạnh mẽ qua là do Việt Nam chính thức gia nhập WTO và từ năm 2015 hàng loạt các FTA ký kết và có hiệu lực.
Do một số đặc điểm về địa lý, quy mô dẫn đến các DN may phân bố không đồng đều giữa các tỉnh, vùng, miền. Các DN may tập trung nhiều nhất ở khu vực phía Nam trên 60% DN (chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, chiếm 50,2%). Sự phân bố không đều giữa các tỉnh đặc biệt mật độ tập trung các DN may chủ yếu tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cao dẫn đến các DN khó khăn về chi phí sản xuất tăng cao, quỹ đất hạn hẹp, sự cạnh tranh về lao động.
Xét theo quy mô, số DN có từ 300 người đến dưới 500 người chiếm 69,3%, từ 500 người trở lên chiếm 9,5%. Ở quy mô nhỏ, DN sẽ khó trong việc thu hút và giữ chân NLĐ. Điều này khiến các DNNVV thường phải đối mặt với những bối cảnh đầy ắp những khó khăn. Thị trường lao động về may mặc thì thường xuyên mất cân đối lao động giữa các DN. Đặc biệt là các DNNVV luôn khát lao động.
Lao động nữ chiếm tỷ lệ cao
Theo số liệu của VITAS, mỗi 1 tỷ USD giá trị hàng may xuất khẩu có thể tạo ra việc làm cho 150 – 200 nghìn lao động trong các DN may và 50 – 100 nghìn lao động tại các DN hỗ trợ. Do tính chất của công việc đòi hỏi có sự chăm chỉ, khéo tay, chính xác, tỉ mỉ và kiên nhẫn nên tại các DN may là lao động nữ chiếm tỷ lệ cao (xem bảng 2- phụ lục 10).
Tổng số lao động của các DN may có sự gia tăng qua các năm từ năm 2012 là 1155976 NLĐ đến năm 2017 là 1537135 NLĐ tương ứng tăng 32,97%. Trong đó NLĐ nam tăng 45931 người tăng 17,88%; NLĐ nữ tăng 335228 người tương ứng 37,28%. Song do thiên chức của NLĐ nữ là lập gia đình và sinh con nhỏ nên họ sẽ nghỉ việc từ 1 – 2 năm để chăm con xong mới trở lại làm việc. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bố trí, sử dụng lao động của DN may.
Lao động có trình độ, tay nghề thấp
Hiện chỉ có khoảng 15% NLĐ trong các DN may có trình độ từ trung cấp trở lên và tình trạng “thiếu hụt” lao động mà đặc biệt lao động đã qua đào tạo luôn diễn ra nhưng khả năng đáp ứng của cơ sở đào tạo không theo kịp với nhu cầu lao sử dụng lao động của các DN. Hiện nay, đa số các DN này có khuynh hướng đầu tư cho việc thu hút lao động, chứ không có khuynh hướng đầu tư mạnh cho hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ, độ lành nghề của NLĐ. Hệ quả là NLĐ chưa đảm bảo về tính chuyên nghiệp, chưa chuẩn hóa đội ngũ, chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề may của ngành.
Tại các DN may chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ thấp cho nên năng suất của lao động của các DN may so với các quốc gia trong khu vực còn thấp. Thực tế ở các DN may Việt Nam, năng suất bình quân (tính trên giá gia công) đạt 1,5 USD/ giờ. Trong đó, theo ILO (2015) thì năng suất bình quân chung tại Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực, bằng 30% của Malaisia, 40% của Thái Lan.
Lao động không ổn định – dịch chuyển cao
Với quy mô ngày càng gia tăng các DN may có nhu cầu tuyển dụng. DN may mới thành lập nhu cầu tuyển từ 500 – 2000 NLĐ, DN mở rộng quy mô tuyển từ 20 – 50% số lượng NLĐ. Tuy nhiên, bài toán “đau đầu” của các DN may là tình trạng NLĐ bỏ việc, tự do chuyển chỗ làm khá phổ biến. Do NLĐ ý thức kém cứ thấy DN may nào có mức lương hấp dẫn hơn là họ chuyển việc.
Theo Chủ tịch Vinatex, (2016): “Lao động thường xuyên biến động, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là thực trạng chung của các DN may. Nguyên nhân là có sự cạnh tranh thu hút lao động gay gắt giữa DN ngành may mặc và các DN ngành khác như DN điện tử. NLĐ trong ngành điện tử được trả từ 8- 9 triệu đồng/người/tháng”. Bên cạnh đó, thời gian làm thêm, tăng ca còn nhiều, thiếu ATVSLĐ, bệnh nghề nghiệp còn cao. Trong khi NLĐ nữ hạn chế về sức khỏe cộng thêm làm việc xa nhà trong khi chế độ nhà ở, nhà trẻ, trường học vẫn chưa đáp ứng khiến nhiều NLĐ bỏ nghề.
Lao động tuổi của càng cao càng dễ mất việc
Tại các DN may sau nhiều năm làm việc khi NLĐ ngoài 35 tuổi sức khỏe bắt đầu suy giảm không còn “nhanh nhạy” như trước nữa. Họ khó có thể tiếp thu những công nghệ, kỹ thuật may mới và NLĐ càng làm việc lâu năm thì DN càng phải trả lương cao hơn. Vì thế việc sa thải những lao động này để tuyển những lao động trẻ hơn, trả lương thấp hơn mà sức khỏe của họ lại tốt hơn nhiều là biện pháp mà nhiều DN may lựa chọn để dịch chuyển sản xuất, thay máu lao động.
Theo Viện trưởng Viện công nhân công đoàn (2017): “một trong những vấn đề nóng hiện nay là tình trạng thất nghiệp của NLĐ nữ ở các khu công nghiệp. Một con số bất an là 80% số người mất việc là NLĐ nữ làm trong các DN may, ở độ trên 35 tuổi”. Thậm chí có những trường hợp NLĐ nữ gắn bó với công việc hơn 10 năm nhưng DN cho nghỉ việc với lý do cơ cấu lại sản xuất. Vấn đề đặt ra NSDLĐ phải thực hiện TNXH đối với những NLĐ này bằng cách tạo ra những việc làm mới phù hợp với họ hay có những chính sách hỗ trợ đối tượng lao động này thích hợp để giúp họ an sinh trong cuộc sống.
Để lại một bình luận